Doanh nghiệp nhỏ và vừa trước thách thức hội nhập
Kinh tế - Ngày đăng : 06:38, 01/12/2015
Hiệp định TPP được ký kết và cộng đồng ASEAN chính thức hình thành mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Công ty TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng Thành Công đẩy mạnh xuất khẩu xi măng
thành phẩm đến thị trường New Zealand và các nước Trung Đông
Hiện nay, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ với nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết, có hiệu lực thi hành. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết và cộng đồng ASEAN chính thức hình thành mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 14-11-2015, toàn tỉnh có 8.310 doanh nghiệp các loại, với tổng vốn đăng ký gần 55.354 tỷ đồng. Trong đó có 2.184 công ty cổ phần, vốn đăng ký bình quân đạt hơn 13,9 tỷ đồng/doanh nghiệp; 4.850 công ty TNHH 1 và 2 thành viên có vốn đăng ký bình quân hơn 4,68 tỷ đồng/doanh nghiệp; 1.276 doanh nghiệp tư nhân có vốn đăng ký bình quân 1,76 tỷ đồng/doanh nghiệp. Căn cứ vào các quy định trong Nghị định 56/2009/NĐ-CP ngày 30-6-2009 của Chính phủ thì doanh nghiệp của tỉnh ta chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ.
Theo ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư), DNNVV bản địa luôn là "xương sống" của nền kinh tế. Tuy vậy, hiện nay nhiều DNNVV khả năng tài chính hạn chế, quản trị kinh doanh chưa tốt, việc tiếp cận thị trường, công nghệ hiện đại, trình độ lao động còn gặp khó khăn. Đội ngũ doanh nghiệp dân doanh còn khá non trẻ vì hầu hết hình thành từ khi bắt đầu sự nghiệp đổi mới. Tại tỉnh ta, gần 80% số doanh nghiệp mới thành lập trong khoảng thời gian 1-10 năm. Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá điểm yếu lớn nhất của các DNNVV hiện nay khi hội nhập sâu là thiếu bản lĩnh, tầm nhìn và cách làm ăn chuyên nghiệp, thiếu khả năng kết nối và chia sẻ.
Hiện nay, nhiều DNNVV trong tỉnh đã chủ động đề ra nhiều giải pháp nhằm tận dụng cơ hội do hội nhập mang lại, đồng thời hạn chế những nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang tiếp cận, tìm thị trường có lợi thế. Ông Lê Văn Định, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng Thành Công cho biết: Doanh nghiệp vừa tích hợp thành công 2 hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000 và quản lý môi trường ISO 14000 đạt chuẩn quốc tế ở 2 nhà máy sản xuất xi măng Thành Công 1 và 3. Các kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, nghiên cứu mở rộng thị trường xuất khẩu đang được hoàn thiện. Doanh nghiệp cũng sẽ đa dạng hóa sản phẩm vật liệu xây dựng không nung để đáp ứng yêu cầu khác nhau của các thị trường. Công ty đã tìm hiểu về thị trường ASEAN, Nhật Bản, EU... Ngoài sản phẩm clinker, năm nay công ty đã đẩy mạnh xuất khẩu xi măng thành phẩm đến thị trường New Zealand (một nước trong TPP) và Trung Đông.
Công ty CP Chế tạo bơm Hải Dương đang thay đổi tư duy tổ chức sản xuất, mở rộng thị trường, khẳng định chỗ đứng của thương hiệu bơm Hải Dương |
Theo ông Đào Đình Toàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chế tạo bơm Hải Dương, hội nhập kinh tế sâu rộng vừa đem đến những cơ hội nhưng kèm theo nhiều thách thức cho các doanh nghiệp. Đối với Công ty CP Chế tạo bơm Hải Dương, việc cạnh tranh sẽ trở nên gay gắt hơn ngay tại thị trường trong nước. Hiện nay, sản phẩm của công ty chiếm khoảng 85% thị trường bơm công nghiệp nội địa. Trước xu hướng hội nhập ngày càng sâu, công ty đang thay đổi tư duy tổ chức sản xuất, mở rộng thị trường để phát huy thế mạnh, khẳng định chỗ đứng của thương hiệu bơm Hải Dương. Thời gian qua, doanh nghiệp đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để hiện đại hóa, đồng bộ từ nhà xưởng đến các khâu thiết kế, thử nghiệm, sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ngoài xuất khẩu sản phẩm sang các nước trong khu vực ASEAN như Lào, Myanmar... doanh nghiệp cũng đang thăm dò, phát triển thị trường đến các nước khác trên thế giới như Nhật Bản, Nga... Với nền tảng lâu năm cùng định hướng đầu tư mang tính hiện đại, sản xuất những sản phẩm bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, Công ty CP Chế tạo bơm Hải Dương tin tưởng sẽ có đủ khả năng cạnh tranh với các sản phẩm của các nước trên thị trường nội địa và cả thị trường xuất khẩu.
Ngành dệt may sẽ được hưởng nhiều lợi thế khi TPP được ký kết. Thời gian gần đây, một số nhà đầu tư may mặc đến từ Hồng Kông đã tăng cường xúc tiến đầu tư, mở rộng sản xuất tại Hải Dương nhằm tận dụng lợi thế do TPP mang lại.
Ngoài những DNNVV sẵn sàng chuẩn bị cho hội nhập thì còn không ít DNNVV thụ động, chưa hiểu rõ về các vấn đề liên quan đến hội nhập. Việc này sẽ khiến doanh nghiệp gặp nhiều bất lợi khi cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp lớn.
Theo ông Nguyễn Xuân Đoan, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, DNNVV cần chuẩn bị để nâng cao năng lực cạnh tranh, có biện pháp thích ứng trước tác động tiêu cực để hội nhập hiệu quả. Các cấp, các ngành, hiệp hội doanh nghiệp cần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ bằng những biện pháp cụ thể, thiết thực. Cơ quan quản lý cần quyết liệt cải cách hành chính để tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, tăng cường phổ biến thông tin về hội nhập, đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Các doanh nghiệp nên lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh theo chuỗi liên kết, tổ chức lại sản xuất, tăng cường tìm hiểu thị trường, tận dụng tốt những lợi thế do hội nhập mang lại.
THÀNH LONG