Lon nước ngọt khiến máy bay Nga nổ tung như thế nào?

Tin tức - Ngày đăng : 15:20, 19/11/2015

Bằng cách nào mà một lon nước ngọt có thể phá hủy chiếc máy bay Airbus A321 của Nga, khiến 224 người chết? Các chuyên gia phá bom của Mỹ đưa ra lời giải thích.

Bức ảnh chụp quả bom lon nước ngọt của IS - Ảnh: Dabiq

Bức ảnh chụp quả bom lon nước ngọt của IS - Ảnh: Dabiq

Mới đây, trên tạp chí cực đoan Dabiq, nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đăng bức ảnh chụp một lon soda đặt bên cạnh sợi dây điện và một thiết bị được quấn băng keo cách điện màu đen. IS khẳng định đây chính là quả bom đã phá hủy chiếc máy bay Nga trên bầu trời bán đảo Sinai (Ai Cập).

Báo New York Times phỏng vấn hàng loạt kỹ thuật viên phá bom của Cảnh sát Mỹ về bức ảnh này. Và tất cả đều cho biết thiết bị trong bức ảnh không có gì là mới mẻ hay đáng ngạc nhiên, và không khó để một kẻ chế tạo bom giàu kinh nghiệm làm ra nó.

Thiết bị nằm phía ngoài cùng bên phải với băng keo đen và nút ngắt điện có thể có nhiều công dụng. Rất nhiều quả bom có nút bật - tắt và có cơ chế riêng để kích hoạt kíp nổ gây ra vụ nổ. Chiếc dây điện ở giữa bức hình có thể là dây nối với kíp nổ.

Mạch điện bị giấu sau băng keo đen, bao gồm cục pin nhỏ và thiết bị điện cần thiết để truyền tải điện năng tới kíp nổ ở thời điểm định trước. Kíp nổ sẽ gây cháy chất nổ bên trong lon soda. Chiếc lon này có các dấu hiệu cho thấy nó chứa đầy bột thuốc nổ.

Nhiều khả năng đây không phải là một quả bom chứa chất nổ lỏng, bởi thiết bị được quấn băng keo đen không có khả năng chống nước. Rất khó để phân tích kỹ thuật tổng thể quả bom dựa trên một bức ảnh, nhưng các chuyên gia phá bom Mỹ cho biết một lon soda có thể chứa đủ chất nổ để làm hư hại nghiêm trọng một chiếc máy bay.

Vụ nổ có thể không lập tức phá hủy máy bay, nhưng dựa vào địa điểm trên máy bay, nó có thể dẫn tới một loạt diễn biến thảm họa trong khoang hành khách. Một chiếc máy bay di chuyển với vận tốc lớn ở độ cao 10.000m khi đó sẽ dễ dàng bị vỡ trên không.

Các chuyên gia cho biết lon soda có thể chứa lượng thuốc nổ lớn hơn một quả lựu đạn thông thường. Năm 2004, hai máy bay rơi ở Nga do có kẻ ném lựu đạn trong buồng lái. Và quả bom lon nước ngọt này có thể được kích hoạt bằng một kẻ có mặt trên máy bay, hoặc bằng các phương thức khác.

Một chuyên gia cho biết nếu quả bom được kích hoạt bằng sóng radio thì dây điện ở giữa chính là ăngten. Cách đơn giản hơn là đặt chế độ hẹn giờ để nổ bom. Khi đó, hung thủ không cần phải lên máy bay mà vẫn bảo đảm quả bom sẽ nổ.

Một chuyên gia khác cho rằng quả bom này xét về độ phức tạp thì còn thua nhiều quả bom kích nổ từ xa từng được phiến quân Hồi giáo sử dụng thường xuyên ở chiến trường Afghanistan và Iraq.

NGUYỆT PHƯƠNG (Tuổi trẻ)