Tiếp sức cho học sinh, sinh viên
Bạn đọc viết - Ngày đăng : 17:11, 25/12/2015
Nhiều chương trình được triển khai đã tiếp sức cho học sinh, sinh viên, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được đến trường. Điển hình như chương trình “Chắp cánh ước mơ, vượt sông hồ tìm chữ” - một trong những chương trình xã hội hóa được Hội Khuyến học Việt Nam thực hiện trong nhiều năm qua. Qua 5 năm thực hiện, chương trình đã hỗ trợ học bổng, xe lăn, xe đạp, đồ dùng học tập… cho hàng triệu học sinh, sinh viên trên toàn quốc. Trong nhiệm kỳ Đại hội IV Hội Khuyến học Việt Nam giai đoạn 2010-2015, số tiền vận động từ chương trình này đã góp phần giúp Quỹ "Hỗ trợ khuyến học" cả nước mỗi năm đạt trên 1.000 tỷ đồng. Hằng năm trong cả nước có tới 3,5 triệu học sinh, sinh viên nghèo được học bổng; hàng trăm nghìn học sinh giỏi đã được trao phần thưởng; hàng nghìn thầy cô giáo gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống được hỗ trợ một phần tài chính.
Để làm tốt việc phát triển khuyến học, khuyến tài ở các địa phương, việc xây dựng, phát triển, củng cố tổ chức hội các cấp đã được chăm lo chu đáo. Tổng số hội viên của hội đã lên tới 13 triệu người; trên 96% xã, phường, thị trấn trong cả nước có hội. Hằng năm có trên 15 triệu người tới học tại các Trung tâm học tập cộng đồng… Kể từ khi thành lập đến nay, Hội Khuyến học Việt Nam đã có nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực như xây dựng xã hội học tập, gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học… góp phần tạo sức mạnh toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.
Tuy nhiên, hiện nay có khoảng trống kiến thức giữa nhu cầu xã hội và học tập. Nhiều sinh viên ra trường chưa có việc làm bởi tiêu chuẩn về nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng nâng lên. Mỗi học sinh, sinh viên cần trở thành công dân mang tính toàn cầu, góp phần giúp nhà trường, xã hội phát triển thông qua việc lấp khoảng trống, phát triển nguồn nhân lực cho công cuộc phát triển và hội nhập quốc tế. Chuẩn giáo dục Việt Nam cần đạt chuẩn giáo dục của quốc tế. Cùng với đó, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng giãn ra, bên cạnh các trẻ em được chăm sóc chu đáo còn những em phải bỏ học do hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, nhiều em chưa bao giờ được cắp sách đến trường...
Do đó, những người làm công tác giáo dục cần nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, huy động sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, toàn xã hội giải quyết khoảng trống kiến thức giữa nhu cầu xã hội và học tập này nhằm xây dựng một xã hội học tập, tất cả trẻ em đều được hưởng quyền của mình, được cắp sách đến trường. Các cấp Hội Khuyến học cần tiếp tục phối hợp với các ngành, các cấp tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa tấm gương học tập, rèn luyện của Bác Hồ, tạo chuyển biến trong nhận thức, tư duy của từng gia đình, chính quyền các cấp trong việc đổi mới, hội nhập quốc tế; kịp thời phát hiện trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, gương người tốt, việc tốt trong học tập; tăng cường sự phối hợp giữa các cấp hội với chính quyền địa phương, tạo sự thành công trong giáo dục và đào tạo.
THANH HẰNG(TP Hải Dương)