Biết đến bao giờ trả hết ơn sâu?
Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 14:57, 21/11/2015
|
Mở đầu bài thơ, bằng sự chân thành và bộc trực của người học trò cũ hướng về thầy giáo nhân ngày 20-11, Lê Thành Văn đã thể hiện một nỗi niềm băn khoăn, trở trăn nhớ về người thầy kính mến năm nào:
Ngày vui năm nay em không về thăm thầy
Bè bạn cũ cũng xa quê gần hết
Mỗi đứa một nơi, bộn bề công việc
Không biết bây giờ có nhớ đến thầy không?
Câu thơ mở đầu như lời nói tự nhiên, không một chút điệu đàng hay nói quá thêm cho hay, cho tốt: "Ngày vui năm nay em không về thăm thầy". Em không về, bạn bè cùng lớp năm xưa cũng không về nữa, hầu hết đều đã bỏ quê đi xa làm ăn kiếm sống. Chân thành đến thế là cùng mà cũng gan ruột đến thế là cùng. Những câu thơ bình dị mà có sức gợi, sức ám ảnh là ở chỗ đó. Câu hỏi tu từ cứ khắc khoải, xoáy sâu vào ký ức của bất kỳ ai khi nhớ về thầy xưa mà không thể quay về.
Từ thực tại hoàn cảnh cá nhân mình, từ thấu hiểu nỗi lòng bè bạn, tác giả gửi một lời tạ ơn thầy nơi đất khách quê người sao mà rưng rưng nước mắt. Sâu sắc hơn, cũng vẫn lời thơ bình dị thôi, tác giả đẩy ý thơ lên cao trào của tấm lòng người học trò thao thức hướng về thầy cũ:
Chữ nghĩa thầy cho có thể chẳng còn nguyên
Chúng em đánh rơi giữa dòng đời tất bật
Manh áo - miếng cơm - tình yêu - lẽ sống
Cứ oằn lên theo năm tháng rộng dài.
Hóa ra chúng em không về thăm thầy nhân "ngày vui năm nay" cũng có lý do của nó thầy ạ! Tội nghiệp và đáng thương bởi những cô, cậu học trò bé bỏng xưa kia giờ phải bươn chải áo cơm giữa dòng đời xuôi ngược. Chữ nghĩa thầy cho ngày nào cũng không còn nguyên vẹn trong tâm hồn của học trò, rơi rụng dần giữa bao lo toan của đời sống thường nhật. Thấu hiểu mình để rồi thấu lẽ đời, nhờ thế ý thơ đằm sâu một nỗi niềm triết lý, mang tính phổ quát của hết thảy chúng ta.
Không về thăm thầy được trong ngày vui, nhưng bao nhiêu kỷ niệm cứ ùa về trong ký ức. Hình ảnh người thầy với "vai áo bạc màu, tóc pha sương muối" của khoảng trời ấu thơ sao mà da diết thế. Tôi nghĩ cái tài của tác giả là đã đưa những hình ảnh thật quen mà ám ảnh, bình dị mà có sức lan tỏa khiến cho thi phẩm hiện lên thật độc đáo, đặc biệt là ở khổ thơ này:
Vẫn giữ riêng cho mình ấm áp một khoảng trời
Khoảng trời ấu thơ được gặp thầy mỗi buổi
Vai áo bạc màu, tóc pha sương muối
Thầy vẫn ân cần dạy dỗ sớm hôm.
Bài thơ khép lại bằng hình ảnh của người học trò năm xưa của thầy bây giờ cũng là thầy giáo của nhiều em thơ đang miệt mài ngồi soạn từng trang giáo án giữa đất trời cao nguyên buốt lạnh mỗi lúc đêm về. Phải đến khi trở thành người thầy giáo rồi tác giả mới cảm nhận hết, mới thấm thía về tình nghĩa thầy trò sâu đậm, cảm thấy "nhói lòng" trước những gì mình nhận được từ ân tình của người thầy giáo ngày xưa.
Đêm nay ngồi thao thức giữa cao nguyên
Em lại miệt mài soạn từng trang giáo án
Chợt nhói lòng trước những điều sâu thẳm
Có được phút giây này em đã nhận từ đâu?
Khổ thơ kết bài chỉ được viết bằng một câu thơ duy nhất, nhưng đó là câu thơ có sức nặng nhất, ám ảnh nhất, đồng thời cũng là lời chân thành nhất cảm tạ ân nghĩa bao la trời biển của thầy. Dấu chấm cảm cuối bài hay đó là giọt nước mắt nối dài của nhiều bạn bè kết nối qua nhiều thế hệ được khúc xạ qua tấm lòng tràn đầy ân nghĩa của tác giả kính dâng lên người thầy đáng kính: "Biết đến bao giờ em trả hết ơn sâu!".
Thơ hay cốt ở tấm lòng. Càng chân thật trong cảm xúc bao nhiêu, sự bày giãi ân tình càng sâu sắc bấy nhiêu. Nhớ thầy của Lê Thành Văn có lẽ cũng nằm trong mạch dòng của nhiều thi phẩm chiếm được cảm tình của người đọc như thế!
PHƯƠNG THẢO