Nỗi niềm công nhân ngày cuối năm

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 10:00, 30/12/2015

Sau một năm làm việc vất vả, họ luôn mong chờ nhận được những sự quan tâm, động viên bằng cả vật chất và tinh thần của chủ sử dụng lao động.



Cuối năm, công nhân ngành may phải khẩn trương hoàn tất các đơn hàng


Càng về cuối năm, công việc của những người công nhân trong các nhà máy càng bận rộn hơn. Bên cạnh việc phải cố gắng hoàn thành công việc công ty giao, họ vẫn đau đáu những nỗi niềm riêng.

Tăng ca, làm ngoài giờ

Phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) là địa bàn tập trung khá nhiều phòng trọ của công nhân. Thường ngày, vào các buổi chiều, không khí tại các xóm trọ luôn náo nhiệt. Tuy nhiên, khoảng 2 tháng trở lại đây, một số công ty phải tổ chức tăng ca cho kịp tiến độ xuất hàng nên các khu xóm trọ trở nên vắng vẻ. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Bộ ở xã An Đức (Ninh Giang) làm công nhân ở khu công nghiệp Đại An cho biết: "Vợ chồng tôi lên thành phố làm công nhân đã được 7 năm nay. Cứ vào dịp cuối năm, chúng tôi lại phải tranh thủ làm tăng ca để bảo đảm công việc của công ty và tăng thêm thu nhập. Gia đình có con nhỏ nên phải nhờ bà nội lên trông giúp. Đi làm từ sáng sớm, tối về nhà thì con đã ngủ. Vất vả nhưng hai vợ chồng tôi vẫn phải cố gắng".

Không chỉ làm việc tăng ca, nhiều công nhân còn tranh thủ kiếm thêm việc làm ngoài giờ. Đối với họ, cuối năm là thời điểm bận rộn nhất. Ai cũng cố gắng để chuẩn bị cho gia đình được đón Tết đủ đầy. Mặc dù chưa lập gia đình và không phải làm tăng ca như vợ chồng anh Bộ nhưng công việc của chị Trần Thị Loan quê huyện Tứ Kỳ cũng tất bật không kém. Chị Loan hiện là công nhân may 1 doanh nghiệp ở TP Hải Dương. Hằng ngày, sau giờ làm việc, chị và 2 người bạn cùng phòng trọ lại tranh thủ nhận tranh thêu về làm thêm. Trong căn phòng nhỏ chưa đầy 14m2 xếp chật ních khung và vải thêu. Vừa cặm cụi từng đường kim, mũi chỉ, chị Loan vừa nói: "Mấy năm nay, kinh tế khó khăn, một số công ty không đủ việc cho công nhân làm. Thu nhập một tháng của tôi được hơn 3 triệu đồng. Tiền lương ít ỏi nên chị em tôi bảo nhau nhận việc ở ngoài về làm để có  đồng ra, đồng vào. Có như vậy, chúng tôi mới đủ tiền lo cho gia đình ở quê và chuẩn bị cho ngày Tết sắp đến". 

Giống như gia đình anh Bộ và chị Loan, đông đảo công nhân từ nhiều miền quê đang làm việc tại các nhà máy trên địa bàn tỉnh luôn tất bật với công việc vào dịp cuối năm. Mỗi người một cảnh nhưng họ không ngừng cố gắng, cần mẫn để lo cho cuộc sống.

Thấp thỏm thưởng Tết

Chỉ còn hơn tháng nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng hiện nay đa số các doanh nghiệp vẫn chưa có thông báo thưởng Tết. Cả năm làm việc vất vả, tiền thưởng Tết có ý nghĩa quan trọng, là sự ghi nhận công sức lao động, nguồn động viên lớn đối với công nhân. Tuy nhiên, nhiều công nhân vẫn phải thấp thỏm, trông chờ. Chị Nguyễn Thị Huyền (28 tuổi) ở huyện Gia Lộc làm công nhân tại khu công nghiệp Nam Sách đã được 4 năm cho biết: "Thời điểm từ cuối năm đến Tết, giá cả các mặt hàng thường tăng cao. Ngoài khoản tiền lương ít ỏi, chúng tôi chỉ biết trông chờ vào khoản tiền thưởng Tết để lo cho gia đình. Gia đình có 4 người, 2 vợ chồng đều làm công nhân. Thu nhập một tháng được gần 10 triệu đồng chỉ đủ chi tiêu hằng ngày. Nếu không có khoản tiền thưởng thì chúng tôi lại phải chắt chiu, tiết kiệm lắm mới có tiền lo Tết".

Còn anh Đặng Việt Thành ở huyện Thanh Hà đang làm cơ khí trên thành phố cho biết: "Hằng năm, phải đến sát ngày nghỉ Tết, công ty mới thông báo về khoản tiền thưởng. Năm trước, tôi được thưởng hơn 2 triệu. Năm nay, công ty có nhiều việc hơn nên tôi hy vọng tiền thưởng sẽ cao hơn".

Do các đơn vị chưa có kế hoạch thưởng Tết nên đa số công nhân phải chuẩn bị sẵn kế hoạch chi tiêu của gia đình theo phương châm "thắt lưng, buộc bụng". Những công nhân đã có con cái thì còn lo hơn vì các cháu nhỏ cần nhiều khoản chi tiêu, chưa kể tiền thuê nhà và nhiều loại chi phí sinh hoạt khác. Nhiều cặp vợ chồng công nhân chỉ đủ trang trải cuộc sống mà không tiết kiệm được đồng nào. Mức thưởng Tết từ 4-5 triệu đồng của mỗi cặp vợ chồng công nhân tuy không nhỏ nhưng nhẩm tính sơ sơ tiền xe về quê, mua quần áo mới cho các con, quà cáp cho hai bên gia đình… cũng đã gần hết.

Cũng như những người làm công việc khác, dịp cuối năm là thời gian bận rộn của những người công nhân. Sau một năm làm việc vất vả, họ luôn mong chờ nhận được những sự quan tâm, động viên bằng cả vật chất và tinh thần của chủ sử dụng lao động. Điều đó sẽ giúp họ gắn bó hơn với công việc và yên tâm lao động sản xuất.

ĐỨC TÂM