Người xứ Đông "phải lòng" Hà Nội

Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 07:16, 22/12/2015

"Giải thưởng lớn - Vì tình yêu Hà Nội" đã vinh danh nhà nghiên cứu Giang Quân - người được ví như cuốn từ điển sống về Hà Nội.



Nhà văn hóa Giang Quân nhận "Giải thưởng lớn - Vì tình yêu Hà Nội"


Tại lễ trao giải "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" được tổ chức cuối tháng 9 vừa qua, "Giải thưởng lớn - Vì tình yêu Hà Nội" đã vinh danh nhà nghiên cứu Giang Quân - người được ví như cuốn từ điển sống về Hà Nội. Dù không sinh ra ở đất Thăng Long nhưng những gì mà nhà nghiên cứu này dành cho Hà Nội trong suốt hơn nửa thế kỷ qua thật đáng trân trọng. Đó là hơn 30 cuốn sách đứng tên riêng viết về đất và người Hà Nội, là hàng chục cuốn sách, công trình nghiên cứu đứng tên chung với các tác giả khác... Nhưng trên tất cả là một đời người, một tấm lòng lúc nào cũng tâm huyết, si mê và đau đáu với văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

"Tôi là người nhà quê, sinh ra và gắn bó quãng đời thơ ấu của mình ở gần ga xép nhỏ Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Năm 1950, khi ngoài 20 tuổi, tôi lên Hà Nội sinh sống. Tôi may mắn được quen biết và tiếp xúc với những gia đình văn hóa như gia đình ông Hoàng Đạo Thúy, gia đình Giáo sư Nguyễn Lân... Và rồi con người nhà quê trong tôi được cái nét thanh lịch hào hoa của người Hà Nội cuốn hút. Nhiều người hỏi tôi tại sao tôi lại yêu Hà Nội đến thế và chỉ nghiên cứu riêng về mảnh đất này? Tôi là nhà báo, từng công tác tại Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội, phụ trách biên tập tạp chí của sở nên công việc cho tôi điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu về đất và người Hà Nội...", ông Giang Quân bộc bạch.

Trở lại với lễ trao giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội", những người có mặt đã không khỏi xúc động khi chứng kiến hình ảnh nhà nghiên cứu Giang Quân ngồi trên xe lăn lên nhận giải. Di chứng của 3 lần tai biến đã khiến ông bị liệt nửa người nhưng may mắn trí não vẫn rất minh mẫn. Gần 90 tuổi nhưng nhà nghiên cứu Giang Quân vẫn nói chuyện say mê, hào hứng và đặc biệt phong thái trẻ trung, dí dỏm của ông luôn khiến câu chuyện vô cùng thú vị.

Cũng vì tình yêu Hà Nội đã khiến anh công chức của Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội ngày ấy không ngừng tìm hiểu về văn hóa Thủ đô. Nửa thế kỷ qua, bước chân ông có mặt trên mọi địa danh Hà Nội. Những chuyến đi điền dã nghiên cứu, ông không bao giờ nghỉ ở nhà khách mà thường nhờ cán bộ địa phương thu xếp cho được ngủ ở nhà người già nhất làng hay khu phố. Những hiểu biết, những ghi chép về từng căn nhà, góc phố của Hà Nội cứ đầy thêm sau từng chuyến đi.

Năm 1984, đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng Thủ đô, ông đã cho xuất bản cuốn "Thủ đô Hà Nội". Đây là cuốn sách tâm huyết đầu tiên của ông về Hà Nội, cũng có thể coi như cuốn sách đầu tiên mang tính chất "cẩm nang" về Hà Nội. Những yếu tố địa chí như đường thủy, đường bộ, chợ và những yếu tố văn hóa như phong tục tập quán, nghề truyền thống, đặc sản... được phản ánh một cách đầy đủ và khái quát. Sau này, một loạt những cuốn sách quý của ông về Hà Nội tiếp tục ra đời. Đó là kết quả của những tìm hiểu, nghiên cứu sâu kỹ về Hà Nội như "Ký sự địa chí Hà Nội", "Từ điển đường phố Hà Nội", "Hà Nội trong ca dao tục ngữ", "Văn hóa gia đình người Hà Nội"... Những công trình ấy cho thấy sự nghiên cứu toàn diện từ lịch sử, phong tục truyền thống đến văn hóa của Thủ đô. Lĩnh vực nào của văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong ông cũng hết sức uyên thâm. Giáo sư sử học Phan Huy Lê đánh giá: "Nhà nghiên cứu Giang Quân là người yêu Hà Nội bền bỉ và lặng lẽ".

Yêu và nặng lòng cùng Hà Nội nên ông cũng không khỏi chạnh lòng khi Hà Nội ngày nay không còn giữ được những nét thanh lịch như những ngày xưa cũ. Ông cho rằng, Hà Nội giờ đây chỉ còn 1/3 là người Hà Nội gốc, còn lại là người ngoại tỉnh nhập cư. Mỗi vùng quê đều có vẻ đẹp của vùng quê ấy, tuy nhiên, có nhiều người đến Hà Nội nhưng mang theo cả lối sống tùy tiện nên văn hóa Hà Nội cũng bị ảnh hưởng. Nó khiến tính hào hoa của người Hà Nội bị phai nhạt.

Dù không khỏi chạnh lòng khi ngoài ông và nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc thì vẫn chưa có người thứ 3 theo đuổi con đường này, nhưng ông vẫn tin tưởng: "Mong người Hà Nội ngày nay hãy sống và lao động bằng cách ứng xử thanh lịch của người Tràng An thì văn hóa Thăng Long - Hà Nội sẽ vẫn giữ được vẻ đẹp riêng của mình trong thời đại mới".

CẨM GIANG(tổng hợp)