UBND tỉnh bàn về phát triển kinh tế - xã hội
Tin tức - Ngày đăng : 08:25, 18/11/2015
Ngày 17-11, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 11 (phiên họp thứ nhất).
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển chủ trì phiên họp
Phiên họp xem xét nội dung dự thảo các báo cáo: Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2015, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2016; thu chi ngân sách địa phương năm 2015, dự toán ngân sách năm 2016; quyết toán ngân sách địa phương năm 2014; xây dựng tiêu thức phân công cơ quan thuế quản lý đối với doanh nghiệp thành lập mới theo quy định tại Thông tư số 127/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính; tờ trình phê duyệt phương án mức thu học phí tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp công lập thuộc tỉnh quản lý trong năm học 2015-2016.
Theo các dự thảo báo cáo do Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày, năm 2015, kinh tế tỉnh tiếp tục đà phục hồi, GDP ước tăng 8,5% so với năm 2014 (mức tăng cao nhất từ năm 2012 trở lại đây). Năm 2016, tỉnh đề ra mục tiêu tạo chuyển biến rõ về môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng cường huy động, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng khu vực nông thôn để đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới. Bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội. Đổi mới sự nghiệp y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ. Giữ vững ổn định chính trị bảo đảm trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng - quân sự địa phương. Tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,5% trở lên. Năm 2015, tổng vốn đầu tư công và vốn ngân sách khác bổ sung cho dự án đầu tư công của tỉnh đạt gần 2.187 tỷ đồng, tăng hơn 663,2 tỷ đồng so với kế hoạch HĐND tỉnh quyết định đầu năm. Năm 2016, dự kiến tổng vốn đầu tư công là gần 1.643,7 tỷ đồng.
Theo dự thảo báo cáo của Sở Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2015 ước đạt 9.100 tỷ đồng, vượt 18,1% dự toán HĐND tỉnh giao; chi ngân sách địa phương ước đạt gần 12.979 tỷ đồng, vượt 59% dự toán năm. Năm 2016, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn do Trung ương giao là 9.950 tỷ đồng; dự toán chi cân đối ngân sách địa phương gần 9.527,4 tỷ đồng.
Cục Thuế tỉnh đề xuất việc xây dựng tiêu thức phân công cơ quan thuế quản lý đối với doanh nghiệp thành lập mới. Theo đó, việc phân công cơ quan thuế quản lý đối với doanh nghiệp mới thành lập vẫn giữ nguyên theo tiêu chí tại Nghị quyết 150/2010/NQ-HĐND ngày 8-12-2010 của HĐND tỉnh Hải Dương cho đến hết năm 2016. Trong quý 2 năm 2016, Cục Thuế tỉnh phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh về việc xây dựng tiêu chí phân cấp cơ quan quản lý, tỷ lệ điều tiết nguồn thu của các doanh nghiệp theo Thông tư 127, làm cơ sở triển khai xây dựng dự toán thu chi ngân sách nhà nước từ năm 2017 trở đi.
Sau khi nghe đại diện cơ quan tham mưu báo cáo, ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển đồng ý thông qua các dự thảo báo cáo, tờ trình nêu trên. Bản dự thảo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 cần bổ sung các nội dung: đánh giá chung về kinh tế - xã hội, tổ chức Đại hội Đảng các cấp, nhiệm vụ giảm biên chế cán bộ công chức, việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, tăng cường quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, số vùng rau chất lượng cao... Dự thảo cần đánh giá rõ nét về cải cách hành chính, giải phóng mặt bằng các dự án, thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp. Các chỉ tiêu cụ thể năm 2016 cần rút gọn lại, không nên đưa tất cả các chỉ tiêu như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra, cần bổ sung chỉ tiêu bảo hiểm y tế vào báo cáo kinh tế - xã hội hằng năm. Phần nhiệm vụ giải pháp cần rà soát, đề ra các giải pháp mạnh mẽ hơn để thực hiện tốt nhiệm vụ; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ gắn với cải cách hành chính.
Về thu chi ngân sách, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển cơ bản nhất trí như đề xuất và yêu cầu bổ sung: Trong chi ngân sách năm 2016, những nhiệm vụ nào đã xác định rõ thì bố trí từ đầu năm; về cơ bản tỉnh sẽ không bố trí nhiệm vụ phát sinh, trừ trường hợp đặc biệt phải được Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý. Năm 2016, tỉnh cũng không bố trí nguồn để thực hiện chế độ chính sách mới, đặc thù của tỉnh.
Về đầu tư công, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển yêu cầu kiên quyết thu hồi nguồn vốn đã bố trí đầu tư năm 2015 mà đến ngày 31-10 năm nay không triển khai, không loại trừ bất kể dự án nào. Cơ quan tham mưu cần tiếp tục rà soát lại việc bố trí vốn đầu tư công năm 2016.
UBND tỉnh cơ bản nhất trí với báo cáo của Sở Tài chính về quyết toán ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2014 với tổng thu ngân sách địa phương là 17.321 tỷ 380 triệu đồng, tổng chi ngân sách địa phương là 17.307 tỷ 19 triệu đồng, kết dư ngân sách 14 tỷ 361 tỷ đồng. Nhất trí với đề xuất về mức tăng học phí trong năm học 2015-2016 tại Trường Đại học Hải Dương (tăng 30.000-80.000 đồng so với năm học 2014-2015) và Trường Cao đẳng Hải Dương (tăng 25.000-30.000 đồng so với năm học 2014-2015).
UBND tỉnh cũng thông qua báo cáo xây dựng tiêu thức phân công cơ quan thuế quản lý đối với doanh nghiệp thành lập mới theo quy định tại Thông tư 127/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính. Giao Cục Thuế tỉnh phối hợp với Sở Tài chính, Văn phòng UBND tỉnh đề xuất cụ thể hơn, sát với tình hình thực tế, bảo đảm nguyên tắc không quá xáo trộn so với Nghị quyết của HĐND tỉnh.
MINH ANH