Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho người khuyết tật
Bạn đọc viết - Ngày đăng : 10:05, 05/12/2015
Nhưng vượt lên trên những hoàn cảnh đó, có nhiều người đã làm nên những điều phi thường bằng chính nghị lực và tình yêu dành cho cuộc sống.
Thế giới đã biết đến Nick Vujicic (sinh năm 1982, người Australia), bị khuyết tật không chân, không tay bẩm sinh. Bằng ý chí và nghị lực phi thường, Nick đã vươn lên và tự khẳng định mình trong cuộc sống. Anh tốt nghiệp đại học chuyên ngành tài chính kế toán và trở thành diễn giả nổi tiếng về chủ đề làm chủ cuộc sống. Ở nước ta cũng có hàng nghìn người khuyết tật tài giỏi. Anh Trần Quang Dũng ở xã Duy Minh (huyện Duy Tiên, Hà Nam) là người khuyết tật duy nhất đã được Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam vinh danh một trong 100 thanh niên tiêu biểu toàn quốc dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc năm 2010. Anh cũng được Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và UBND tỉnh Hà Nam tặng Bằng khen. Dù bị teo cơ, liệt hai chân vĩnh viễn, không thể đi lại được nhưng anh Dũng vẫn vượt lên chính mình, chuyên tâm học tập rồi trở thành ông chủ một phòng khám đông y có tiếng ở Hà Nam, đồng thời là giám đốc của một công ty xây dựng, tạo việc làm cho trên 50 lao động. Chị Nguyễn Thị Minh Tâm (sinh năm 1986 ở Cao Lãnh, Đồng Tháp) bị xe tải cán nát chân trái nhưng vẫn quyết chí thi đỗ vào ngành sư phạm toán và được nhận về dạy tại một trường THPT trong tỉnh. Nhờ những nỗ lực trong giảng dạy mà năm nào chị Tâm cũng giành danh hiệu giáo viên dạy giỏi cùng nhiều danh hiệu cao quý khác. Ngoài việc dạy học ở trường, chị Tâm còn dạy phụ đạo miễn phí cho nhiều học sinh yếu, kém và còn tham gia công tác xã hội.
Ở tỉnh ta cũng có nhiều tấm gương người khuyết tật giàu nghị lực. Tiêu biểu như chị Nguyễn Thị Hoài (sinh năm 1990 ở xã Hưng Thái, Ninh Giang). Chị Hoài bị cong vẹo cột sống bẩm sinh, chỉ cao hơn một mét, chân tay teo tóp, gầy gò. Tuy bị tật nguyền nhưng chị Hoài luôn ham mê học tập. Suốt những năm học tiểu học, THCS, chị Hoài liên tục là học sinh giỏi toàn diện. Tuy không đi học thêm, chỉ tự ôn ở nhà nhưng chị Hoài vẫn thi đỗ vào Khoa Thông tin thư viện (Trường Đại học Quốc gia Hà Nội) với 21 điểm và Khoa Lưu trữ và Quản trị văn phòng (Trường Cao đẳng Nội vụ) với 22,5 điểm. Chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc ở khu Bích Nhôi, thị trấn Minh Tân (Kinh Môn) mặc dù bị bại liệt từ nhỏ nhưng với ý chí và nghị lực phi thường, chị đã đạt nhiều thành tích xuất sắc trong học tập và hoạt động xã hội. Từ năm 2013, chị Ngọc trở thành một thành viên của Trung tâm Sống độc lập người khuyết tật Hà Nội - một dự án do Nhóm “Vì tương lai tươi sáng” thực hiện, được sự hỗ trợ từ Quỹ Nippon của Nhật Bản. Trung tâm của chị Ngọc tổ chức nhiều hoạt động như cung cấp các dịch vụ sống độc lập, tổ chức “Tham vấn đồng cảnh”, phổ biến kỹ năng sống cho người khuyết tật... Bằng chính nghị lực của mình, chị Ngọc là sinh viên - người khuyết tật tiêu biểu được trung tâm cử sang giao lưu, học tập tại Trung tâm Sống độc lập TP Nagoya (Nhật Bản). Về nước, chị Ngọc theo học chuyên ngành Đại học Pháp ngữ và nhận được học bổng AUF (Tổ chức Hợp tác đại học cộng đồng Pháp ngữ). Đây là cơ hội để chị có thể tiến xa hơn trong giao tiếp, trong công việc cũng như làm được nhiều việc có ích hơn. Tháng 4-2015, chị Ngọc là một trong 50 gương mặt đại diện cho tổ chức và người khuyết tật tiêu biểu toàn quốc vinh dự được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp mặt...
Qua những tấm gương nêu trên có thể thấy mỗi người khuyết tật đều có khả năng vươn lên để khẳng định mình nếu họ quyết tâm và được tạo cơ hội. Trên thực tế vẫn còn nhiều người khuyết tật dù có khả năng nhưng do mặc cảm, tự ti nên họ thường sống khép mình, ít giao tiếp hoặc chưa quyết tâm vươn lên. Nhiều người khuyết tật còn khả năng lao động nhưng do thiếu kiến thức, thiếu vốn, gia đình và các cấp, các ngành chưa thực sự quan tâm tạo cơ hội nên họ chưa tự tin vươn lên để khẳng định mình... Đặc biệt, người khuyết tật hiện vẫn còn gặp khó khăn, thách thức lớn nhất là sự kỳ thị phân biệt đối xử của một số người, thậm chí ngay ở gia đình. Điều này có thể khiến người khuyết tật càng cảm thấy tự ti, yếu thế, thậm chí dễ trở thành đối tượng của bạo lực hơn, cả về mặt thể xác lẫn tinh thần.
Để người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống, các cấp, các ngành cần tăng cường tuyên truyền để thay đổi tư duy, cách nhìn của cộng đồng đối với người khuyết tật. Khuyết tật là vấn đề xã hội chứ không chỉ là vấn đề nhân đạo hay y tế, không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người khuyết tật. Cần rà soát những người khuyết tật còn khả năng lao động, học tập để xây dựng kế hoạch giúp đỡ phù hợp. Tăng cường tuyên truyền, kêu gọi cộng đồng cùng chung tay chia sẻ, hỗ trợ cho người khuyết tật. Nâng cao khả năng tiếp cận và hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật bằng việc dạy nghề gắn với tạo việc làm cho họ một cách hiệu quả, bền vững...
TIẾN MẠNH(Đài Phát thanh Tứ Kỳ)