Bài 2: Nông dân chưa coi ruộng đất là tài sản

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:25, 04/12/2015

Đất đai ở nhiều địa phương trong tỉnh vẫn còn bị bỏ hoang hóa hoặc chưa khai thác tốt tiềm năng để phát triển sản xuất nông nghiệp.





Nông sản được tiêu thụ thuận lợi, nông dân có lợi nhuận tương xứng là điều kiện tiên quyết để khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai. Trong ảnh: Nông dân xã Tứ Cường (Thanh Miện) thu hoạch bí xanh vụ đông

Tình trạng một bộ phận nông dân chưa xem ruộng đất là tài sản đang cản trở việc nâng cao giá trị, hiệu quả canh tác.

Bỏ hoang đất


Đất đai là tư liệu sản xuất quý giá, gắn bó mật thiết với nông dân. Vì thế, tình trạng nông dân xin trả ruộng, bỏ hoang hóa ruộng đất là điều bất thường, nghịch lý. Ở tỉnh ta, tình trạng nông dân bỏ đất hoang không còn cá biệt mà đã xuất hiện ở nhiều nơi.

Những năm gần đây, huyện Gia Lộc có khá nhiều diện tích đất bỏ hoang hóa. Ông Mai Phương Trí ở khu 3, thị trấn Gia Lộc, có hơn 5 sào ruộng bỏ hoang, cho biết: "Trước kia, gia đình tôi cấy hơn 1 mẫu ruộng nhưng nhiều năm nay chỉ còn cấy chưa đầy 5 sào để phục vụ nhu cầu của gia đình. Không chỉ riêng nhà tôi mà các hộ xung quanh đều lần lượt bỏ ruộng đi làm công việc khác có thu nhập cao hơn. Nhà tôi cũng phải chuyển sang buôn bán bởi trông mong vào đồng ruộng thì rất bấp bênh. Mỗi năm cấy 2 vụ lúa nhưng bao nhiêu khoản phải chi trả, tiền làm đất, mua phân bón, thuốc sâu ngày càng cao trong khi sản phẩm làm ra lại phụ thuộc vào thời tiết, mùa vụ. Giá cả bấp bênh, đầu tư nhiều nên không còn mấy ai mặn mà với ruộng".

Theo ông Đỗ Văn Sáng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lộc, những năm gần đây, các xã, thị trấn trong huyện có nhiều biện pháp nhằm khắc phục diện tích đất canh tác bị bỏ hoang. Chẳng hạn, các địa phương vận động hộ dân có điều kiện đi thuê những khu ruộng bỏ hoang để sản xuất và hỗ trợ cho các hộ này. Những khó khăn về nước tưới tiêu, giao thông đi lại ra khu ruộng bỏ hoang cũng dần dần được khắc phục. Có xã giao cho các tổ chức, đoàn thể nhận canh tác ruộng hoang... Dù vậy, trong vụ mùa năm nay, huyện Gia Lộc vẫn còn 27,5 ha đất bỏ hoang. Diện tích đất bỏ hoang có ở 7 xã, thị trấn, trong đó xã Gia Khánh nhiều nhất do bị ảnh hưởng khi làm đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (10 ha), thị trấn Gia Lộc 6,5 ha, Thống Kênh 3 ha, Hoàng Diệu 2,5 ha... Những nơi còn lại đất bỏ hoang do điều kiện canh tác khó khăn như đất trũng, đất xen kẹp, khu ruộng bị chuột phá hoại nhiều...

Tình trạng ruộng bỏ hoang không chỉ xuất hiện ở huyện Gia Lộc mà còn ở nhiều nơi khác trong tỉnh. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay, toàn tỉnh có 415,5 ha đất bỏ hoang. Trong vụ xuân 2015, toàn tỉnh có 204,7 ha đất bỏ hoang ở 44 xã, thị trấn thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố. Ở vụ mùa, toàn tỉnh có gần 210,8 ha đất bỏ hoang ở 55 xã thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố. Diện tích đất bỏ hoang xuất hiện nhiều nhất tại các xã, thị trấn chưa thực hiện xong dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng. Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp chỉ đạo khắc phục song diện tích đất bỏ hoang năm 2015 chỉ giảm gần 30 ha so với năm 2014 và 2013.

Hiện nay, tiềm năng đất đai để thâm canh tăng vụ còn nhiều song chưa được nhiều địa phương khai thác hiệu quả. Nhiều nơi có quỹ đất thuận lợi để thâm canh 3-4 vụ sản xuất hằng năm nhưng nông dân chủ yếu vẫn canh tác 2 vụ lúa. Quỹ đất để tỉnh ta phát triển sản xuất rau màu vụ đông, vụ xuân hè, hè thu còn nhiều song muốn mở rộng rất khó, thậm chí diện tích rau màu ở nhiều nơi ngày càng giảm.

Ở xã Tứ Cường, một địa phương có diện tích rau màu vụ đông lớn của huyện Thanh Miện, vụ đông năm nay toàn xã chỉ trồng được 142 ha, đạt 91% kế hoạch, giảm 14 ha so với vụ đông 2014-2015, do bị ảnh hưởng bởi trận mưa lớn vào cuối tháng 9. Ông Trần Bá Thạnh, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Tứ Cường lo lắng: "Tiềm năng quỹ đất để trồng vụ đông ở xã tôi có thể đạt 40-50% diện tích canh tác (210-270 ha) nhưng thực tế mới thực hiện được 142 ha. Hiện nay, giá bán bí xanh, bí ngô chỉ khoảng 2.000 đồng/kg nên mỗi sào người dân chỉ lãi vài trăm nghìn đồng. Tôi lo nếu giá bí cứ thấp như năm nay thì vụ đông sang năm diện tích sẽ tiếp tục giảm xuống. Nếu muốn duy trì diện tích cây vụ đông thì giá vật tư nông nghiệp cần giảm xuống và việc tiêu thụ nông sản phải thuận lợi".

Diện tích vụ đông ngày càng giảm trên phạm vi toàn tỉnh. Trong vụ đông năm 2014-2015, toàn tỉnh gieo trồng được 21.967 ha rau màu, chỉ đạt 97,6% kế hoạch, giảm 1.655 ha so với vụ đông năm 2010-2011. Dù diện tích vụ đông giảm do nhiều nguyên nhân song điều này cũng cho thấy tiềm năng sản xuất rau màu vụ đông vẫn chưa được khai thác tốt.

Cần tích tụ ruộng đất

Tình trạng đất canh tác bỏ hoang, tiềm năng đất đai vẫn chưa được khai thác tốt ở nhiều địa phương do nhiều nguyên nhân. Do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nên một lực lượng lớn lao động nông nghiệp chuyển sang làm công nghiệp, dịch vụ vì có thu nhập cao hơn. Nhiều vùng quê thiếu lực lượng lao động, nhất là lực lượng lao động trẻ đã ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp thường bấp bênh, chịu nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh. Chi phí sản xuất nông nghiệp ở mức cao trong khi lợi nhuận thu được không đáng kể. Điều đó khiến một bộ phận nông dân không còn mặn mà với đồng ruộng mà tìm việc làm khác.

Thời gian qua, các địa phương đã có nhiều giải pháp nhằm khắc phục đất bỏ hoang, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Tỉnh đang tích cực dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, đẩy mạnh đưa cơ giới vào sản xuất, quy vùng sản xuất tập trung, khuyến khích doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân... Tuy nhiên, hiện nay những giải pháp đó chưa thực sự tạo đột phá để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Bà Phạm Thị Nhung, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Miện đề xuất: "Để nông dân gắn bó với đồng ruộng, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, tích tụ ruộng đất, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất để khắc phục tình trạng thiếu lao động nông nghiệp. Ngoài ra, Nhà nước cần tiếp tục có giải pháp để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm thuận lợi với giá bán hợp lý ".

Ngoài các giải pháp trên, tỉnh cần tích cực đầu tư, ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị nông sản. Đây là một hướng đi tất yếu trong điều kiện quỹ đất canh tác ngày càng giảm do đất được chuyển mục đích sử dụng sang hoạt động công nghiệp, dịch vụ... Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất cũng cần tiếp tục được đầu tư nhằm tạo thuận lợi cho canh tác và đối phó tốt với thời tiết ngày càng có xu hướng cực đoan, khó lường.

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ