Bệnh viện nhi có xây thêm khoa sản?

Tin tức - Ngày đăng : 15:22, 13/11/2015

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói dù đây chỉ là một lời nói đùa trong ngành y nhưng là nguy cơ có thật nếu không chuẩn bị kỹ cho việc nâng độ tuổi trẻ em từ 16 lên 18.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - Ảnh: Việt Dũng

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

Nguy cơ có thật

Quy định nâng độ tuổi trẻ em lên 18 thay cho độ tuổi 16 theo luật hiện hành đã vấp phải ý kiến e ngại của nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tổ về dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) sáng 13-11.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng việc nâng độ tuổi trẻ em lên 18 cho phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em cũng là điều rất hay. “Nhưng nếu chỉ áp dụng nửa vời, xây dựng luật chỉ để trang trí thì chẳng để làm gì. Có khi chúng ta còn bị chế nhạo” - đại biểu Lan phát biểu.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói câu nói đùa câu nói trong giới bác sĩ: “Có khi sắp tới phải xây khoa sản trong bệnh viện nhi” là xuất phát từ nguy cơ có thật, khi hiện nay em gái 16, 17 tuổi, thậm chí nhỏ hơn đã mang thai. “Cái này hiện nay đã là nguy cơ rồi, rất khó!” - đại biểu Lan tiếp tục băn khoăn.

Theo đại biểu này, cần nghiên cứu kỹ lưỡng về thực tế xã hội lẫn các quy định pháp lý trong hệ thống pháp luật mới quy định.

Thực tế, nếu quy định tuổi trẻ em từ 18 trở xuống thì sẽ có rất nhiều “trẻ em lấy vợ, lấy chồng” nhất là ở miền núi.

Đặc biệt, nhiều vụ trọng án có thủ phạm là người dưới 18 đã trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội, pháp lý thì nay quy định như vậy càng phức tạp hợn.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị nếu quy định độ tuổi này với trẻ em thì cần thành lập tòa án cho trẻ em. Hoặc có thể áp dụng biện pháp của một số nước, người phạm tội trong độ tuổi từ 16 - 18 có thể bị tạm giam, chờ cho đến khi đủ tuổi đem ra xét xử, để đảm bảo trật tự xã hội.

Đang có khoảng trống pháp lý ở độ tuổi 16-18

Dưới góc độ pháp lý, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh - Phó chánh án tòa án nhân dân TP.HCM cũng nói: “Tôi hết sức ngạc nhiên với quy định này. Đang có một khoảng trống pháp lý với độ tuổi từ 16-18. Dự thảo này quy định trẻ em là dưới 18 tuổi nhưng về hành vi với độ tuổi liên quan thì có một số luật điều chỉnh, một số luật không”.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh đưa ví dụ Bộ luật hình sự đang sửa đổi vừa rồi đã giảm độ tuổi đối với những tội xâm phạm về tình dục.

Trước đây quan hệ tình dục với người từ 16-18 tuổi là phạm tội giao cấu với người chưa thành niên nhưng nay thì không quy định trách nhiệm hình sự nữa. "Dự thảo luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định 18 tuổi mới hết là trẻ em thì lạ quá!” - đại biểu Ánh nói.

“Nếu Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) quy định như thế này thì cần bàn với ban soạn thảo Bộ Luật hình sự (sửa đổi) để sửa lại quy định liên quan cho phù hợp” - đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh nói.

Có mặt tại buổi thảo luận, bà Nguyễn Thanh Hải - Vụ phó vụ Văn hóa giáo dục, thuộc Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội giải thích việc nâng độ tuổi trẻ em từ 16 lên 18 là để phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em.

Hiện nay trên thế giới chỉ còn 8 nước, trong đó có Việt Nam quy định độ tuổi trẻ em thấp hơn 18 tuổi. Tuy nhiên bà Hải cũng cho biết công ước của Liên Hợp Quốc vẫn đồng ý với các quy định khác của pháp luật mỗi nước.

Theo Tuổi trẻ