Làm giàu từ sàng xay xát gạo
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:36, 04/12/2015
Cơ sở sản xuất sàng xay xát gạo Vóc Đình ở cụm công nghiệp Tráng Liệt (Bình Giang) của anh Phạm Văn Chính bắt đầu hoạt động từ năm 1989.
Hằng ngày, anh Chính đều kiểm tra kỹ lưỡng các bộ phận trên máy đột dập trước khi vận hành
Do quỹ đất lúc đầu nhỏ hẹp nên đến năm 2006 anh Chính quyết định chuyển địa điểm tới đây để mở rộng sản xuất. Nói đến cơ duyên với nghề, anh Chính kể gia đình anh làm nghề buôn gạo từ năm 1982, cực nhọc trăm bề vì hằng ngày phải chở thóc mấy chục cây số mới tới điểm xay xát. Sau nhiều đêm trằn trọc, anh quyết định mua máy xay xát gạo về tự làm. Được vài năm, anh chuyển sang làm sàng xay xát gạo với mong muốn nhiều nơi có máy xay xát gạo để sử dụng.
Học hỏi được kỹ thuật đột dập sàng xay xát gạo ở Quế Võ (Bắc Ninh) nên khi bắt tay vào thực hiện, anh đã rất rành. Trên diện tích hơn 3.000 m2, anh Chính đầu tư 3 chiếc máy đột dập (máy làm sàng) và 1 máy cắt. Thấy hiệu quả chưa cao nên anh tự sáng chế ra máy uốn và máy hàn bấm. Anh cho biết: "Cách thức chuyển đổi từ máy hàn que sang máy hàn bấm giúp mối hàn bền chắc hơn, tiến độ sản xuất nhanh hơn. Đồng thời, hàn bấm có thể hàn trên nhiều loại chất liệu khác nhau ở tất cả các vị trí hàn từ chiều dày nhỏ nhất tới chiều dày lớn nhất. Trong đó cần chú ý tới tốc độ hàn vì nếu hàn quá nhanh sẽ làm giảm độ ngấu của mối hàn, vảy hàn không đều và không lấp đầy vũng hàn”. Sau đó, nhờ nâng cấp thêm phần phụ và trực tiếp dùng mô tơ trên máy đột dập để thay thế sức kéo thủ công nên chất lượng đột dập của cơ sở tốt hơn, thời gian lao động được rút ngắn lại.
Đặc biệt, với sự hướng dẫn của người em trai học chuyên ngành về cơ điện tử nên năm 2010, anh Chính nghiên cứu và áp dụng cách dùng lập trình NCI với bộ vi điều khiển trên máy đột dập liên hoàn. Nhờ đó, máy hoạt động tự động mà không cần tới sự điều khiển của con người, tỷ lệ sai số không xảy ra như những máy đột dập khác. Từ nguyên liệu phôi thép, cơ sở của anh Chính tạo ra hơn 40 loại sàng xay xát khác nhau, trong đó chủ yếu là sàng nghiền và sàng xát.
Theo anh Chính, những yếu tố quyết định tới hiệu quả kinh doanh là chất lượng sản phẩm, giá rẻ và tạo việc làm ổn định giúp công nhân yên tâm, gắn bó lâu dài với cơ sở sản xuất. Từ 1.000 kg phôi thép tạo ra từ 1.000 - 2.000 chiếc sàng nhỏ/ngày và 1.000 chiếc sàng to/ngày, sản phẩm làm ra chủ yếu được tiêu thụ ở các đại lý bán phụ tùng xay xát gạo tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng và xuất khẩu sang Lào, Campuchia... Mỗi tháng cơ sở của anh xuất đi hàng chục vạn sàng (cả loại nhỏ và loại to), trừ chi phí thu lãi gần 300 triệu đồng/năm. Cơ sở của gia đình anh Chính đang tạo việc làm ổn định cho gần 10 lao động địa phương, thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/ tháng.
Ông Nhữ Ngọc Vượng, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bình Giang cho biết: “Cơ sở sản xuất sàng xay xát gạo Vóc Đình không chỉ đem lại nguồn thu cho gia đình anh Chính mà còn giúp địa phương giải quyết được việc làm ổn định cho nhiều lao động. Nhờ mẫu mã đẹp, chất lượng tốt nên sản phẩm tiêu thụ dễ dàng, có khả năng mở rộng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài”.
ÁI LIÊN