Chiều phấn trắng

Truyện ngắn - Ngày đăng : 08:16, 20/11/2015




Người ta nói rằng sóng điện thoại di động thực không tốt cho sức khỏe, nhất là khi cứ cất giữ dế yêu ở túi quần, ngực áo, hoặc nghe gọi nhiều… Tôi bèn di dời dế yêu, dù đã ở tình trạng nồi đồng cối đá, chỉ nghe gọi và nhắn tin, từ túi quần sang cặp sách, cho nó hòa nhập với ngăn thập cẩm: bút, thước, chìa khóa, lược, khăn, có khi có thêm cả những tờ giấy cũ nhưng ghi những thứ cần nhớ. Đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Thảo, cô bạn thân là đồng nghiệp cũ trở lại thăm trường, hẹn về nhà tôi chơi, phải gọi ba cuộc tôi mới biết đường bắt máy. Thảo mắng: "Bà cổ lỗ sĩ vừa thôi, ai dùng di động cho trong hai ngăn khóa cặp nữa". Tôi cười. Thảo về, tôi dẫn Thảo đến thăm các thầy cô ở trường đẫy cả buổi sáng, rồi hai đứa mới đèo nhau ra chợ chuẩn bị bữa trưa. Chồng tôi đi làm ca tối mới về, còn hai cháu vẫn đi học. Đang vừa đi vừa tán chuyện trên trời dưới bể, chợt nghe có tiếng chuông điện thoại réo inh ỏi. Tôi vội vàng phanh xe và lục cặp. Luống cuống mãi mới mở xong hai lần khóa, tìm được dế còi đang rung lên sau mấy tờ giấy trắng. Đã có một cuộc gọi nhỡ và lần này là cuộc thứ hai. Thảo lầm bầm: "Bảo có nghe đâu".

Số lạ. “Alô!”. Định nói thêm câu “Tôi xin nghe” thì không kịp với giọng choe chóe đầu bên kia: “Cô ạ! Cô lâu nghe máy thế? Cô đang bận ạ? Chiều cô có ở nhà không tụi em về thăm cô?”. Tôi đã quen với những cuộc điện thoại thân mật như vậy, dù chưa biết người gọi là ai. “Chiều thì cô có ở nhà. Mời các em sang chơi. Nhưng cô chưa nhận được giọng em?”. “Hì hì, em Phong khoai lang đây!”.

Tôi đã nhớ ngay. Phong khoai lang học tôi từ lớp 7D tới khi ra trường. “Phong hả? Cô nhận ra em rồi. Chiều sang cô chơi nhé!”. Phong vâng, rồi tắt máy. Tôi quay sang cô bạn, hỏi:

- Cậu nhớ em Phong không? Năm tôi chủ nhiệm lớp 7D, còn cậu chủ nhiệm lớp 6A đấy, cậu dạy toán lớp tôi.

- Phong ư?

- Nhớ chuyện cái vòng tay bị mất của em Nụ không?

Thảo đăm chiêu lúc lâu, rồi khẽ gật đầu:

-  Cái cậu học trò chuyên đi muộn, hay mặc cái áo trắng ngắn hững hờ hở rốn đúng không?

-  Đúng là cậu ấy đấy. Em này vừa gọi điện báo chiều nay cùng các bạn đến thăm tôi.

- Sướng nhỉ? Được học trò cũ tới thăm còn gì bằng. Tôi chuyển trường đi đã lâu chắc gì các em nhận ra. Bây giờ em này thế nào?

Tôi lắc đầu :

- Cách đây mấy năm Phong đã vào đại học. Còn bây giờ, phải chiều nay mới biết, tôi đã kịp hỏi han gì đâu.

Lớp 7D năm ấy toàn là con em nông dân. Nhưng nhà Phong vẫn là hoàn cảnh nhất. Nhà có bốn anh em, mẹ bị bệnh khớp, không làm được việc nặng. Bảy sào ruộng, bố Phong cáng đáng hết. Ngày ba tháng tám, bố Phong còn đi phụ hồ. Các bạn kể Phong cũng biết giúp gia đình khi đi tát nước, lúc cắt cỏ, mò cua, bắt ốc. Đến trường, Phong chỉ có một chiếc áo trắng đã ngắn cũn cỡn, nhiều khi với tay hở lưng, hở cả rốn. Ở lớp, cậu bé vẫn là đầu trò nghịch ngợm, cùng với hai cậu nam nữa, khiến lớp D trở thành lớp dốt, lớp đội sổ. Phong là thủ phạm của vụ thạch sùng giấu trong cặp sách của bạn Mai, sau đó lại là nghi phạm vụ sổ đầu bài tẩy xóa tên học sinh vi phạm, đến vụ bà Tứ chạy vào lớp réo tên Phong vừa sà xuống ruộng khoai của bà đào trộm… Hết phạt trực nhật đến viết bản kiểm điểm cũng chỉ được vài ngày. Gọi cả phụ huynh lên thì bố Phong nói: "Trăm sự nhờ thầy cô giáo dạy dỗ hộ chứ mẹ nó thế bệnh tật chẳng nói được, tôi đi làm suốt ngày, chỉ đến đánh cho nó một trận là cùng". Hôm sau, Phong đến lớp, tôi hỏi: "Bố về nói gì?". Phong bảo: "Bố em cho em ăn hai con lươn mây". Tôi cám cảnh thở dài.

Đến ngày hội đình, Phong nghỉ thẳng hai ngày học để đi hội, tham gia đủ các trò chọi gà, đập niêu, bắt vịt, cầu kiều. Liền hôm sau là ngày 8-3, tôi vừa bước vào lớp, chưa kịp xả cơn tức giận thì Phong chạy lên tặng tôi một cái vòng tay đủ màu sắc. Tôi truy xét xem em lấy tiền ở đâu mà mua nó, rồi tại sao lại nghỉ học, không có phép tắc gì cả, chuẩn bị đi trực nhật một tuần. Phong chỉ cúi mặt không cãi không rằng, cuối cùng em ỏn ẻn: "Cô sẽ đeo nó nhé". Tôi ra điều kiện: "Em phải ngoan thì tôi mới đeo nó. Nếu em ngoan ngoãn chăm chỉ, học giỏi thì đó mới là món quà tặng cô quý nhất! Em làm cô buồn quá!". Nghe tôi nói xong, Phong đi về chỗ ngồi, lặng lẽ nhìn các bạn mang hoa lên tặng tôi.

Tưởng thế là sẽ có một ngày êm ả. Nhưng vừa hết tiết ba, Thảo gọi tôi ra hành lang nói chuyện. Cái Nụ lớp Thảo khóc tấm tức. Hỏi ra mới biết, Nụ bảo đang trên đường đi học bị bạn Phong lục cặp đòi lấy giẻ lau bảng, vì Phong có nhiệm vụ trực nhật hôm nay nhưng quên mang giẻ lau bảng. Nụ đành chịu cho Phong lấy giẻ đi. Ai ngờ, giờ Nụ nhớ ra cái vòng tay chị mua cho ngoài hội đình, lần cặp tìm đã chẳng còn, chắc Phong cầm cùng lúc với chiếc giẻ lau bảng rồi.  

Chiếc cặp sách của tôi nặng như tảng đá trên tay. Tôi bảo Thảo: "Không còn nghi ngờ gì nữa, chuyện này cứ để tôi, cậu cứ cầm chiếc vòng trả cho em Nụ trước đi". Tôi mở cặp, đưa ngay chiếc vòng tay cho Thảo rồi đi thẳng về lớp.

Lớp đang học tiết thể dục. Tôi xin phép thầy giáo cho Phong ra gặp riêng.

Nghe tôi nói chuyện đã xảy ra, Phong cãi, em chỉ lấy cái giẻ lau bảng thôi, không lấy vòng tay của bạn đâu.

Tôi bảo, chính cái vòng tay em tặng cô ấy. Nó chứ còn đâu?

Phong lại cãi, em không lấy. Cái đấy là em mua ngoài đình.

Tôi càng bực mình, gắt, em toàn nói dối cô thôi.

Phong vẫn cãi, em không lấy, bạn ấy đổ tiếng oan cho em.

Tôi không nhịn được trước sự cứng cổ của Phong. Lôi ngay cặp em ra bắt em lấy giấy bút viết bản kiểm điểm.

Phong vừa mở khóa, một củ khoai lang sống rơi ra khỏi cặp. Phong đỏ mặt. Tôi nhặt củ khoai lên, nhớ tới cảnh bà Tứ chạy vào lớp réo tên Phong đã đào trộm khoai lang ngoài ruộng mà Phong vẫn cãi xơi xơi, bảo bà già mắt kém nhìn nhầm.

Tôi hỏi giọng bực tức lắm: "Sáng nay, em lại xuống ruộng khoai nhà bà Tứ đào trộm nữa đúng không?". Phong im lặng. "Em trả lời cô đi!". Phong vẫn lì lợm cúi xuống. Mặt em đang chuyển sang tái dần. Còn mặt tôi thì nóng bừng bừng. "Như vậy là ăn trộm, ăn cướp, em biết không? Còn cố mà cãi! Em còn dám mang đi tặng cô những đồ ăn trộm, ăn cướp".

Phong sụt sịt. Hình như em sắp khóc.

Tôi cũng tức sắp phát khóc. Hôm ấy, bà Tứ đã nói té tát vào mặt tôi ở trước lớp: "Học trò của thầy cô nào dạy mà hư hỗn thế không biết". Tôi vẫn nhớ lời đay đả đó. Nhất là khi nhìn thấy củ khoai lang kia.
Tôi ra lệnh: "Cậu sang ngay lớp 6A xin lỗi bạn Nụ, rồi về lớp ngồi viết bản kiểm điểm, kể lại trình tự những sự việc đã xảy ra. Chiều nay, theo tôi đến nhà bà Tứ".

Phong cun cút đi theo tôi. Hai cô trò vừa đi tới gốc phượng thì gặp cô Thảo dẫn Nụ đi lại. Thảo kéo tôi lại nói nhỏ: "Có sự hiểu lầm, không phải thằng Phong lấy vòng của cái Nụ". Tôi ớ người. Nụ mở cặp lấy cái vòng tay đưa trả cho Phong, lí nhí bảo tôi: "Không phải cái vòng này cô ạ. Em nhớ ra rồi, không phải anh Phong lấy. Tối qua, để tránh đứa em gái nghịch, em đã lấy cái vòng cất vào túi áo khoác, vẫn treo ở nhà. Còn chiếc vòng này, chiều hôm đó, đi học về, em thấy anh Phong chơi cầu kiều được thưởng hai mươi nghìn. Anh ấy nhìn thấy chị em mua cho em chiếc vòng màu hồng thì bảo, tao cũng sẽ nhịn ăn sáng để dành đủ tiền mua chiếc vòng ngũ sắc kia, sẽ đẹp hơn cả chiếc vòng màu hồng của chị mày tặng cho mày.  Hôm sau, em nhìn thấy anh ấy mua ở hàng đồ chơi trước đình thật cô ạ". Nụ quay sang Phong: "Em xin lỗi anh Phong, đã hấp tấp nghi ngờ anh".

Phong nghe nói, mặt nở ra, gãi gãi tai, tự thú: "Tại anh lấy giẻ lau của em nên mới bị nghi ngờ thế...".

Tôi nhìn Thảo. Thảo nhìn tôi. Chúng tôi nhìn hai đứa học trò đang xí xóa dễ dàng cho nhau. Tôi thấy lòng mình nghẹn ngào. Phong nhịn ăn sáng ư? Có nguy cơ là vì muốn mua cho tôi cái vòng ngũ sắc đẹp hơn cả vòng của Nụ mà Phong phải sà xuống ruộng bới khoai ăn chống đói chăng? Tôi nhớ tới những buổi sáng, em đến trường với cái bụng lép kẹp… Tôi muốn khóc.

Kéo Phong lại, tôi lắp bắp: "Về chuyện chiếc vòng tay, cô đã sai, cô đã nóng nảy, em cho cô xin lỗi nhé".

Phong bây giờ mới dám nhìn vào mắt tôi, tôi nhìn em, thấy một thứ ánh sáng lấp lánh đến kỳ lạ, em nói: "Em chỉ mong là cô thích nó".

Một lần nữa, tôi lắp bắp: "Cô rất thích nó".

Ngay lúc ấy, tôi đã đeo chiếc vòng vào tay mình. Chiếc vòng rất đẹp.

Về sau, Phong cũng ít vi phạm hẳn, lớn khôn dần, chăm học hơn.


*

-  Cô ơi... cô!

Tiếng học trò í ới gọi ngoài cổng. Thảo giục:

-  Mau ra mà đón học sinh đi kìa!

Tôi líu ríu như con nít, chạy ra. Các học trò cũ của tôi nay đã thành những chàng trai, cô gái cao lớn, xinh đẹp đang dắt xe vào. Tôi nhận ngay ra lớp trưởng Tiến, lớp phó Vân, Phong, Mai, Bắc, chỉ còn một em da trắng, dáng cao, tóc dài bẽn lẽn đi sau là tôi chưa nhận ra. Phong ôm bó hoa tới tặng tôi, dõng dạc:

- Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam và cũng là sinh nhật cô, chúng em đến chúc mừng cô, chúc cô luôn tươi trẻ như đóa hoa này.

- Cô cảm ơn các em! Thật là bất ngờ, sao các em biết được ngày sinh của cô?

-  Bọn em phải điều tra chứ - Tiến nói - Bạn Phong nhất quyết đưa chúng em về gặp cô vào chiều nay, vì bạn ấy không thể chờ đợi được hơn nữa.

Mai cướp lời :

- Một món quà thật ý nghĩa Phong dành tặng cô đấy.

- Để cho Phong nó nói đi mấy ông bà lanh chanh ơi - Vân nhắc.

- Thì nói đi nhanh lên, cứ giả đò mãi.

Tôi tò mò:

- Cô cũng đoán có tin vui gì đó. Chắc là của Phong?

- Vâng, cô ạ ! Em vừa nhận được học bổng đi du học ở Đức nốt năm cuối đại học. Và các bạn cũng sắp thi tốt nghiệp đại học đấy cô ạ!

Tôi vui mừng khôn xiết.

- Không ngờ em và các bạn lại đạt được thành tích cao như vậy. Cô thật tự hào về các em.

- Có em là không thi đỗ đại học, em ở nhà làm công nhân và sắp lấy vợ -  Bắc thỏ thẻ.

- Như vậy thì xét về một khía cạnh, em còn tiến nhanh hơn cả các bạn ở đây đấy chứ, cô chúc mừng em. Thật mừng là các em đều trưởng thành.

Cô trò cùng cười vang nhà.

Mai hẩy vai Phong:

- Còn thiếu đấy.

- Thiếu cái gì?

- Cái người ngồi bên kia là ai? Cô có nhận ra không?

Tôi mỉm cười nhìn cô gái xinh xắn đó. Cô gái chào lại tôi. Tôi vẫn chưa nhớ ra, đành lắc đầu.

- Cô không nhớ cũng đúng, vì người này không học lớp mình cô ạ.

Mai nói. Rồi lừ mắt nhìn Phong. Phong hỏi:

- Cô nhớ chuyện chiếc vòng em tặng cô mà bị nghi là lấy của bạn Nụ lớp dưới không?

Tôi gật đầu. Chuyện đó làm sao tôi có thể quên. Tôi bảo tôi vẫn giữ chiếc vòng đó, như một kỷ vật.

- Người này chính là cô bé Nụ đấy cô ạ.

- Không báo cáo cô rằng, từ cái nghiệp chướng vòng vèo đó mà hai người nay tự dưng thấy có duyên với nhau đi cho rồi - Mai trêu.

- Nụ học Đại học Sư phạm năm thứ hai cô ạ.

- Nó đi nước ngoài, người khóc hết nước mắt là ai ngoài cái người này nhỉ cô?

- Thế thì đúng là cơ duyên. Hôm nay cũng có một cô giáo đã dạy môn toán lớp ta năm ấy đang về chơi nhà cô đấy.

Tôi gọi Thảo ra. Các em đều ồ lên, nhận ra cô giáo dạy toán cũ, niềm vui được nhân lên gấp bội.
Cô trò chúng tôi ngồi bên nhau hàn huyên, tâm sự, ôn lại đủ thứ chuyện thuở các em còn ngồi học dưới mái trường làng. Đẫy cả một buổi chiều vương màu phấn trắng.

Truyện ngắn của THU HẰNG