Quan tâm đội ngũ cán bộ tiếp dân

Tin tức - Ngày đăng : 07:55, 12/11/2015

Luật Tiếp công dân được thực hiện hơn 1 năm qua đã tạo nhiều thuận lợi cho công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.




Cán bộ tư pháp - hộ tịch được phân công trực tiếp làm nhiệm vụ tiếp dân tại phường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương)


Tuy nhiên, thực tế vẫn có một số cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hạn chế về năng lực, trình độ, trách nhiệm dẫn đến việc giải quyết các công việc chưa tốt.

Áp lực

Có mặt tại trụ sở tiếp công dân UBND tỉnh vào một buổi chiều đầu tháng 11, chúng tôi phần nào chứng kiến sự vất vả của những người trực tiếp làm công tác tiếp dân. Bà Nguyễn Thị H. (phường Thanh Bình, TP Hải Dương) đến trụ sở lúc chiều muộn với một tập giấy tờ trên tay và nỗi bực tức sẵn sàng trút vào cán bộ tiếp dân. Chỉ trong thời gian ngắn, đây là lần thứ 3 bà gửi đơn tại trụ sở tiếp công dân UBND tỉnh với lời đe dọa: "Các ông mà không giải quyết tôi sẽ gửi đơn lên Trung ương". Trước khi ra về, bà H. còn gay gắt mắng các cán bộ tiếp dân là nắm luật pháp trong tay nhưng cố tình làm sai luật; cố tình "ém" đơn của bà chậm lại... Trước thái độ nóng nảy, không hợp tác của bà H., các cán bộ của Phòng Tiếp dân vẫn nhẹ nhàng, kiên trì giải thích rằng đơn của bà đã được chuyển đi và đang được các cơ quan chuyên môn xem xét, giải quyết. Sau khi tiễn bà H. về, Phó Trưởng Phòng Tiếp dân Tăng Thị Phương cười bảo đã quen với việc bị người dân mắng nhiếc.

Là cán bộ tiếp dân của phường Lê Thanh Nghị, một trong những đơn vị dẫn đầu TP Hải Dương về thực hiện cải cách hành chính, nhưng chị Trần Thị Thu Trang, cán bộ tư pháp - hộ tịch phường cũng từng nhiều lần "dở khóc dở cười" khi tiếp dân. Hơn 10 năm trong nghề, chị Trang nhớ nhất lần bị một người dân đe dọa cấm đi ra khỏi cổng trụ sở UBND phường vì chưa giải quyết được công việc người đó yêu cầu. Mặc dù đã kiên trì giải thích rằng công việc chưa thể giải quyết là do người đó chưa hoàn thiện hồ sơ cần thiết, nhưng đến cuối ngày chị vẫn phải nhờ đồng nghiệp nam đưa về vì sợ bị hành hung. Rồi nhiều lần bị những người dân bực bội mắng chửi bằng đủ thứ ngôn từ nhưng chị Trang chưa bao giờ ấm ức, phản ứng.

Không phải cán bộ tiếp dân nào cũng có đủ sự kiên nhẫn, trình độ, năng lực để chịu những áp lực từ phía người dân. Ông Phạm Văn Miệt, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hải (Thanh Hà) cho rằng cán bộ tiếp dân cần phải có quá trình công tác, hoạt động trong nhiều lĩnh vực để am hiểu, tham mưu xử lý phù hợp những yêu cầu, kiến nghị của nhân dân. Tại xã Thanh Hải, xã đông dân nhất huyện Thanh Hà với hơn 12.000 dân thì việc tiếp dân đặc biệt quan trọng nhằm góp phần thúc đẩy các công tác khác của địa phương. Theo ông Miệt, hạn chế của đồng chí cán bộ tư pháp được phân công trực tiếp tiếp dân chính là kinh nghiệm. Tuy đã tốt nghiệp Đại học Luật, vừa đỗ trong kỳ thi công chức cấp xã năm trước nhưng cán bộ này còn trẻ, chưa có kinh nghiệm giao tiếp, lúng túng trong tiếp xúc, lắng nghe, thuyết phục nhân dân. Do đó, mọi công việc tiếp dân dù đơn giản vẫn phải cần đến các đồng chí lãnh đạo UBND xã.

Tại cuộc kiểm tra việc thực hiện Đề án 1133 về tuyên truyền, phổ biến pháp luật tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) tại xã, phường, thị trấn của Thanh tra tỉnh ở huyện Thanh Miện cuối tháng 10 vừa qua, đại diện lãnh đạo huyện cũng thừa nhận nhiều cán bộ cấp cơ sở còn lúng túng trong công tác tiếp dân.



Các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ làm công tác tiếp dân còn ít


Tự trang bị là chính

Nhiều năm qua, Thanh tra tỉnh đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để lãnh đạo các cấp, thủ trưởng các ngành làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết KNTC; tích cực tuyên truyền pháp luật về tiếp dân, giải quyết KNTC cho cán bộ và nhân dân. Thanh tra tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, thanh tra viên làm công tác tiếp dân, giải quyết KNTC.

Tuy nhiên, trước khối lượng công việc lớn và sự đổi mới thường xuyên của hệ thống pháp luật, phần lớn cán bộ làm công tác tiếp dân đều phải tự học hỏi, trang bị kiến thức để đáp ứng yêu cầu của công việc. Phó Trưởng Phòng Tiếp dân UBND tỉnh Tăng Thị Phương trước đây làm công tác Đoàn nên sau khi chuyển công tác cũng mất một thời gian dài  để làm quen với việc tiếp dân. Từng được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về nghiệp vụ nhưng chị Phương cho rằng số buổi tập huấn chưa nhiều, kiến thức chủ yếu vẫn là"tự đúc rút từ thực tiễn".

Thực hiện Luật Tiếp công dân, nhiều xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã bố trí cán bộ làm công tác tư pháp - hộ tịch kiêm nhiệm vụ tiếp dân. Ở nhiều nơi, các cán bộ làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ đều được giao nhiệm vụ làm công tác tiếp dân. Cùng với quá trình công tác, nhiều cán bộ tuy không có nghiệp vụ chuyên môn nhưng vẫn tự học hỏi, nâng cao trình độ để đảm nhiệm nhiệm vụ này. Nhưng do không được đào tạo bài bản nên đây cũng chính là khó khăn của đội ngũ cán bộ tiếp dân hiện nay.

Mặt khác, theo nhiều cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp dân, hiện nay, chế độ hỗ trợ dành cho đội ngũ này vẫn chưa thỏa đáng. Thực hiện Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính và Thanh tra Chính phủ, tỉnh ta đang áp dụng mức chi từ 50.000 - 100.000 đồng/ngày tiếp dân và ngày xử lý, giải quyết đơn thư.

Theo đồng chí Phan Như Phong, Trưởng Phòng Tiếp dân UBND tỉnh, hiện nay chưa có hệ thống báo cáo nào đánh giá cụ thể về tình hình, thực trạng đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân trong tỉnh, nên chưa thể đánh giá chính xác về năng lực, trình độ, khả năng của đội ngũ cán bộ này. Nhưng căn cứ vào số lượng đơn thư vượt cấp, tình trạng khiếu kiện đông người vẫn diễn ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua có thể thấy một phần nguyên nhân vẫn do công tác tiếp dân ở các cấp chưa phát huy hết hiệu quả.

Cán bộ tiếp dân là cán bộ công quyền, thay mặt Nhà nước thực hiện nhiệm vụ tiếp dân để giải quyết KNTC của công dân. Do đó, cần phải tiếp tục dành sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho đội ngũ này, quan tâm trang bị kỹ năng, nghiệp vụ; hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị, cơ sở vật chất tốt hơn để tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong việc tiếp dân, giải quyết đơn thư, KNTC.

PV