Thiệt thòi trường mầm non phân tán

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 18:51, 01/01/2016

Thiếu đồ dùng, đồ chơi, khó quản lý, ảnh hưởng tới chất lượng nuôi dạy trẻ là những khó khăn mà các điểm trường mầm non phải đối mặt trong nhiều năm qua.




Học sinh ở điểm Trường Mầm non Toàn Thắng rất ít khi được hoạt động bên ngoài lớp học


Thiếu thốn đủ bề

Sáng sớm trước giờ đón trẻ, các giáo viên Trường Mầm non Toàn Thắng (Gia Lộc) đã có mặt ở điểm trường chính để san đống đá ra con đường dẫn từ đường lớn vào trường. Cô giáo Nguyễn Thị Mai, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Phải tranh thủ làm lúc trời tạnh ráo, mấy hôm nữa mưa rét đường vào trường đỡ lầy lội, phụ huynh và các con đỡ khổ. Có điểm trường chính như thế này là mơ ước của giáo viên bao nhiêu năm đấy”. Tôi ngắm nhìn “niềm mơ ước” của các cô giáo ở đây mà không khỏi ngậm ngùi. Dãy nhà cấp 4 vốn là hội trường của UBND xã Toàn Thắng đã cũ nát, xuống cấp được nhường cho trường mầm non sử dụng sau khi xã xây trụ sở mới. Trường đã cải tạo thành 4 phòng học, 1 phòng hội đồng, có bếp, công trình vệ sinh và nước sạch nhưng chưa có tường bao, sân chơi cho trẻ, đường dẫn vào trường lầy lội. Nhưng có điểm trường chính này, trường mới gom được toàn bộ trẻ 5 tuổi về một chỗ và giảm từ 9 điểm trường xuống còn 4 điểm trường.

Điểm trường chính khó khăn như vậy, các điểm trường lẻ của Trường Mầm non Toàn Thắng còn đơn sơ hơn nhiều. Tất cả đều xây dựng từ rất lâu, mới nhất cũng đã cách đây 20 năm, không có khu vui chơi ngoài trời, không có nhà vệ sinh tự hoại. Thậm chí có điểm trường mượn nhờ nhà văn hóa thôn còn không có nhà vệ sinh. Cô giáo Mai Thị Dung, giáo viên dạy ở điểm trường này kể: “Hôm nào tôi cũng phải dẫn các cháu sang những nhà gần điểm trường để… đi vệ sinh nhờ. Phải lựa, phải khéo lắm đấy nhưng có hôm người dân không hài lòng lắm đâu. Không trách họ được vì 14 cháu xếp hàng vào nhà thì cũng phiền thật”.

Thiếu thốn về đồ dùng, đồ chơi, sân chơi ngoài trời cho trẻ là tình trạng chung của các điểm trường mầm non. Mỗi trường mầm non chỉ được đầu tư một số tiền nhất định cho cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học. Nếu chỉ có 1-2 điểm thì việc đầu tư được tập trung, còn khi có nhiều điểm trường thì số tiền phải chia ra, không còn đáng kể. Cô giáo Hứa Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Kim Lương (Kim Thành) trăn trở: “Trường chúng tôi có 4 điểm trường, mỗi điểm chỉ cần trang bị 4 xích đu, 4 nhà bóng là đã mất một số tiền rất lớn mà nhìn vào vẫn thấy sơ sài. Các điểm trường đều cũ kỹ, xuống cấp, năm nào cũng phải tu sửa nên không thể đầu tư mua sắm đồ dùng, đồ chơi nhiều”. Đồ dùng học tập trong lớp cho trẻ cũng vậy. Khi mỗi điểm trường chỉ có 1- 2 lớp, mỗi lớp chỉ có hơn 10 học sinh như ở Trường Mầm non Toàn Thắng thì nhà trường không thể mua sắm nhiều vì quá dàn trải. Có những năm trường được cấp trên đầu tư đồ chơi ngoài trời nhưng không dám nhận vì ở các điểm trường không có ai trông coi, dễ bị mất trộm, hư hỏng.

Các trường mầm non bây giờ đều đã tổ chức bếp ăn bán trú và đây cũng là khâu vất vả khi có các điểm trường. Do có một bếp ăn ở điểm chính nên gần đến giờ ăn, các giáo viên và nhân viên nhà bếp của Trường Mầm non Kim Lương phải chia sẵn từng suất vào hộp nhựa rồi mang đến các điểm trường cho trẻ. Trường Mầm non Toàn Thắng tổ chức 2 bếp ăn ở 2 điểm và cũng chia cơm để mang tới các điểm không có bếp. Những năm học trước còn dùng bếp than, năm học này nhà trường đã sắm bếp ga, nồi cơm điện nên cô nuôi đỡ vất vả, chất lượng bữa ăn cũng được cải thiện. Khi có nhiều bếp ăn, chi phí để duy trì cao hơn, giáo viên lại vất vả trong khâu cân đối thực phẩm, dinh dưỡng cho các cháu.

Ảnh hưởng chất lượng



Phòng học nhỏ hẹp khiến giáo viên mầm non khó tổ chức các hoạt động cho trẻ


Thiếu thốn cơ sở vật chất khiến giáo viên mầm non vất vả hơn và chất lượng nuôi dạy trẻ ít nhiều bị ảnh hưởng. Đa phần các điểm trường mầm non là do các thôn, đội sản xuất tự xây dựng hoặc cải tạo từ các nhà kho cũ cách đây hàng chục năm nên không phù hợp với yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non hiện tại. Cô giáo Nguyễn Thị Luyến có thâm niên 20 năm trông dạy trẻ ở các điểm của Trường Mầm non Phạm Trấn (Gia Lộc) cho biết: “Sân chơi ngoài trời hẹp không để được các loại đồ chơi ngoài trời, cũng không đủ diện tích cho các cháu chơi nhiều trò chơi. Diện tích phòng học nhỏ cũng gây khó khăn trong tổ chức nhiều bài học. Giáo viên chúng tôi phải xoay xở đủ cách để thực hiện đầy đủ yêu cầu các bài học trong chương trình”. Trẻ ở các điểm trường không có nhiều bạn để giao lưu, không được tham gia nhiều hoạt động tập thể nên rụt rè, nhút nhát hơn ở các trường lớn.

Trường có nhiều điểm cũng khiến khâu quản lý khó khăn. Hằng ngày, cô giáo Hoàng Thị Liên, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường Mầm non Phạm Trấn đều phải đi tới các điểm trường để kiểm tra. “Mỗi điểm chỉ có 1-2 lớp học, một vài giáo viên nên không khí thi đua kém. Không có hội trường, sân đủ rộng nên trường cũng không thể tổ chức được các hoạt động cần tập trung đông người. Cũng do quá thiếu thốn cơ sở vật chất nên gần 10 năm nay trường không được nhận danh hiệu thi đua gì dù chúng tôi đã rất cố gắng”, cô Liên ngậm ngùi nói. Cô Hứa Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Kim Lương thì ưu tư: “Với cơ sở vật chất như thế này, không giảm được điểm trường thì chúng tôi không bao giờ dám mơ tới việc trường đạt chuẩn quốc gia”.

Tình trạng trường mầm non có nhiều điểm hiện còn phổ biến trong tỉnh. Tính đến đầu năm học này, toàn tỉnh có 722 điểm trường mầm non của 323 trường, trung bình mỗi trường có 2,23 điểm trường. Đa số các điểm trường là phòng học bán kiên cố, học nhờ nên số lượng các phòng học loại này lên tới 726 phòng. Thiếu thốn cơ sở vật chất khiến cả giáo viên và học sinh đều thiệt thòi, do đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường khi quy hoạch xây dựng mới không được có quá 3 điểm trường. Song đối với nhiều trường chưa được quy hoạch xây dựng mới thì tăng cường cơ sở vật chất gắn với nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ trong tình trạng phải chia sẻ nguồn lực ra nhiều điểm vẫn là "bài toán khó" chưa có lời giải đáp.

VIỆT  HÒA