Đã hứa với dân thì phải làm cho bằng được
Tin tức - Ngày đăng : 11:21, 10/12/2015
Đây là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh sau khi kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khóa XV sáng 10-12.
Đầu giờ sáng 10-12, các đại biểu HĐND tỉnh chất vấn thủ trưởng một số sở, ngành liên quan đến nhiều lĩnh vực người dân quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Thị Hường (Gia Lộc)
Liên quan đến việc thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm diễn ra từ nhiều năm nay, đỉnh điểm là mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với Bộ Công an bắt giữ một số công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi trộn chất cấm vào thức ăn, trong đó ở Hải Dương có 2 công ty nhưng báo cáo của Sở NN-PTNT cho biết mới thành lập đoàn kiểm tra từ ngày 4-12-2015 để kiểm tra vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Hường (Gia Lộc) cho rằng phải chăng từ trước đến nay Sở NN-PTNT không kiểm tra? "Từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn như bây giờ", đại biểu Hường bức xúc nhắc lại một câu phát biểu của một đại biểu Quốc hội mới đây.
Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở NN-PTNT
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định về kiểm tra, thanh tra chất cấm trong thức ăn chăn nuôi từ lâu. Tuy nhiên, các năm trước, việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi chỉ mang tính lồng ghép. Còn trong năm 2015, Bộ NN-PTNT lấy là "Năm vệ sinh an toàn thực phẩm" nên mới có những đợt kiểm tra chuyên sâu.
Ông Phú thừa nhận việc kiểm tra này rất khó, không phải lúc nào cơ quan quản lý nhà nước cũng có thể vào được doanh nghiệp để kiểm tra. Việc kiểm tra đột xuất chỉ được thực hiện khi có tin báo và chắc chắn họ đã vi phạm. Ngoài ra, việc phân tích các mẫu để tìm chất cấm trong thức ăn cũng rất tốn kém, mỗi mẫu mang đi thử tiên tốn từ 6-10 triệu đồng. "Việc phát hiện chất cấm trong thức ăn chăn nuôi rất khó, hiện chưa có tỉnh nào làm được. Việc này chỉ có Bộ Công an phối hợp với Bộ NN-PTNT mới có đủ phương tiện, con người để làm", ông Phú nói.
Lo lắng như đại biểu Hường, đại biểu Nguyễn Ngọc Truyền (Tứ Kỳ) cho rằng với kết quả mà Sở NN-PTNT báo cáo tại kỳ họp thì rau quả, thực phẩm trên địa bàn tỉnh cơ bản an toàn. "Xin hỏi với kết quả như thế thì đã đủ cơ sở để công bố rau quả, thực phẩm trên địa bàn tỉnh bảo đảm an toàn với người tiêu dùng chưa?", đại biểu Truyền hỏi thẳng.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Truyền (Tứ Kỳ)
Kết luận phần trả lời chất vấn, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển đề nghị Giám đốc Sở NN-PTNT phải nghiên cứu kỹ biện pháp quản lý để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước đối với ngành NN-PTNT. Xử lý thật nặng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi trộn chất cấm. Chi cục Quản lý đo lường chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ) tăng cường phối hợp lấy mẫu thức ăn chăn nuôi để kiểm tra, bảo đảm nguồn lương thực, thực phẩm an toàn cho người dân. Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu công bố công khai các cơ sở vi phạm, những cơ sở làm tốt để người dân yên tâm.
Vi phạm lĩnh vực xây dựng vẫn diễn biến phức tạp
Làm rõ vấn đề cử tri nêu về vi phạm trong lĩnh vực xây dựng ngày càng nhiều, ông Phạm Văn Thọ, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết tình trạng vi phạm không những chỉ xảy ra đối với nhà dân mà còn cả doanh nghiệp với những công trình lớn lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nguyên nhân do khi lập hồ sơ thuê đất hồ sơ lập một kiểu nhưng khi xây dựng lại xây để xử dụng với mục đích khác. Ngay cả ở các khu đô thị mới, có những khu chỉ cho phép xây 2 tầng nhưng nhiều người vẫn làm 3 tầng, cấp xây trong 1 lô thì có người vẫn làm 2 lô. "Có nhiều chủ đầu tư khi lập hồ sơ thuê đất nói để chế biến hành tỏi nhưng sau đó lại xây nhà nghỉ, khách sạn nên việc chứng nhận tài sản trên đất gặp khó khăn. Để chứng nhận được việc này rất tốn kém vì theo quy định hiện nay, doanh nghiệp vi phạm phải nộp phạt 50% giá trị công trình thì mới được điều chỉnh. Do vậy, nhiều doanh nghiệp chấp nhận vi phạm", ông Thọ nói.
Việc không được chứng nhận tài sản trên đất gây khó khăn cho doanh nghiệp khi họ vay tiền ngân hàng cần tài sản thế chấp hoặc niêm yết thị trường chứng khoán. "Công ty BBT ở phường Thạch Khôi, TP Hải Dương đầu tư hơn 100 tỷ xây nhà xưởng nhưng do không đúng với cấp phép ban đầu nên đến bây giờ chưa được chứng nhận tài sản trên đất", ông Thọ ví dụ.
Đóng cửa tất cả các lò gạch thủ công vào ngày 31-12-2015
Về vấn đề đóng cử toàn bộ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến và lò gạch liên tục kiểu đứng, ông Thọ cho biết kiên quyết xóa bỏ các lò gạch thủ công và thủ công cải tiến đúng vào ngày 31-12-2015. Riêng 57 lò gạch liên tục kiểu đứng, vừa qua Hiệp hội lò gạch của tỉnh có đề nghị được gia hạn đến năm 2018, ông Thọ cho biết trước mắt cũng đóng cửa theo đúng quy định cùng với lò thủ công. Tuy nhiên, sau đó nếu các lò tuy nen không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường thì sẽ nghiên cứu đề xuất với UBND tỉnh cho hoạt động trở lại.
Kết luận về vấn đề này, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định tất cả các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến và lò liên tục kiểu đứng đều phải chấm dứt hoạt động muộn nhất vào ngày 31-12-2015. "Không nghiên cứu xem xét gì hết, chấm dứt lò gạch thủ công, thủ công cải tiến và lò liên tục kiểu đứng. Việc này không phải bây giờ mới nói mà đã nói nhiều lần rồi", Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển nhấn mạnh.
Kết thúc phiên trả lời chất vấn, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng các vấn đề đưa ra thảo luận, chất vấn tại hội trường cơ bản nhận được sự đồng tình của đại biểu và cử trì nhưng chưa chắc đã thỏa đáng. Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị nhiều nội dung cần tiếp tục mổ xẻ làm rõ để thực hiện tốt hơn. Ngoài nội dung đã trả lời chất vấn, những vấn đề còn bất cập được cử tri quan tâm, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên phải tăng cường kiểm tra, giải quyết để. Ý kiến của cử tri phản ánh phải được cơ quan nhà nước tiếp thu xem xét chỉ đạo và thực hiện. Các ban của HĐND tỉnh tăng cường giám sát việc thực hiện các vấn đề đã nêu ở phiên chất vấn. "Kỳ họp tới phải báo cáo trước HĐND tỉnh và cử tri xem làm được đến đâu. Các nội dung hứa với dân tiến triển thế nào. Có thể những việc phải mất 1-2 năm hoặc lâu hơn nữa mới giải quyết xong nhưng dứt khoát phải có chuyển biến. Đã hứa với dân thì phải làm cho bằng được", đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển lưu ý.
Sau khi kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn của thủ trưởng một số sở, ngành, HĐND tỉnh nghe đồng chí Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tiếp thu, giải trình một số nội dung qua chất vấn và trả lời chất vấn; phương hướng, biện pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.
Đồng chí Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
PV