Tăng tốc dồn điền, đổi thửa

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:04, 25/11/2015

Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, chính quyền các địa phương và nông dân trong tỉnh đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ dồn điền, đổi thửa...




Nhiều địa phương thuê máy xúc chỉnh trang đồng ruộng sau dồn điền, đổi thửa


Khẩn trương

Những ngày này, bà con nông dân thôn Lại, xã Vĩnh Tuy (Bình Giang)  rất phấn khởi vì việc chia ruộng đã xong. Bình quân mỗi hộ ở đây chỉ còn 1,9 thửa, giảm từ 4-5 thửa so với trước đây. Thửa lớn nhất rộng 3.300 m2, thửa nhỏ nhất cũng rộng 360 m2. Bà Phạm Thị Nhung, một người dân trong thôn cho biết: "Bây giờ nhà tôi chỉ còn 2 thửa ruộng, thửa nào cũng rộng, dài, đường đi lối lại thuận tiện. Mỗi thửa đều có mương máng chạy qua nên tôi không còn lo về nguồn nước tưới như những năm trước đây. Năm nay, tôi sẽ thuê máy móc làm đất cho tiện".

Ông Lê Huy Hạnh, Trưởng thôn Lại cho biết: Năm 2014, thôn đã triển khai DĐĐT nhưng người dân chưa đồng thuận. Để nhận được sự ủng hộ, nhất trí của người dân, thôn đã chọn khu cánh đồng xa làm điểm. Diện tích khu này khoảng 5 ha, do ở xa, đi lại không thuận tiện, đất đai không màu mỡ nên nhiều người bỏ ruộng. Sau DĐĐT, ruộng nào cũng có đường, có mương nước nên bà con cấy hết, không bỏ hoang như trước. Thấy lợi ích của việc DĐĐT nên khi triển khai phần diện tích còn lại, thôn nhận được sự đồng tình, nhất trí cao từ phía người dân.

Xã Vĩnh Tuy có 4 thôn, trong năm 2014, 2 thôn Lại và Hồ Liễn đã thí điểm DĐĐT một phần diện tích. Sau khi DĐĐT, người dân rất phấn khởi vì canh tác thuận tiện, tưới tiêu dễ dàng nên năm nay tất cả các thôn còn lại đều thực hiện. Đến nay, DĐĐT thôn Lại đã xong, những thôn còn lại đang đẩy nhanh tiến độ, dự kiến đến hết tháng 11 cũng sẽ hoàn thành.

Nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng đang khẩn trương DĐĐT. Từ năm 2014, xã Hồng Phúc (Ninh Giang) đã xây dựng kế hoạch và triển khai DĐĐT. Tuy nhiên, mới chỉ có xóm 3 của thôn Đà Phố, thôn An Lãng và xóm 5, xóm 6 của thôn Phụ Dực tiến hành DĐĐT, những thôn còn lại chưa thực hiện được. Ông Nguyễn Văn Tước, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Phúc cho biết: "3 thôn còn lại của xã đã xây dựng kế hoạch, triển khai lấy ý kiến đóng góp của nhân dân từ trước vụ mùa. Sau khi người dân đóng góp ý kiến và cấp trên chỉ đạo, các thôn đã chỉnh sửa lại kế hoạch cho phù hợp với thực tế. Hiện nay, các xóm đã thống nhất xong kế hoạch và thuê máy móc chỉnh trang đồng ruộng, làm đường giao thông, mương máng trước, sau đó mới chia ruộng. Chúng tôi phấn đấu đến ngày 15-12 sẽ hoàn thành việc giao ruộng cho nông dân".

Quyết tâm hoàn thành



Một số nơi chỉnh trang đồng ruộng, làm đường giao thông, mương máng trước, sau đó mới chia lại ruộng


Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Ninh Giang, từ năm 2012, huyện đã triển khai DĐĐT. Sang năm 2015, chỉ còn một số thôn ở các xã Hồng Phúc, Đông Xuyên, Kiến Quốc, Ứng Hòe, Tân Phong chưa DĐĐT. Nguyên nhân do các thôn này gặp một số khó khăn như ruộng đất phân tán, xây dựng phương án, kế hoạch DĐĐT chưa cụ thể hoặc định mức đóng góp đưa ra còn cao, chưa phù hợp với thực tế. Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ninh Giang cho biết: Với quyết tâm hoàn thành DĐĐT trong năm nay nên Huyện ủy, UBND huyện Ninh Giang đã đề ra nhiều giải pháp để  lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Huyện đã thành lập 5 tổ công tác do các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy làm tổ trưởng, có sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể để giúp UBND các xã trên tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện. Hiện nay, các thôn này đều đã xây dựng xong các phương án, kế hoạch DĐĐT và được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Chắc chắn trong năm nay, huyện Ninh Giang sẽ hoàn thành việc DĐĐT theo đúng kế hoạch của tỉnh.

Đến tháng 10 năm nay, huyện Gia Lộc mới DĐĐT được 1.384 ha, đạt gần 54% diện tích đất canh tác cần DĐĐT. Huyện phấn đấu đến ngày 10-1-2016 sẽ hoàn thành việc giao ruộng cho nông dân để chuẩn bị sản xuất vụ chiêm xuân. Huyện đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện. Năm nay, huyện sẽ đưa kết quả thực hiện DĐĐT vào bình xét, đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh. Ngoài ra, huyện cũng sẽ khen thưởng, biểu dương đối với những xã hoàn thành tốt việc DĐĐT.

Để đạt kế hoạch đề ra, ngày 18-11 vừa qua, Sở NN-PTNT đã có công văn đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện DĐĐT. Các địa phương cần tiếp tục  làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện DĐĐT. Ban Chỉ đạo tỉnh, huyện tăng cường kiểm tra, đôn đốc và kịp thời tháo gỡ các khó khăn cho cơ sở. Những nơi không sản xuất vụ đông sẽ thực hiện trước, còn những nơi sản xuất vụ đông thì tiến hành DĐĐT ngay sau khi thu hoạch xong. Đối với những xã đã hoàn thành đo, giao ruộng, khẩn trương thu thập, làm cơ sở chỉnh lý hồ sơ địa chính, lập hồ sơ cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau DĐĐT theo quy định. Bên cạnh phần kinh phí của tỉnh, các huyện, thị xã cần bố trí hỗ trợ thêm cho các xã, tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, sự đóng góp bằng công lao động và tiền của người dân để thực hiện tốt việc DĐĐT.

Với sự quyết tâm thực hiện của các địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền, sự  đồng  thuận, nhất  trí  của nhân dân, việc DĐĐT ở tỉnh ta sẽ hoàn thành theo đúng kế hoạch.

THANH HÀ

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đầu năm nay, toàn tỉnh đã có 524 thôn của 130 xã trong tỉnh thực hiện việc DĐĐT với tổng diện tích gần 32.000 ha, chiếm gần 57% diện tích đất canh tác. Tổng kinh phí đầu tư DĐĐT trên 51,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách của tỉnh, huyện hỗ trợ hơn 12,5 tỷ đồng, còn lại do nhân dân tự đóng góp. Sau  DĐĐT, số thửa giảm còn từ 1-2 thửa/hộ, diện tích trung bình đạt trên 800 m2/thửa, thửa lớn nhất rộng 7.800 m2.