Bài cuối: Khắc phục sự méo mó của thị trường
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:29, 08/12/2015
Những năm trở lại đây, nông dân trong tỉnh là người làm chủ ruộng đồng, làm ra nông sản nhưng lại không thể chủ động được đầu ra cho sản phẩm của mình.
>> Bài 4: Phát triển hạ tầng đồng bộ
Nông dân làm ra nông sản nhưng vẫn loay hoay khi tiêu thụ
Giá bán nông sản bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thương lái… đang khiến nông dân chịu nhiều thua thiệt.
Nông dân xa... thị trường
Những ngày này, trên cánh đồng thôn Bái Thượng, xã Toàn Thắng (Gia Lộc) từng đoàn xe tải của các tiểu thương tấp nập đến thu mua rau vụ đông. Do nhiều nơi cũng bắt đầu thu hoạch rau vụ đông nên hiện tại giá bán su hào ở đây chỉ còn 2.000 đồng/củ, trong khi su hào tại chợ đông Ngô Quyền (TP Hải Dương) vẫn được các tiểu thương bán với giá 4.000 đồng/củ. Một củ su hào từ xã Toàn Thắng đến chợ đông Ngô Quyền với đoạn đường chỉ hơn 10 km, không biết phải qua bao nhiêu đầu mối trung gian nhưng khâu phân phối đã chiếm một nửa giá bán của sản phẩm. Một ví dụ khác, trong khi tiểu thương mua gà ta thả vườn của nông dân xã Hoàng Tiến (Chí Linh) với giá chỉ 60.000 đồng/kg thì ngay tại chợ Sao Đỏ cách xã Hoàng Tiến không xa, người tiêu dùng đã phải mua gà với giá 100.000 đồng/kg. Một tiểu thương bán gà ở chợ này lý giải "vì phải mất chi phí vận chuyển, phí kiểm dịch và đóng phí chợ nên bán với mức giá đó mới có lãi".
Có thể kể ra rất nhiều ví dụ về các sản phẩm nông nghiệp đang chịu sự chênh lệch lớn về giá từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Nguyên nhân chủ yếu do hoạt động thu mua nông sản của nông dân tỉnh ta mang nặng tính thời vụ. Khâu phân phối lưu thông nông sản vẫn chỉ diễn ra trên quy mô nhỏ. Nông dân thiếu thông tin về thị trường nên thường bị tư thương ép giá. "Hiện nay, phần hưởng lợi lớn nhất trong khâu phân phối nông sản thuộc về các tiểu thương. Do đó, dù công sức của nông dân bỏ ra rất lớn nhưng họ không được hưởng lợi đúng mức, người tiêu dùng cũng không vì thế mà được hưởng lợi”, Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) nói.
Những bất cập trong hệ thống phân phối nông sản với quá nhiều tầng nấc trung gian, khiến giá cả hàng hóa bị đội lên rất nhiều. Theo Ông Vương Đình Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng: “Thực tế này đã tạo nên một thị trường nông sản thiếu chủ động. Hiện nay, đa phần nông dân vẫn sản xuất theo phong trào, mạnh ai nấy làm. Nhà này thấy nhà khác trồng su hào, cải bắp hoặc cà rốt bán giá cao, ngay lập tức vụ sau cũng trồng theo. Khi cung vượt cầu, giá bán nông sản xuống thấp, thậm chí không ai mua thì chuyện phải đổ bỏ là cũng dễ hiểu”.
Gắn kết sản xuất và tiêu thụ
Điệp khúc "được mùa, mất giá" nhiều năm nay vẫn đeo đẳng nông dân. Điều tiết các khâu phân phối, lưu thông sản phẩm thế nào để nông dân có lợi, tiểu thương có lãi và người tiêu dùng được sử dụng nông sản với giá hợp lý là điều đáng quan tâm hiện nay. Không phải đến bây giờ tỉnh ta mới quan tâm đến việc phân phối, lưu thông nông sản. Năm 2011, Sở Công thương đã xây dựng thí điểm 2 mô hình tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp. Nông dân tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, hỗ trợ vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm. Mục tiêu của những mô hình này nhằm giúp việc lưu thông nông sản từ ruộng đồng đến doanh nghiệp thu mua suôn sẻ và giảm bớt đầu mối trung gian. Nhưng thực tế đáng buồn là mô hình đã bị “chết yểu”, không được nhân rộng do liên kết nhà nông - doanh nghiệp không bền chặt.
Kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh tới đây đặt ra mục tiêu quan trọng là tái cơ cấu theo cơ chế thị trường nhưng vẫn phải bảo đảm các mục tiêu phúc lợi cho người dân. Bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Để tái cơ cấu nông nghiệp thành công cần phải hạn chế sự méo mó của thị trường nông sản hiện nay. Để làm được điều này, trước hết phải thay đổi tư duy của những người tham gia vào khâu phân phối sản phẩm. Nhà nước, chính quyền địa phương cần giữ vai trò của người trung gian điều tiết, tạo cơ chế để liên kết 2 nhà, sau đó là 4 nhà một cách chặt chẽ". Năm 2015, tỉnh ta đã vào cuộc tích cực trong việc điều tiết thị trường vải thiều và đã đạt được những thành công nhất định. Người trồng vải được mùa nhưng vẫn được giá. Hiện nay, những mô hình cung ứng nông sản theo chuỗi cũng đã được hình thành, như mô hình liên kết đưa cà chua Thượng Đạt, bí xanh An Châu của TP Hải Dương vào bán tại hầu hết các siêu thị trong tỉnh là một hướng đi mới, hiệu quả. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại gắn kết người sản xuất với nhà tiêu thụ đã được Sở Công thương triển khai. Tuy vậy, hiệu quả mà các chương trình này mang lại vẫn chưa giải quyết hết những khó khăn trong khâu tiêu thụ. Sản xuất nông sản theo chuỗi vẫn chưa được triển khai rộng mà mới chỉ trên mô hình. Nông sản xuất khẩu vẫn phải qua nhiều khâu trung gian khiến giá trị mang lại chưa cao.
Nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản, hướng đến sản xuất sạch, an toàn cũng là việc cần làm đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta thời gian tới. Ông Kazuyuky Oguchi, đại diện tập đoàn thu mua nông sản lớn của Nhật là Innabata cho rằng: “Nhiều loại nông sản của tỉnh Hải Dương có thể xuất khẩu sang Nhật Bản bởi các bạn có nhiều loại nông sản mà Nhật Bản không có. Khi gia nhập TPP, nông sản Hải Dương càng có thêm nhiều cơ hội để xuất khẩu sang các nước khác. Tuy nhiên, để xuất khẩu thuận lợi và tăng sức cạnh tranh cho nông sản thì sản xuất sạch và an toàn là việc các bạn cần phải làm ngay hiện nay. Thị trường các nước thành viên tham gia ký kết TPP không có chỗ cho nông sản bẩn”.
Khoán 10 đã giúp nông dân tỉnh ta tạo ra một khối lượng nông sản lớn nhưng nền kinh tế thị trường hiện nay cần có hàng hóa đủ sức cạnh tranh. Do đó, cần phải quy hoạch lại sản xuất, xác định các sản phẩm lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Đồng thời, cần thay đổi mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết các nông hộ thành nhóm hộ, HTX, gắn kết với doanh nghiệp vào chuỗi sản xuất. Bên cạnh đó, việc xây dựng và quy hoạch các vùng chuyên canh cũng phải tính đến sao cho phù hợp với khả năng tiêu thụ của sản phẩm, không để nông dân sản xuất theo phong trào, tiêu thụ nông sản khó khăn.
NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ
Năm nay, các hoạt động xúc tiến thương mại để mở đường cho tiêu thụ nhiều loại nông sản đã được tỉnh ta triển khai rầm rộ. Từ đầu năm đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Sở Công thương tổ chức được 4 hội nghị xúc tiến thương mại giới thiệu nông sản tại thị trường TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Nhờ đó, nhiều loại nông sản của tỉnh đã được các siêu thị tiêu thụ với khối lượng tăng gấp nhiều lần so với năm ngoái. Vải thiều Thanh Hà đã được xuất khẩu sang 6 thị trường tiềm năng Mỹ, Úc, Canada, Malaysia, Singapore, EU. Gà đồi Chí Linh, trứng gà của trang trại gà Tám Lợi, rau VietGAP cũng đã được siêu thị Fivimart, Công ty TNHH An Việt và Công ty TNHH Rồng Đỏ thu mua… Đây là cơ sở để tỉnh ta mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản. |