Người mẹ hiền của học sinh khuyết tật

Việc tử tế - Ngày đăng : 09:37, 13/12/2015

Cô giáo Phạm Thị Thảo dạy trẻ khuyết tật nghe nói ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh được nhiều phụ huynh học sinh và đồng nghiệp khen ngợi...



Không chỉ nhiệt tình trên lớp, cô Thảo còn chăm chút học trò khuyết tật trong từng bữa ăn


Cô Phạm Thị Thảo, đảng viên, giáo viên dạy trẻ khuyết tật nghe nói ở Phòng Văn hóa 3 (Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh) được nhiều phụ huynh học sinh và đồng nghiệp khen ngợi về tinh thần yêu nghề, hết lòng vì học sinh.

Cháu Nguyễn Mai Phương bị điếc bẩm sinh, con chị Nguyễn Thị Thuận ở phường Sao Đỏ (Chí Linh) sau năm học lớp 1A1, được cô Thảo chủ nhiệm dìu dắt, đã phát âm rõ ràng, chữ viết đẹp và tự biết chăm sóc bản thân, sống có nền nếp. Gia đình chị Thuận mừng khôn xiết. Cô Thảo được đồng nghiệp mến phục còn vì lòng say nghề, chăm sóc trẻ khuyết tật như con. Sau giờ trên lớp, cô lại xuống chăm chút trẻ từng bữa ăn, giấc ngủ, dạy trẻ sinh hoạt nền nếp, có kỷ luật... Mỗi khi trẻ bị ốm, cô Thảo phối hợp với Phòng Quản sinh và bộ phận y tế chăm sóc, đứng ra "phiên dịch" bệnh của trẻ cho nhân viên y tế. Cô luôn tâm niệm: “Dạy trẻ khuyết tật thầy cô phải là khuôn mẫu, dành tình cảm yêu quý, gần gũi trẻ, lắng nghe trẻ mong muốn gì”.

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hưng Yên năm 1998, cô Thảo về công tác tại Trường Tiểu học Tân Trường (Cẩm Giàng) và tiếp tục đi học Khoa Tiểu học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I. Tháng 6-2009, cô về công tác tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Ở môi trường mới, lại không được đào tạo đúng chuyên ngành, cô phải tự học bằng nhiều hình thức như thông qua những lớp học bồi dưỡng ngắn ngày về ngôn ngữ ký hiệu, học hỏi đồng nghiệp. Ngoài ra, cô tích cực tìm hiểu tính cách từng học trò để dạy các cháu cách phát âm bằng ngôn ngữ thông thường, thay thế ngôn ngữ ký hiệu, giúp trẻ hòa nhập cộng đồng. Sau 7 năm giảng dạy, đến nay, cô đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy và hiểu được học trò. Trẻ bị điếc khi giao tiếp hay phát âm bằng chữ “ê” nên cô Thảo quyết tâm sửa bằng được cho học trò. Hằng ngày lên lớp cô thường xuyên giao tiếp với trẻ, hướng dẫn trẻ học theo nhóm, cùng nhau biểu đạt bằng ngôn ngữ ký hiệu và luyện tập cách phát âm cho đúng, giúp trẻ có cơ hội tự nói chuyện với nhau. Trẻ bị khuyết tật thường bắt chước rất nhanh nên khi luyện chữ viết cô phải ngồi ngược chiều với trẻ, viết chữ ngược để trẻ quan sát thuận chiều, bắt chước viết theo đã giúp trẻ thích thú học tập. Với phương pháp dạy của cô Thảo, nhiều học sinh chỉ sau 2 tháng đã nói chuyện được nhiều từ, viết chữ nhanh. Để giúp trẻ tiến bộ trong học tập, cô Thảo dành nhiều thời gian nghiên cứu, soạn giảng bằng giáo án điện tử để chuyển tải kiến thức bằng ngôn ngữ hình ảnh, dễ hiểu. Ngoài giảng dạy trên lớp, cô Thảo còn hướng dẫn gia đình cách dạy trẻ phát âm và thường xuyên giao tiếp để trẻ nhanh tiến bộ.

Cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh nhận xét: "Cô Thảo là giáo viên trẻ có tác phong nhanh nhẹn, tận tụy với công việc và hết lòng vì trẻ khuyết tật, xứng đáng là người mẹ hiền ở trường của trẻ, là tấm gương sáng để đồng nghiệp học tập".

THÀNH CHUNG