Tạo điều kiện cho báo chí phát triển hơn nữa

Tin tức - Ngày đăng : 08:01, 27/11/2015

Sáng 26-11, các đại biểu Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường thảo luận dự án Luật Báo chí (sửa đổi).


Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội): Các trang tin điện tử tổng hợp đang sống ký sinh trên cơ thể báo chí, gặt hái những gì ngon ngọt nhất trong khi không phải mất một chút mồ hôi, công sức, tiền bạc nào. Ảnh: TTXVN

Sắp xếp, tổ chức lại hệ thống báo chí

Các đại biểu cho rằng việc sửa đổi Luật Báo chí sẽ góp phần cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp 2013 về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành luật; tạo lập khung pháp lý phù hợp để sắp xếp, tổ chức lại hệ thống báo chí, tạo điều kiện cho báo chí phát triển lành mạnh, hiệu quả và đúng định hướng.

Đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) chỉ ra đặc thù của báo chí Việt Nam không chỉ là phương tiện truyền thông thiết yếu mà là công cụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước. Do đó, trách nhiệm của báo chí là hoạt động công vụ. Đại biểu Hà Minh Huệ đề nghị cân nhắc điều này trong dự thảo luật. Đại biểu mong muốn Nhà nước cần quan tâm hơn nữa cho các cơ quan báo chí như bổ sung thêm chính sách ưu đãi về thuế, chính sách về trợ giá, cước...

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) băn khoăn về “điểm tựa” nào để giúp báo chí phát triển mạnh, bền vững và thích ứng trong hội nhập. Theo đại biểu Thường, nói một cách hình tượng là báo chí phải đi bằng hai chân. "Chân thứ nhất - chân hành chính: Chúng ta tiếp tục khẳng định vai trò là công cụ tư tưởng của Đảng, địa vị của báo chí khi đó ví như bộ phận hành chính cấu thành của cơ quan Đảng, Nhà nước. Chân thứ hai - chân doanh nghiệp: Báo chí phải tự chủ về kinh tế. Nói tóm lại báo chí phải độc lập kinh tế như một doanh nghiệp", đại biểu Thường nêu quan điểm.

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh) chỉ ra thực tế trong thời gian qua, dù đã có quy chế phát ngôn nhưng báo chí vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập thông tin. Một số địa phương, đơn vị, cá nhân chưa thực hiện nghiêm quy định về cung cấp thông tin cho báo chí, né tránh hoặc tìm cách không cung cấp thông tin cho báo chí. "Cần luật hóa quy chế phát ngôn, bổ sung thêm vào luật: Các cơ quan tổ chức thực hiện nghiêm túc quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí", đại biểu Trang đề nghị.

Góp ý về trách nhiệm, quyền hạn của lãnh đạo cơ quan báo chí, đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) nêu thực trạng trong những năm gần đây hoạt động báo chí bộc lộ những vấn đề đáng lo ngại, như thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, sai sự thật, xu hướng thương mại hóa có chiều hướng tăng nhanh. Đáng lo ngại là tình trạng thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động dâm ô, tội ác, thông tin về những chuyện thần bí, mê tín dị đoan... làm lệch lạc trong nhận thức của một bộ phận bạn đọc trẻ. Đại biểu Thắm đề nghị cần nghiên cứu bổ sung thêm quy định của cơ quan quản lý và chế tài cụ thể xử lý đối với các nhà báo không tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và tổng biên tập cho phép đăng các nội dung thông tin không phù hợp mới đủ sức răn đe.

Thảo luận về quy định: “Người đứng đầu cơ quan báo chí là tổng giám đốc, giám đốc; cấp phó của người đứng đầu là phó tổng giám đốc, phó giám đốc”, đại biểu Thuận Hữu (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng quy định này chỉ có thể áp dụng đối với các cơ quan báo đa phương tiện, có rất nhiều ấn phẩm nhưng đối với các cơ quan báo chí nhỏ, chỉ có một ấn phẩm, việc áp dụng quy định này gây thêm nhiều rắc rối trong quá trình quản lý...

Cần xóa bỏ khái niệm "trang tin điện tử tổng hợp"

Bức xúc trước thực trạng có nhiều trang thông tin tổng hợp "xào xáo" tin tức từ các báo chính thống, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng thủ tục đăng ký các trang thông tin tổng hợp quá dễ dãi dẫn đến số lượng trang thông tin điện tử tổng hợp tăng lên rất nhanh, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Đại biểu Hải chỉ rõ rất nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp hoạt động sai chức năng, nhiệm vụ, vi phạm bản quyền tác giả, luật sở hữu trí tuệ, gây bức xúc rất nhiều cho các tờ báo. “Trang thông tin điện tử không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật Báo chí, vì vậy hoạt động hoàn toàn không có tôn chỉ, mục đích. Tin tức ở các trang này thường theo hướng giật gân, câu khách, đưa mặt trái, tiêu cực trong xã hội. Các tin chính thống, tin chính trị - xã hội tích cực ít được tổng hợp”, đại biểu Hải nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Phi Thường nhận định tình trạng vi phạm bản quyền báo chí hiện rất phổ biến nhưng việc thực hiện quyền báo chí hầu như là không thể. “Các trang tin điện tử tổng hợp rất nhiều nên khó quản lý, đang sống ký sinh trên cơ thể báo chí, gặt hái những gì ngon ngọt nhất cho mình, trong khi không phải mất một chút mồ hôi, công sức, tiền bạc nào. Vậy là có tình trạng người làm thật mà ăn giả, kẻ làm giả thì ăn thật. Tốc độ cóp nhặt siêu tốc nên việc quản lý các trang tin rất khó khăn, thế mới có chuyện sáng đưa, trưa rút”, đại biểu Thường nói thẳng.

Đại biểu Thường đề nghị cần xóa bỏ khái niệm "trang tin điện tử tổng hợp" và chỉ các cơ quan báo chí mới được quyền xuất bản.

Đề xuất kéo dài tuổi hưu cho tổng biên tập

Đó là kiến nghị của đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai). Theo đại biểu Tùng, không phải mọi tờ báo đều là báo Đảng, vì thế, nếu áp tuổi hưu không quá 5 năm theo quy định của Luật Lao động sẽ là hạn chế lớn với nhiều cơ quan báo chí. “Nhiều đồng chí tổng biên tập có kinh nghiệm, có tâm huyết, tôi nghĩ nên để họ tiếp tục làm, điều này rất có lợi cho tờ báo, vì thế, luật không cần thiết phải quy định tuổi. Còn trong trường hợp nếu cần phải có độ tuổi nhất định, tôi đề nghị nên kéo dài thêm 10 năm nữa, tức là tối đa tuổi hưu của tổng biên tập có thể là 70 tuổi”, đại biểu Tùng kiến nghị.

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nêu quan điểm rất rõ ràng rằng sẽ bất hợp lý nếu không để những người có kinh nghiệm được tiếp tục lãnh đạo cơ quan báo chí. “Một tờ báo được làm ra bởi uy tín, quan hệ của người đứng đầu chứ không chỉ đơn thuần về mặt sức khỏe. Vì thế, không lý do gì để hạn chế điều này chỉ vì tuổi tác”, đại biểu Quốc nói.

Cũng trong buổi sáng, QH đã biểu quyết thông qua nghị quyết về thực hiện chế định thừa phát lại; biểu quyết thông qua Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.

Phê chuẩn nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập WTO

Buổi chiều, QH đã biểu quyết thông qua nghị quyết về phê chuẩn nghị định thư sửa đổi Hiệp định Marrakesh thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo nghị quyết, Việt Nam cam kết thực hiện toàn bộ các điều khoản trong nghị định thư sửa đổi Hiệp định Marrakesh thành lập WTO. Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình hoàn tất thủ tục đối ngoại về việc phê chuẩn theo quy định của WTO và tổ chức thực hiện sau khi nghị định thư sửa đổi Hiệp định Marrakesh thành lập WTO có hiệu lực đối với Việt Nam.

Giải trình về việc đổi tên của nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Trần Văn Hằng cho biết theo văn kiện của WTO, tên nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập WTO đầy đủ được dịch ra từ tiếng Anh là: “Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Marrakesh thành lập WTO”. Do vậy, Ủy ban Thường vụ QH tiếp thu vấn đề này và sửa tên gọi thành: “Nghị quyết về việc phê chuẩn nghị định thư sửa đổi Hiệp định Marrakesh thành lập WTO” và các nội dung liên quan đến tên gọi của nghị định thư sửa đổi tại nghị quyết cho phù hợp với tên gọi trong văn kiện của WTO...

Cũng trong buổi chiều, QH biểu quyết thông qua Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; thảo luận về dự án Luật về Hội.

TTXVN - TT


Ý kiến cử tri


Cần thiết ban hành Luật về Hội

Tôi thấy việc ban hành Luật về Hội trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết, vừa giúp cho việc quản lý nhà nước đối với các tổ chức hội tốt hơn, vừa tạo điều kiện cho các hội hoạt động thuận lợi hơn. Qua nghiên cứu, tôi thấy Luật về Hội được thể hiện khá cô đọng, mang tính khái quát cao và có tính pháp lý rõ ràng.

Bên cạnh đó, tôi thấy trong luật có một số khoản còn trùng lặp như khoản 4 điều 13 trùng với khoản 8 điều 20, điểm b khoản 1 điều 14 trùng với khoản 4, 5 điều 32. Một số quy định chưa cụ thể như luật chỉ quy định Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy đăng ký thành lập hội nhưng không quy định cụ thể ai là người trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký thành lập hội. Quy định đặt trụ sở cũng có phần cứng nhắc, chỉ nên quy định đặt trụ sở hội trong phạm vi hoạt động của hội. Luật cũng cần quy định hoạt động của hội độc lập hoặc theo hệ thống từ tỉnh đến Trung ương.

NGUYỄN VĂN THÙY
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh


Quy định rõ vai trò quản lý của Nhà nước đối với các tổ chức hội

Luật về Hội được đông đảo nhân dân, đặc biệt là các tổ chức hội quan tâm, chờ đợi. Điểm nhấn trong dự thảo Luật về Hội là đối tượng, phạm vi hình thành hội rộng hơn. Mọi người dân đều có quyền lựa chọn tham gia một tổ chức hội hoặc nhiều tổ chức hội khác nhau do khả năng của mình.

Tuy nhiên, tôi băn khoăn rằng nếu Luật về Hội đi vào cuộc sống thì công tác quản lý của Nhà nước đối với các tổ chức hội sẽ thế nào bởi vai trò quản lý nhà nước được quy định trong luật chưa rõ ràng, cụ thể. Nhất là việc theo dõi, tổng hợp, quản lý, hỗ trợ, động viên cho phù hợp với từng loại tổ chức hội để khai thác được tiềm năng của các tổ chức hội phục vụ phát triển của đất nước. Đây là một trong những vấn đề quan trọng liên quan đến sự hình thành, phát triển của các hội.

Theo tôi, Nhà nước cần có thêm văn bản dưới luật quy định, hướng dẫn về công tác quản lý nhà nước với các tổ chức hội. Tùy theo đặc điểm, tình hình của các tổ chức hội, Nhà nước cần có sự quan tâm, hỗ trợ phù hợp. Việc hỗ trợ, đầu tư cho các hội theo cách cào bằng như luật quy định sẽ không phát huy được thế mạnh của từng tổ chức hội. Ngoài ra, luật còn ít đề cập đến việc động viên, khen thưởng.

NGUYỄN THỊ MƯỜI
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh


Quản lý chặt chẽ nguồn tài trợ từ nước ngoài

Quản lý tài chính có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm giám sát hoạt động của hội.
Trong bối cảnh hội nhập và mở cửa như hiện nay, việc quản lý các nguồn tài trợ, các nguồn kinh phí từ cá nhân người nước ngoài, các tổ chức quốc tế cho hội còn gặp nhiều khó khăn. Tại chương VI, điều 30 về quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của hội trong dự thảo Luật về Hội có ghi: "Việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính do tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tài trợ được thực hiện theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định chi tiết thi hành khoản này" là chưa thật chi tiết. Trên thực tế, chúng ta mới quản lý được đầu vào của các nguồn tài trợ, còn khi đã tiếp nhận kinh phí tài trợ của nước ngoài thì việc các hội triển khai sử dụng như thế nào, có đúng mục đích, đúng pháp luật hay không vẫn chưa được quy định cụ thể.

Bên cạnh đó, do công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý các cấp còn chưa thật chặt chẽ nên khi có nhiều nguồn tài trợ từ nước ngoài cho hội như hiện nay cũng tạo ra khó khăn trong việc quản lý tài chính cho các tổ chức hội. Đây có thể sẽ là kẽ hở để các thế lực thù địch lợi dụng hoạt động tài trợ cho các mục đích phá hoại. Do đó, tôi đề nghị cần bổ sung cụ thể các quy định về quản lý tài trợ nước ngoài cho các hội nhằm giám sát, quản lý, tránh sử dụng tài trợ sai mục đích, trái pháp luật.

NGUYỄN CÔNG HẢI
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh

Ngày 27-1, các đại biểu QH làm việc tại hội trường. Buổi sáng, QH thảo luận về dự án Luật Tiếp cận thông tin. Buổi chiều thảo luận dự án Luật Dược (sửa đổi) và bế mạc.