Nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 19:08, 21/11/2015

Mới đây, Bộ NN-PTNT công bố nội dung của Hiệp định Ðối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong lĩnh vực nông nghiệp và đưa ra đánh giá về 7 thách thức.


Trong đó, thách thức "hạn chế về năng lực cạnh tranh" được xếp thứ nhất.

Ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, tỉnh ta có những loại nông sản có thế mạnh, sản lượng khá như vải thiều, lúa gạo, rau vụ đông, thịt lợn, gà, cá. Ðây là một ưu thế khi cạnh tranh với hàng hóa các nước tham gia TPP. Tuy nhiên, những nông sản thế mạnh này vẫn có những yếu tố thiếu sức cạnh tranh khi so sánh với nông sản cùng loại của các nước TPP. Nhiều mặt hàng nông sản của các nước TPP có giá thành sản xuất, giá bán thấp hơn nhiều so với nông sản tỉnh ta. Nguyên nhân do nhiều nước TPP có trình độ phát triển cao hơn, nhiều khâu sản xuất, chế biến nông sản được tự động hóa, sử dụng ít nhân công, sản xuất nông nghiệp ở quy mô lớn nên chi phí sản xuất không cao, từ đó giúp giảm giá bán nông sản trên thị trường. Ngành nông nghiệp nước ta nói chung, tỉnh ta nói riêng còn lạc hậu, sản xuất manh mún, ứng dụng cơ giới hóa chưa nhiều, sử dụng nhiều nhân công, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ còn hạn chế dẫn tới giá thành sản phẩm và giá bán cao, thiếu tính cạnh tranh. Việc nhiều mặt hàng nông sản bị thua lỗ, ế ẩm có một phần nguyên nhân từ giá thành sản xuất còn ở mức cao, giá bán thiếu tính cạnh tranh.

Yêu cầu nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Hải Dương đòi hỏi sản phẩm làm ra phải có giá bán ngang bằng hoặc thấp hơn nông sản nhập ngoại, chất lượng tốt, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ðây thực sự là một vấn đề hóc búa đang đặt ra với cơ quan chức năng và nông dân.

Ðể từng bước giải quyết vấn đề này, trước mắt và cả lâu dài, tỉnh ta cần tiếp tục đẩy mạnh sản xuất tập trung, tiến tới sản xuất hàng hóa lớn. Việc tích tụ ruộng đất, hình thành các khu chăn nuôi, nuôi thủy sản tập trung, cánh đồng mẫu lớn, nhân rộng các trang trại quy mô lớn là yêu cầu bắt buộc. Hiện nay, năng suất lao động nông nghiệp còn thấp nên cần tăng cường ứng dụng máy móc vào sản xuất, thực hiện "công nghiệp hóa nông nghiệp", giảm dần lao động thủ công. Tham gia TPP cũng là một cơ hội để tỉnh ta thu hút nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp, có điều kiện trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến của các nước phát triển, giúp hiện đại hóa ngành nông nghiệp. Những điều kiện trên sẽ tạo đà để ngành nông nghiệp nâng cao sản lượng, chất lượng nông sản, giảm giá thành sản phẩm. Nông sản làm ra phải có thị trường tiêu thụ thuận lợi, giá bán phù hợp, có tính cạnh tranh mới bảo đảm lợi nhuận bền vững cho nông dân. Sự gắn kết, hợp tác chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, vừa đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, vừa tăng cường xuất khẩu sẽ giúp nông sản có thị trường tiêu thụ tốt. Muốn nông sản tiêu thụ thuận lợi, nông dân, doanh nghiệp cần tạo dựng uy tín, thương hiệu cho từng loại mặt hàng. Người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng ở các nước TPP không bao giờ chấp nhận nông sản không an toàn do sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất hóa học...

Dẫu rằng nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản khó thực hiện song nhìn rõ những thế mạnh và cả hạn chế, biết tận dụng những cơ hội do TPP mang lại sẽ giúp tỉnh ta có những bước đi phù hợp, hiệu quả để nâng cao giá trị nông sản, giúp nông dân làm giàu.

NINH TUÂN(TP Hải Dương)