Người bạn đích thực
Các em viết - Ngày đăng : 08:11, 06/12/2015
Nó vốn sinh ra trong một gia đình giàu có. Bố mẹ nó đều là những doanh nhân thành đạt. Chính vì thế, từ nhỏ tới giờ nó đã quen với việc sống trong nhung lụa, có “ô sin” phục vụ. Đi đâu nó cũng có người giúp việc xách đồ hay để sai vặt. Dần dần trong nó hình thành cái tính ỷ lại, thói ích kỷ và sự khinh thường người khác. Nó tự cho mình thuộc “đẳng cấp” trên của xã hội nên mỗi lần nhìn thấy người nghèo là nó thường bĩu môi, không thèm tiếp chuyện. Nó luôn coi mình là một công chúa và tất nhiên bạn bè của nó chí ít cũng phải là tiểu thư, công tử con nhà “đại gia”. Bọn nó thường tiêu tiền hoang phí như để chứng minh độ ăn chơi và gia thế giàu có của mình. Nhà tôi nghèo nhưng nó không dám khinh tôi. Nó thích ngồi cạnh tôi vì tôi học giỏi nhất lớp mặc dù chẳng mấy khi nó thèm trò chuyện với tôi.
Đùng một cái gia đình nó bị phá sản. Công ty của bố mẹ nó làm ăn thua lỗ, phải tuyên bố giải thể. Bố mẹ nó phải bán tất cả nhà cửa, đất đai và dốc hết gia sản trả nợ để khỏi phải đi tù. Đang được liệt vào hàng “đại gia” bỗng dưng tay trắng, bố mẹ nó xót xa nhìn lại cơ ngơi của mình bao năm xây dựng bỗng phút chốc tan thành mây khói. Mẹ nó thì cay đắng, nuối tiếc ngoái nhìn ngôi biệt thự ba tầng bị niêm phong, đồ đạc hàng trăm triệu bỗng dưng rơi vào tay người khác. Còn nó từ một tiểu thư quen sống sung sướng bây giờ không khác gì “cô bé bán diêm”. Nhà nó dọn đến ở trọ trong một căn nhà nhỏ lụp xụp. Mẹ nó thất thểu ngồi khóc. Bố nó thở ngắn thở dài nghĩ đến hành trình gây dựng lại cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng.
Mấy hôm sau, nó xuất hiện ở lớp với bộ mặt bơ phờ. Những cô chiêu, cậu ấm vốn được nó coi là bạn chí cốt giờ đây tuyên bố “tẩy chay” nó. Cái tin nhà nó phá sản lan khắp cả trường. Người cảm thông thì ít mà kẻ cười mỉa thì nhiều bởi nó vốn nổi tiếng cả trường vì vẻ “sang chảnh”. Không ít đứa thốt ra lời: “Cho đáng đời! Lúc giàu có thì coi người như rơm như rác”.
Chỉ còn lại mình tôi ở bên cạnh nó. Tôi an ủi nó một cách chân tình: “Cậu đừng buồn nữa, phải tập thích nghi với hoàn cảnh”. Nó nghệt mặt ra: “Ừ! Chỉ sợ sướng quen rồi, giờ khổ không chịu được”. Tôi nảy ra ý định giúp nó kiếm thêm thu nhập cho gia đình bằng cách rủ nó cùng đi bán vé số hay thu lượm ve chai. Ban đầu, nó giãy nảy lên: “Thôi! Ngại chết đi được”. Nhưng sau đó nó vượt qua sự tự ti, xấu hổ và dần cũng quen với công việc lạ lẫm ấy. Cứ được nghỉ học là tôi và nó đi khắp các hang cùng ngõ hẻm của thành phố để thu mua đồ phế thải, bán lại cũng lãi vài chục nghìn đồng. Trước kia mấy đồng bạc lẻ đối với nó chẳng là cái gì nhưng bây giờ nó trân trọng, nâng niu như báu vật.
Chỉ một thời gian ngắn mà nó thay đổi hoàn toàn cả về ngoại hình lẫn suy nghĩ. Nó đã học được cách chi tiêu tiết kiệm và nhận ra ai mới là người bạn đích thực của mình.
Nguyễn Phương Thảo(Lớp 10E, Trường THPT Nam Sách)