Mâu thuẫn vì dạy con

Đời sống - Ngày đăng : 08:49, 16/11/2015

Vợ chồng tôi có một đứa con nhỏ ba tuổi, những ngày bình thường thì bé ở nhà trẻ, chỉ ngày thứ bảy, chủ nhật bé ở nhà với vợ chồng tôi.




Riêng việc dạy con thôi mà vợ chồng tôi đôi lúc đã giận hờn nhau. Vì bé là gái nên mỗi lần thấy mẹ nhặt rau làm bếp bé đều xông vào làm cùng mẹ. Tất nhiên là tôi phải hướng dẫn bé từ lựa rau, cách bẻ rau, đến sắp vào rổ thế nào cho gọn. Tôi không quên làm mẫu cho bé ngay cả cách rửa rau sao cho sạch. Thấy vậy, chồng tôi tỏ ra không đồng ý: “Thời nào rồi mà em còn dạy con ba cái chuyện cỏn con vặt vãnh ấy. Thế hệ nó lớn lên không còn cái cảnh ăn cơm nhà nữa đâu mà dạy. Chúng nó ăn nhà hàng, có người phục vụ hẳn hoi. Vả lại, chuyện bếp núc mấy ai còn quan tâm. Người ta mua đồ ăn sẵn ở siêu thị còn khỏe gấp vạn lần nấu nướng. Em nên dạy con những việc lớn lao chứ dạy ba chuyện ấy làm gì”. Nói rồi anh xuống bế bé lên ngồi máy tính với anh, chỉ cho bé cái này, cái nọ. Nào là phải gõ bàn phím mấy ngón tay, kích chuột trái khi nào, kích chuột phải ra làm sao... Thấy vậy tôi rất bực mình, nói: “Anh buồn cười thật! Con mới có tý tuổi mà anh bảo con ngồi vào máy vi tính như vậy có ổn không? Anh không biết là ngồi máy vi tính lâu sẽ ảnh hưởng đến mắt sao? Đó là em chưa nói anh dạy con như vậy liệu nó có hiểu gì không. Anh đừng nhồi nhét con theo kiểu đó, sớm muộn gì con bé nó cũng bị ảnh hưởng mắt cho mà xem”. Anh ấy lý luận: “Em đừng nghĩ trẻ con không biết gì nhé! Theo chứng minh của khoa học, trẻ con còn nghe được cha mẹ nói chuyện từ khi còn nằm trong bào thai. Đằng này con mình đã ba tuổi, hãy tập cho con làm quen với vi tính là vừa. Anh đang dạy con theo cách hiện đại, còn em dạy con chuyện bếp núc thật chẳng giống ai. Vậy mà cũng là nhà sư phạm cơ đấy”. “Anh đúng là con người ảo tưởng! Trẻ con nó phải học từ từ, học từ đơn giản đến phức tạp. Mặt chữ chưa biết thì làm sao anh dạy con bấm bàn phím được. Đó là em chưa kể anh nói với con đừng tham gia những chuyện vặt vãnh bếp núc với  mẹ. Như vậy chẳng phải vô tình anh đã dạy con quay lưng lại với bữa cơm truyền thống gia đình hay sao? Thử hỏi nếu người phụ nữ không làm được những việc “nữ công gia chánh” thì người đó còn là một người phụ nữ nữa không? Đồng ý là xã hội ngày càng phát triển văn minh, đời sống ngày càng được nâng cao. Như thế không có nghĩa là bữa cơm trong cuộc sống gia đình chúng ta không cần quan tâm nữa. Cách dạy con theo kiểu của anh là làm hư con đấy. Ở nhà trẻ, con  được các cô giáo hướng dẫn theo trình tự của từng lứa tuổi, về nhà con nó có cách nghĩ riêng. Anh đừng bắt con phải làm như thế này hay làm như thế khác vượt quá khả năng của con. Con có tính tư duy độc lập, vợ chồng mình phải thật sự như là người bạn tốt để con có thể bộc lộ ra những gì chưa hiểu. Em đồng ý với anh việc dạy con tiếp cận với khoa học hiện đại tiên tiến nhưng không phải lúc này và vào thời điểm này. Bằng tuổi con mình hãy dạy con làm những việc bình thường nếu con có thể làm được như đi học về biết chào hỏi, ai cho gì biết cảm ơn… Nói chung là tiên học lễ hậu học văn... Thấy tôi nói một thôi, một hồi anh ấy cáu. “Nếu dạy con như em thì đất nước này tìm đâu ra nhân tài. Đồng ý là tiên học lễ, hậu học văn nhưng đừng xem nhẹ chuyện cho con mình học hành. Theo quan điểm của anh, con mình tiếp cận với chữ nghĩa trước thì sẽ thông minh trước. Chuyện đơn giản thế mà em cũng không hiểu”. “Đúng là anh đã ngộ nhận một cách mô phạm. Nếu như anh nói không khéo sẽ làm thui chột nhân tài thì có”.

Biết mình không thể đôi co việc dạy con với chồng thế này mãi được, tôi quyết định mời một người bạn là giảng viên khoa tâm lý, Trường Cao đẳng đến chơi và giảng giải cho anh hiểu về việc dạy con. Lúc đó anh mới vỡ lẽ ra.

Việc thương con, dạy con là trách nhiệm và nghĩa vụ của những bậc làm cha làm mẹ. Mỗi người ai cũng muốn dạy con theo phương pháp của mình, mong con trở thành một nhân tài nay mai. Nhưng không phải điều gì ta mong muốn cũng được. Việc dạy con ở lứa tuổi nào cũng phải tuân thủ theo khoa học tâm lý và khoa học giáo dục để giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tâm hồn.

HOÀNG BÍCH HÀ