Trong thầm thì "Cỏ thức"

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 13:42, 26/12/2015


Năm 2010, Vũ Trọng Thái cho ra mắt bạn đọc tập thơ đầu tay mang tên “Hương thảo nguyên”.

Năm năm sau, Vũ Trọng Thái mới tiếp tục chọn lựa, tập hợp và cho in “Cỏ thức”.

Ở tập thứ hai, với bước chuyển tiếp của thơ, bước lộ trình khai sâu vào khoảng sáng hồn mình, thơ Vũ Trọng Thái giống như dòng trôi êm xanh. Đến với thơ, với tình yêu ngọt lành, tha thiết, Vũ Trọng Thái dịu nhẹ đến khiêm nhường trong "Tự thức". Người thơ ấy chỉ dám nghĩ rằng: “Giữa ngàn cây đại thụ/ Tôi chỉ là cỏ thôi…”. Rồi, “Tôi xin làm ngọn cỏ/ Dịu êm bước chân người/ Chút mầm non, lộc biếc/ Thao thức dâng cho đời…".

Vâng. Thơ là thế. Từ nguồn say, nguồn nhu cầu lấp đầy khoảng trống nào đấy đang đốt lên ngọn lửa hồn mình. Vũ  Trọng  Thái hăm hở đi, hăm hở ngắm nhìn và viết.

Ở “Cỏ thức”, Vũ Trọng Thái đã vượt lên thơ ở mạch đi tự sự, dẫu vẫn ôm đồm một bức tranh ngoại giới, dẫu vẫn đắm say với thơ nhật trình, khi mô tả về “Một cô giáo trẻ” hay khi “Nhớ Biên Hòa”, một “Chiều Đồng Lộc”, “Trong nghĩa trang Điện Biên”, “Biển xanh này là của chúng ta”...

Ở “Cỏ thức”, thơ Vũ Trọng Thái đã bộc lộ mạnh hơn bước chuyển tiếp ở khả năng khái quát. Thơ được tái tạo, sáng tạo cao hơn ở thi liệu, ảnh hình. Thơ đẩy từ cái tĩnh để có được chút vọng vang, xa lắng.
Cũng giống như cái “kênh” Vũ Trọng Thái từng khơi mở, anh chầm chậm đi từ niềm yêu, niềm khát say, rung cảm. Vẫn đặt cược, vẫn “tựa” nhờ vào thế giới bên ngoài. Tựa vào “cái rộng”, nơi trực giác mà tạo nên va đập, tạo nên cái chớp sáng có được ở tâm tình, ở giãi bày, ở suy tư, biểu cảm, ở những bâng khuâng, run rẩy thế này:
Hàng xoan tơ bên đường mỏng mảnh/
Gió sang mùa, ngọn gió cũng chênh chao

Đấy là trước cảnh “Xuân đến”. Còn đây là trước “việc”, trước cái ta gọi là “nhất niệm” ở xứ “ba la mật”, ở hiện thực  “nhỡn tiền”:

“Giọng hò rơi bẫng thinh không/ Một người soi bóng thầm trông một người…”. Hoặc: “Thuyền trôi hay dòng nước trôi/ Để thuyền không bến, lẻ loi một dòng…”. Hoặc:  “Cả nghĩa trang trắng dưới trời xanh/ Sáu trăm bốn mươi bốn con người nằm đây yên nghỉ/ Chỉ có bốn dòng tên liệt sĩ/ Giữa những hàng bia trắng vô danh...".

Và đây nữa, việc và người đã nhập hòa trong ranh giới ngỡ chừng khó nhận biết giữa cảnh, tình và sự: "Chiều Nghĩa Lộ sương buông nhẹ nhẹ/ Núi nhớ ai tím đến thẫn thờ/ Ly rượu tình long lanh đáy mắt/  Say thật rồi, anh lạc cõi mơ”… Hoặc: “Lúc lỉu vườn thu hồng chín mọng/ Thềm rêu, ai lạnh gió heo may?!”… Và: “Bão gió đi qua, còn để lại: “Cây đổ, nhà xiêu, nước mênh mông/  Đi qua đời tôi, em để lại/  Cơn bão cô đơn giật nát lòng…”.

Rõ ràng, qua hướng ngoại, qua "cái rộng" như thế, Vũ Trọng Thái đã tiến gần tới chân trời mà ở đó là sức cô đặc, là những phát hiện, những kiến giải xa hơn. Nhờ băng vượt qua  “vòng bơi” mông lung,  lẫn mờ trước rất nhiều bóng hình, giọng điệu, ở "Cỏ thức", thơ Vũ Trọng Thái ấn tượng hơn, hay hơn ở những bài thơ, câu thơ được đẩy mạnh từ ngôn thi đến hình thi. Từ thi ảnh, thi liệu đến tâm thi có được. Và, ta hãy đọc những dòng này, anh viết: "Tìm em, em đã lấy chồng/Mình anh buổi ấy, đứng trồng bóng đơn...". Hoặc: "Cuộc đời dẫu lắm bể dâu/Vẫn còn đọng lại một màu tươi xanh...". Hoặc: “Cuộc đời như kiếp phù sinh/ Thương hoa bung kiệt sức mình trong đêm…”. Hoặc: “Hôn nhân không tình yêu/ Chỉ là hôn nhân chết…”. Hoặc: “Bây giờ em yên phận rồi/ Có người ngồi thả lá trôi sông buồn…”.

Quả tình ở “Cỏ thức”, Vũ Trọng Thái đã có bước chuyển tiếp dài, mới mẻ: Với thơ! Với chính mình. Với bậc thang hướng về nơi tỏa sáng của “vầng sáng thi ca” mà mỗi người cầm bút sáng tạo, hằng khát khao tiến về nơi bến đậu.

Đi từ cái rộng để tiếp tục mở ra cái rộng. Hay đi từ cái cụ thể, cái hẹp để có được cái rộng trong chiều sâu, trong ý tưởng người viết. Đấy là lối tìm của mỗi người trong cái gu, cái sở trường, sở đoản... Điều quan trọng là: cái riêng, cái hay trong cảm xúc, trong chiều sâu nhận biết vạn vật, trong hình ảnh, hình tượng thật cá thể hóa, thật điển hình hóa... để thơ thời được vĩnh cửu hóa thành thơ đời mãi ghim sâu nơi con tim người đọc.

Trước “quả núi” thi ca trước mặt, Vũ Trọng Thái làm ngọn “cỏ thức” giữa muôn vạn sắc màu.

Trước dư vang của biển, Vũ Trọng Thái có âm thanh hát từ nhỏ nhoi ngọn cỏ, từ tình yêu tươi xanh và chân thực hồn mình. Bạn đọc, hẳn quý yêu anh ở mạch nguồn anh mở!  

KIM CHUÔNG