Bố trí đất cho dự án, công trình phải trên cơ sở rõ ràng

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 10:18, 04/12/2015

Nhiều người lo ngại việc xét chọn các dự án, công trình được bố trí sử dụng đất còn dễ dãi dẫn tới tình trạng xuất hiện nhiều dự án "treo", bỏ hoang hóa đất đai.


Theo Luật Đất đai 2013 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2014), UBND tỉnh có nhiệm vụ lập danh mục dự án, công trình (DACT) cần sử dụng đất để trình HĐND tỉnh cho phép thu hồi, chuyển mục đích sử dụng. UBND tỉnh chuẩn bị 2 danh mục DACT, gồm những DACT đề nghị HĐND tỉnh chấp thuận thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định tại khoản 3, điều 62, Luật Đất đai 2013 và danh mục DACT, điểm dân cư nông thôn đề nghị HĐND tỉnh ban hành nghị quyết cho phép chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa, rừng phòng hộ sang đất phi nông nghiệp. Nội dung quan trọng này được UBND tỉnh trình tại 2 kỳ họp HĐND tỉnh hằng năm để HĐND tỉnh quyết định cho phép thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất trong thời hạn 1 năm hoặc nửa năm tiếp theo.

Tờ trình của UBND tỉnh về nội dung trên dựa trên sự tham mưu của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện. Qua các kỳ họp HĐND tỉnh gần đây và quá trình chuẩn bị danh mục DACT nổi lên nhiều ý kiến nhận định rằng còn nhiều DACT chưa có căn cứ pháp lý, ít tính khả thi nhưng vẫn đưa vào danh mục. Tại buổi giám sát của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh ở Sở Tài nguyên và Môi trường ngày 23-11 vừa qua, đồng chí Hoàng Văn Bảo, đại biểu HĐND tỉnh đã đề nghị những DACT chưa có căn cứ pháp lý như chưa có quy hoạch, chưa có quyết định, chủ trương đầu tư cần loại bỏ ra khỏi danh mục. Một đại biểu HĐND tỉnh khác cũng "rất băn khoăn" trước danh mục có số lượng DACT lớn trong khi kết quả sử dụng đất của nhiều DACT thời gian gần đây đạt thấp.

Hiện nay, tiêu chuẩn, điều kiện, căn cứ để xét chọn các DACT vào danh mục chưa thật sự rõ ràng, đầy đủ. UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã nhiều lần chỉ đạo việc đề xuất, xét chọn DACT phải dựa vào các căn cứ và có tính khả thi. Tuy nhiên, những câu hỏi như tiêu chuẩn, điều kiện để xét chọn là gì, dựa trên quy định nào của pháp luật, đối với các dự án khác nhau thì cần có căn cứ khác nhau như thế nào thì vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Vì chưa đưa ra được một bộ tiêu chuẩn, điều kiện để xét chọn DACT nên dẫn tới quá trình chuẩn bị nội dung này còn gặp nhiều lúng túng, khó khăn.

Nhiều người lo ngại việc xét chọn các DACT được bố trí sử dụng đất còn dễ dãi dẫn tới tình trạng xuất hiện nhiều dự án "treo", bỏ hoang hóa đất đai. Những lo ngại đó có cơ sở thực tế. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2013 đến nay, Thủ tướng Chính phủ, HĐND tỉnh đã cho phép chuyển mục đích sử dụng 1.689,2 ha đất trồng lúa và gần 1,6 ha đất rừng phòng hộ để thực hiện 939 DACT, điểm dân cư nông thôn. Tuy nhiên đến nay, toàn tỉnh vẫn còn 401 DACT, sử dụng gần 535,8 ha đất lúa chưa triển khai thực hiện, chiếm tới 43,3% tổng số DACT và 31,7% tổng diện tích đất trồng lúa được phép chuyển mục đích sử dụng. Đối với các DACT đã được HĐND tỉnh chấp thuận thu hồi đất, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh vẫn còn 399 DACT sử dụng 650,1 ha đất chưa triển khai thủ tục thu hồi đất, chiếm 47,6% tổng số DACT và 37,6% diện tích đất. Tất cả 12 huyện, thị xã, thành phố đều có nhiều DACT chậm thực hiện thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất theo kế hoạch. Tình trạng này gây lãng phí nguồn lực đất đai, khiến người dân bức xúc.

Thực tế trên đặt ra yêu cầu cần ban hành các tiêu chuẩn, điều kiện để làm căn cứ thẩm định, xét chọn DACT được bố trí sử dụng đất. Việc này rất quan trọng, làm cơ sở khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong bố trí đất đai, góp phần sử dụng đất hiệu quả. Trong Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khóa XV tới đây, chúng tôi mong rằng các đại biểu HĐND thảo luận kỹ lưỡng vấn đề này, làm cơ sở để cấp có thẩm quyền đề ra các nguyên tắc, tiêu chuẩn trong bố trí nguồn lực đất đai cho các DACT.

TUẤN NGUYÊN(Ninh Giang)