Học sinh lớp 6 chật vật

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 07:35, 18/12/2015

Cả giáo viên và phụ huynh đều vất vả để hướng dẫn phương pháp học tập, rèn luyện nền nếp, ý thức tự học ở nhà cho học sinh lớp 6...


Năm học này, lứa học sinh tiểu học đầu tiên không bị chấm điểm, không giao bài tập về nhà đã lên THCS. Những hệ quả tiêu cực của việc áp dụng Thông tư  30/2014/TT-BGDĐT bắt đầu thể hiện ở cả cấp học này khiến học sinh, giáo viên và phụ huynh đều vất vả.

“Sốc” vì thực lực học sinh




Giáo viên môn tiếng Anh Trường THCS Trần Phú (TP Hải Dương) rèn luyện kỹ năng nghe - nói cho học sinh lớp 6


Đầu năm học 2015-2016, chị Nguyễn Thị Nga (phường Lê Thanh Nghị, TP Hải Dương) hết sức bất ngờ với điểm kiểm tra một số môn học của cậu con trai bắt đầu vào lớp 6. Điều đáng buồn là sự bất ngờ này theo chiều hướng  không tích cực. Chị Nga cho biết: “Từ năm lớp 1 đến lớp 4, cháu thường xuyên đạt điểm cao, từ 8-10 điểm. Năm lớp 5 không chấm điểm thì tất cả các môn đều đạt. Vậy mà lên lớp 6 có những bài kiểm tra cháu không đạt mức trung bình, thậm chí có bài chỉ được 2 điểm. Biết là học ở bậc THCS khác với tiểu học nhưng không ngờ điểm cháu đạt được thấp như vậy. Bản thân cháu cũng buồn vì chưa bao giờ bị điểm kém như thế”.

Ngay từ khi bắt đầu năm học, các trường THCS đều có bài kiểm tra khảo sát chất lượng đầu năm đối với học sinh lớp 6 để đánh giá sơ bộ năng lực của các em. Kết quả của bài kiểm tra này cũng như quá trình giảng dạy sau đó khiến nhiều giáo viên cảm thấy “choáng” vì học sinh lớp 6 năm nay có nhiều sự khác biệt so với những năm học trước. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, giáo viên môn toán (Trường THCS Lai Cách, huyện Cẩm Giàng) than thở: “Tôi dạy học hơn 30 năm mà chưa thấy năm nào học sinh lớp 6 tiếp thu chậm và bị hổng kiến thức nhiều như năm nay. Có những học sinh lên THCS rồi mà chưa thuộc hết bảng cửu chương, cộng trừ nhân chia chưa thành thạo. Mỗi lần có bài kiểm tra tôi đều phải ôn tập rất nhiều cho học sinh nhưng vẫn có rất ít điểm cao”.

Nguyên nhân của tình trạng này được nhiều giáo viên nhận xét là do suốt năm học lớp 5 vừa qua học sinh quen với việc không được chấm điểm, không làm bài tập về nhà, lên lớp 6 cách học thay đổi đột ngột nên chưa kịp thích nghi. Việc không làm bài tập về nhà khiến cho kết quả ở các môn học cần sự rèn luyện liên tục như tiếng Anh đặc biệt thấp. Cô giáo Nguyễn Thị Ngân, giáo viên tiếng Anh Trường THCS Trần Phú (TP Hải Dương) cho biết: “Học tiếng Anh đòi hỏi học sinh phải học đi học lại từ mới, ngữ pháp nhiều lần, không chỉ đọc mà còn phải viết lại, đặt câu thì mới nhớ được. Học sinh về nhà không học mà chỉ học trên lớp thì không thể nắm được. Mặt bằng chung trình độ tiếng Anh học sinh lớp 6 những lớp tôi dạy năm nay thấp hơn những năm trước, chỉ có một số ít cháu học tốt là do ở tiểu học được gia đình kèm cặp, cho đi học thêm các trung tâm bên ngoài”. Ở Trường THCS Lai Cách, kết quả khảo sát đầu năm học của học sinh lớp 6 thấp hơn mọi năm, thấp nhất là môn tiếng Anh, chỉ có 12 trong tổng số 96 học sinh đạt từ điểm trung bình trở lên. Điểm kiểm tra đầu năm cũng như trong suốt học kỳ I của học sinh lớp 6 ở nhiều trường đều thấp hơn những năm trước đây.

Không chỉ có kết quả thấp ở bài kiểm tra, điều khiến giáo viên lo ngại nhiều nhất là học sinh lớp 6 năm nay có ý thức tự giác học tập kém, chậm tiếp cận phương pháp học của cấp THCS. Thay đổi đột ngột từ chỗ không phải làm bài về nhà, giờ lại phải làm một khối lượng bài tập khá lớn, trên lớp phải ghi chép liên tục khiến nhiều học sinh lớp 6 bị “khớp”. Phạm Thị Khánh Huyền (lớp 6A, Trường THCS Cẩm Sơn, Cẩm Giàng) cho biết: “Năm nay cháu thấy học vất vả hơn nhiều, vài lần cháu quên làm bài tập về nhà. Một số môn được điểm hơi thấp nhưng cháu vẫn thích chấm điểm để biết mình đang ở mức nào, so với các bạn thế nào để phấn đấu.”. Nhiều giáo viên lớp 6 phàn nàn học sinh năm nay thường quên làm bài tập về nhà, quên sách vở, khăn quàng đỏ, không ghi kịp bài trên lớp, ý thức kỷ luật trong lớp học chưa được tốt.

Phụ huynh, giáo viên vất vả



Giáo viên dạy lớp 6 phải sát sao kèm cặp, hướng dẫn học sinh cách làm bài tập hơn những năm học trước


Hằng năm, khi bắt đầu năm học, các trường THCS đều có kế hoạch rèn luyện nền nếp, hướng dẫn phương pháp học tập cho học sinh lớp 6 để các em làm quen với những thay đổi. Năm nay, “bước chuyển giao” này ở các trường đều chật vật, mất nhiều thời gian, công sức hơn những năm học trước. Thầy giáo Nguyễn Xuân Dương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Cẩm Sơn (Cẩm Giàng) cho biết: Giáo viên phải rèn học sinh về nền nếp học tập, cách trình bày vở ghi, bài kiểm tra một cách tỉ mỉ, cẩn thận. Nhà trường chọn những giáo viên “cứng” nhất để dạy và chủ nhiệm lớp 6, yêu cầu các thầy cô sát sao với học sinh ngay từ đầu. Thông qua kiểm tra, khảo sát, trường phân rõ học sinh theo trình độ để tổ chức dạy thêm với lượng kiến thức, phương pháp phù hợp các nhóm đối tượng. Đây là điều nhà trường không phải làm đối với học sinh những khóa trước.

Những giáo viên dạy học sinh lớp 6 năm nay ít nhiều đều phải thay đổi cách giảng dạy phù hợp với học sinh, đồng thời phối hợp chặt chẽ với gia đình các em để rèn luyện ý thức tự học ở nhà. Cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên môn toán Trường THCS Trần Phú (TP Hải Dương) thường xuyên chủ động gọi điện cho phụ huynh học sinh để thông báo tình hình học tập của các em. Nếu như trước đây, chỉ khi có “sự cố” gì thì giáo viên mới gọi điện, còn năm học này, cô Hà phải thông báo cả về số lượng bài tập về nhà để phụ huynh đôn đốc con em mình. Ngoài ra, các giáo viên còn phải rèn luyện cho từng nhóm học sinh những mặt các em còn hạn chế, ví như viết bài chậm thì giao bài tập viết, rèn cách phân tích đề bài để làm bài tập, giao bài về nhà phù hợp với khả năng học sinh...

Những phụ huynh có con học lớp 6 năm học này cũng khá vất vả với việc hướng dẫn con học ở nhà. Chị Nguyễn Thị Nga phải thuê 2 gia sư kèm 2 môn con chị học chậm nhất, đồng thời chị cũng sát sao đôn đốc con làm bài tập hằng ngày. Trước khi con tới lớp, chị còn phải cùng con kiểm tra sách vở theo thời khóa biểu, tránh nhầm lẫn, sai sót. Trước tình hình đó, nhiều phụ huynh mong muốn học sinh ở cấp tiểu học vẫn được chấm điểm, làm bài tập về nhà để có thói quen này khi lên THCS. Anh Nguyễn Đức Kiên (phường Bình Hàn, TP Hải Dương) có con đang học lớp 6 bày tỏ: “Khi các thầy cô giáo cho bài tập về nhà thì các con sẽ có kỹ năng làm bài tập, có ý thức tự học ở nhà. Khi lên THCS, giáo viên và phụ huynh sẽ không vất vả như bây giờ. Không phải làm bài về nhà, các cháu còn dễ dành thời gian cho các đam mê khác như xem ti vi, vào mạng internet, có thể ảnh hưởng không tốt tới việc học”.

Việc áp dụng Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học có những ưu điểm như giảm bớt áp lực về điểm số, bài tập cho học sinh, các em được khuyến khích tự nghiên cứu, tìm hiểu. Nhưng sự thay đổi chỉ diễn ra ở tiểu học mà không có sự thay đổi ở bậc THCS, không có quá trình chuyển giao khiến cho những học sinh lớp 6 có “bước hẫng” đáng kể. Phụ huynh, giáo viên đều có các biện pháp khắc phục tình trạng này trước mắt, nhưng về lâu dài, cần có những giải pháp căn cơ hơn từ  Bộ Giáo dục và Đào tạo, để sự đổi mới thực sự toàn diện và hữu ích.

VIỆT HÒA