Tăng viện phí đi đôi với nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 12:06, 30/11/2015

Dự kiến trong thời gian tới giá của 1.800 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tăng theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí trực tiếp và thêm phần phụ cấp đặc thù, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật.


Đến giai đoạn 2 của lộ trình tăng viện phí, giá này sẽ được tính thêm tiền lương, phụ cấp của bác sĩ, nhân viên y tế. Tăng viện phí liệu có đi đôi với nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB)? Đó là câu hỏi được nhiều người đặt ra. Câu trả lời còn ở phía trước. Theo lộ trình, trước mắt sẽ tăng viện phí đối với các đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) mà Bảo hiểm xã hội (BHXH) phải chi trả. Còn những người chưa có thẻ BHYT vẫn thực hiện như hiện nay. Theo đề nghị của Liên Bộ Y tế - Tài chính - BHXH Việt Nam, Chính phủ đã đồng ý tính tiền lương, phụ cấp đặc thù vào giá dịch vụ KCB BHYT. Ngân sách Nhà nước trước mắt tiếp tục hỗ trợ nếu các khoản thu không đủ. Về lâu dài, những người không có thẻ BHYT sẽ phải chịu mức chi phí KCB cao hơn người có thẻ BHYT. Đây cũng là điều khuyến khích để mọi người tích cực tham gia mua BHYT, phấn đấu đến năm 2020, số người tham gia BHYT đạt 76% số dân (ở Hải Dương là 87%).

Tăng viện phí để nâng cao chất lượng KCB. Đó là một yêu cầu và cũng là một thách thức không nhỏ đối với ngành y tế. Nhìn lại những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm đầu tư nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại phục vụ KCB. Ngành y tế quy định 10 điều y đức của ngành. Song, so với yêu cầu của người bệnh và việc chăm sóc bảo vệ sức khỏe cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn khi kinh phí đầu tư còn hạn hẹp. Tình trạng quá tải vẫn xảy ra ở các bệnh viện, nhất là các tuyến Trung ương, chuyên khoa đầu ngành.

Nhằm khắc phục tình trạng này, chi phí cho KCB phải được đầu tư thỏa đáng hơn, phải xã hội hóa công tác KCB, thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Thông tư liên tịch số 04/2012 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính đã quy định mức giá tối đa của 447 dịch vụ y tế, trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật và chi phí của 3 yếu tố trực tiếp gồm: thuốc, vật tư, hóa chất, điện, nước, xử lý chất thải, duy tu bảo dưỡng trang thiết bị. Các yếu tố gồm tiền lương, phụ cấp, khấu hao tài sản cố định, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, chi phí quản lý chưa được tính vào cơ cấu giá. Như vậy, theo dự kiến hơn 1.800 dịch vụ sẽ được tính đúng, tính đủ, giá dịch vụ y tế sẽ tăng cao ở một số dịch vụ mang tính kỹ thuật, thủ thuật cao, giường bệnh tăng ít nhất 2-5 lần, tùy theo hạng bệnh viện.

Khi dịch vụ KCB, viện phí tăng cao, các bác sĩ, nhân viên y tế phải phục vụ tốt hơn, xứng đáng với đồng tiền mà bệnh nhân bỏ ra. Bệnh nhân sẽ là đối tượng phục vụ của bệnh viện. Nếu bệnh viện nào phục vụ không tốt, bệnh nhân sẽ tìm đến bệnh viện khác phục vụ tốt hơn, tiền lương của bác sĩ, nhân viên y tế sẽ hưởng theo kết quả ấy. Làm tốt thì lương cao, còn làm không tốt, lương sẽ thấp, không trả lương theo kiểu đánh đồng loạt như hiện nay. Cho nên, việc tăng viện phí có thể tác dụng thúc đẩy các cơ sở y tế nâng cao trách nhiệm, nâng cao y đức, nâng cao kỹ thuật, thủ thuật điều trị.

Tuy nhiên, việc tăng viện phí nhằm nâng cao chất lượng KCB phục vụ người bệnh cũng chỉ là một điều kiện cần tuy rất quan trọng, nhưng chưa đủ. Quan trọng nhất vẫn là thái độ phục vụ, là y đức của bác sĩ, nhân viên các cơ sở y tế. Do đó, đi đôi với việc tăng viện phí để từng bước bảo đảm thu bù chi, ngành y tế cần có những giải pháp, có cơ chế quản lý tốt hơn, chặt chẽ hơn, tiếp tục giáo dục, rèn luyện y đức cho cán bộ, nhân viên toàn ngành học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ: "Lương y phải như từ mẫu". Có như vậy, việc nâng cao viện phí mới đi đôi với nâng cao chất lượng KCB, đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân.

VŨ HOÀNG