Di sản văn hóa Nguyễn Du - tinh hoa văn hóa nhân loại
Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 09:06, 07/12/2015
Tượng Đại thi hào ở Khu Di tích quốc gia đặc biệt Nguyễn Du tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh
Đại thi hào Nguyễn Du là nhà thơ lớn của dân tộc ta, Danh nhân văn hóa thế giới. Bằng những thi phẩm mang tính nhân văn sâu sắc, nghệ thuật thể hiện bậc thầy, tiếng thơ Nguyễn Du đã chạm đến cảm xúc, lương tâm và lòng trắc ẩn của con người.
Di sản đồ sộ
Đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820), tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên sinh ra trong một gia đình khoa bảng nổi danh ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
|
Nguyễn Du đã để lại một di sản văn chương đồ sộ với những tác phẩm kiệt xuất, trong đó có cả thơ chữ Hán (tổng cộng 250 bài) và thơ chữ Nôm, có cả Đường thi và lục bát dân tộc, có cả thơ trường thiên và đoản thiên. Ở thể loại nào ông cũng đạt được sự hoàn thiện của trình độ cổ điển. Các tác phẩm văn học kiệt xuất của ông như ba tập thơ chữ Hán: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục. Các tác phẩm thơ Nôm như Văn tế Trường lưu nhị nữ, Thác lời trai phường nón, và đặc biệt nhất là Đoạn trường tân thanh (thường gọi là Truyện Kiều). Với kiệt tác Truyện Kiều, Nguyễn Du đã khẳng định được vị trí số một trong nền văn học dân tộc Việt Nam và từng bước nổi danh văn đàn thế giới.
Tác phẩm vĩ đại
“Truyện Kiều” (Đoạn trường tân thanh), được viết bằng chữ Nôm, gồm 3.254 câu thơ theo thể lục bát. Theo các nhà khoa học, Nguyễn Du có nhiều nhận thức mới mẻ so với thời đại của ông. Thời Nguyễn Du sống, xã hội rối ren nhưng Nho giáo vẫn có vị trí độc tôn. Nếu như phần lớn các nhà thơ trung đại Việt Nam thường dùng thơ ca để nói chí, để “tải đạo” thì Nguyễn Du lại dùng văn chương miêu tả thực tại xã hội, ghi lại “những điều trông thấy” nhiều khi “đau đớn lòng”: Xã hội rối ren, gia đình ly tán, những thân phận con người bị biến động lịch sử vùi dập...
Nhiều câu thơ của Nguyễn Du là sự khái quát thành những triết lý nhân sinh sâu sắc về cuộc đời, về thân phận con người, về những cảnh huống của đời người. Đó không phải là vấn đề của một thời mà của nhiều thời. Đó không phải là vấn đề của một quốc gia, một cộng đồng, một con người mà của toàn nhân loại. Chính bởi vậy mà cho đến ngày nay Truyện Kiều vẫn đóng một vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hóa Việt Nam. Nhiều nhân vật trong Truyện Kiều trở thành điển hình cho những mẫu người trong xã hội cũ mang những tính cách tiêu biểu như Sở Khanh, Hoạn Thư, Từ Hải và đều đi vào thành ngữ Việt Nam. Khả năng khái quát của nhiều cảnh tình ngôn ngữ trong tác phẩm khiến cho quần chúng tìm đến Truyện Kiều và từ đó truyện đi sâu vào văn hóa dân tộc, cắm rễ trong lòng nhân dân Việt Nam.
Truyện Kiều đã được tái bản nhiều lần, dịch ra nhiều thứ tiếng
Truyện Kiều thể hiện tài năng sáng tạo bậc thầy, bút pháp nghệ thuật điêu luyện của Nguyễn Du: xây dựng nhân vật điển hình, điều khiển ngôn ngữ nhạc điệu, tạo cho cấu trúc tác phẩm dồi dào chất kịch, truyền cho hình tượng tác phẩm đậm đà chất thơ. Chỉ riêng với một Truyện Kiều, văn học nghệ thuật Việt Nam trở nên thêm phong phú. Ca nhạc dân gian có giọng "lẩy Kiều". Sân khấu dân gian có "trò Kiều". Hội họa có nhiều tranh Kiều. Và Truyện Kiều từ xưa đến nay đã là đầu đề của nhiều trang bình luận và bút chiến. Thơ vịnh Kiều nhiều không kể xiết. Tuồng Kiều, phim Kiều xuất hiện. Và tiếng nói hằng ngày của nhân dân có thêm nhiều thành ngữ rút từ Truyện Kiều. Ngày nay, Truyện Kiều của Nguyễn Du còn là một trong những tác phẩm văn học Việt Nam được giới thiệu rộng rãi nhất đến với các du khách cũng như các nhà nghiên cứu nước ngoài.
Kết thúc "Truyện Kiều", Nguyễn Du tổng kết bằng hai câu thơ đã trở thành kinh điển: "Thiện căn ở tại lòng ta/Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài" như một tổng kết tuyệt đối đúng cho sự tu thân, tu dưỡng của nhân gian trăm họ. Đây chính là thành tựu tuyệt vời của Nguyễn Du để cho "Truyện Kiều" trở thành tác phẩm lớn nhất và duy nhất của văn học cổ điển Việt Nam có được giá trị của một “bức tranh đời” với “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” chất chứa trong một trái tim lớn.
Đáng mừng hơn, nơi nào trên thế giới có người Việt Nam sinh sống, có trường học giảng dạy tiếng Việt và có các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành Việt Nam học, “Truyện Kiều” vẫn giữ vị trí là tác phẩm văn chương được đọc, được tìm hiểu nhiều nhất. Không chỉ là Thúy Kiều, Thúy Vân, Kim Trọng, Từ Hải, Thúc Sinh, Vương Ông, Vương Quan, hay Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến, Hoạn Thư... mà ngay cả các nhân vật không tên như thằng bán tơ, mụ mối, quản gia nhà họ Hoạn, viên lại già họ Đô, viên quan xử kiện “trông lên mặt sắt đen sì...” cũng có chỗ đứng trong tiềm thức của những người mê Kiều.
Năm 1965, trong hoàn cảnh đất nước còn chia cắt, chiến tranh ác liệt, nhưng cùng với Quyết nghị kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du của Hội đồng hòa bình thế giới, Đảng và Nhà nước ta đã tổ chức kỷ niệm ngày sinh của Đại thi hào một cách trọng thể, rộng khắp. Nhà lưu niệm Nguyễn Du được xây dựng ở Tiên Điền. Chúng ta đã có nhiều sách chú giải, nghiên cứu Đoạn trường tân thanh, có Từ điển Truyện Kiều, có tiểu thuyết Ba trăm năm lẻ. Nhưng vấn đề "Nguyễn Du và Truyện Kiều" thì đến bao giờ cho hết? Hành trình đi tìm Nguyễn Du sẽ mãi là những gắng công của nhiều thế hệ. Ta cần có thơ Nguyễn Du trong cuộc đời, cần có tình Nguyễn Du trong sự sống, nên càng cần hiểu biết về ông. Nỗi sầu của ông mênh mông, tấm lòng của ông rộng lớn, ngòi bút của ông thần kỳ, chính ông cũng không nhận ra mà vẫn chờ đợi những ứng đáp của nhiều thế hệ hậu sinh tri kỷ:
... Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi
Cái án phong lưu khách tự mang
Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Người đời ai khóc Tố Như chăng?
MINH DUYÊN
Trăm năm trong cõi... Cách đây gần một thế kỷ dịch giả Truyện Kiều, nhà thơ người Pháp René Cerayssac viết rằng: “Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du thật là một nền văn chương kiệt tác có thể so sánh với những kiệt tác văn chương của bất cứ đời nào, nước nào cũng không thua vậy”. Đến nay đã có hơn 30 bản dịch Truyện Kiều ra hơn 20 thứ tiếng nước ngoài. Trong đó có 13 bản tiếng Pháp, 10 bản Hán văn và Trung văn, cùng các bản dịch Nga, Anh, Nhật, Đức, Tiệp, Tây Ban Nha, Hungary, Rumani, Hàn Quốc, Mông Cổ, Ả Rập... Và xa hơn nữa, một người đương thời với Nguyễn Du là Tiên Phong Mộng Liên Đường đúng vào năm 1820 - năm Nguyễn Du qua đời đã có nhận xét: “Nếu không có con mắt trong suốt sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt ngàn đời thì không tài nào có cái bút lực ấy”. Cái bút lực mà từ Truyện Kiều đã ngấm sâu vào huyết mạch mỗi người dân Việt dòng chảy văn hóa dân gian để sáng tạo ra các hình thức diễn xướng như vịnh Kiều, nhại Kiều, đố Kiều, tập Kiều, lẩy Kiều, trò Kiều... và lạ thay chạm vào cả tâm thức tín ngưỡng thiêng liêng của tâm linh là có cả bói Kiều “Xem thơ dường thấy có mình ở trong”. Đó là “Trăm năm trong cõi...” hướng về khao khát những giá trị nhân văn cao đẹp nhất: Hướng về con người và tôn vinh con người để cho những “Điều trông thấy” không còn những chuyện làm “Đau đớn lòng”. Có cả một Hội Kiều học được thành lập mà giáo sư Phong Lê, Chủ tịch hội đã từng khẳng định: “Truyện Kiều là một di sản luôn luôn hiện hữu như là một biểu trưng và kết tinh tâm hồn Việt, bản sắc Việt, bản lĩnh Việt, ngôn ngữ Việt. Và bởi thế giới như thế giới chúng ta đang sống hôm nay vẫn cần và càng rất cần nhân lên gấp bội các giá trị của cái thiện và cái tâm như Nguyễn Du đã đúc kết”. Vâng, “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Và Truyện Kiều không chỉ là “Mua vui cũng chỉ được vài trống canh” như nhà thơ khiêm tốn mong ước mà đã trở thành kiệt tác, cây cầu văn hóa kỳ diệu, một cơ sở vững chắc của tình hữu nghị giữa các quốc gia khi được chuyển tải ngôn ngữ Truyện Kiều, một thứ ngôn ngữ trong sáng bậc nhất của tiếng Việt, qua thể thơ lục bát - một thể thơ giàu âm điệu nhất của tiếng Việt. Bản thân Nguyễn Du là người hội tụ văn hóa của các miền đất: ông sinh ra ở Thăng Long, quê mẹ ở Bắc Ninh, quê vợ ở Thái bình, quê cha ở Hà Tĩnh và nhiều năm làm quan ở các vùng đất khác, đã từng đi sứ sang Trung Quốc để kết tinh lại một tâm hồn Việt từ “Trăm năm trong cõi người ta” đến với “Trăm năm trong cõi Truyện Kiều” để mãi mãi tiếng thơ vẫn “Vang động đất trời” và ta vẫn được “Nghe như non nước vọng lời ngàn thu” (Tố Hữu). NGUYỄN NGỌC |