Bi kịch chiều con thái quá
Đời sống - Ngày đăng : 13:28, 02/01/2016
Chồng công tác xa nhà, cả tháng mới về một hai lần nên mình chị Thúy đảm nhận việc nuôi dạy con cái.
Anh chị sinh được hai cậu con trai, đứa lớn cách đứa bé gần chục năm. Ai cũng nghĩ chị đẻ thưa như vậy thì đứa lớn sẽ biết trông em, giúp mẹ nhưng chỉ cần chị nhãng mắt ra một chút là hai anh em sẽ trêu nhau, tranh giành nhau, thậm chí chí chóe rồi đánh nhau, khóc lóc ầm ĩ. Mọi người khuyên chị phải nghiêm khắc, cứng rắn ngay từ khi các con còn nhỏ nhưng chị bỏ ngoài tai. Chị có cách nuông chiều con mà ai biết cũng phải ngạc nhiên.
Để các con ngồi yên khi chị làm việc nhà, cơm nước, chị mở ti vi cho hai đứa xem thoải mái. Thằng lớn thì “nghiện” phim hoạt hình nên nó xem cả ngày cũng không chán. Thằng bé cũng thích thú không kém, bữa ăn nào chị cũng phải để nó dán mắt vào tivi thì nó mới chịu há miệng ra cho chị đút. Đến khi được hai tuổi mà nó vẫn ú a ú ớ khiến vợ chồng chị hoảng hốt, vội đưa đi khám. Bác sĩ cảnh báo nếu không “cai” ti vi ngay lập tức thì nó có thể mắc bệnh tự kỷ. Cũng may, anh chị phát hiện kịp thời nên thằng bé chỉ chậm nói thôi.
Hằng ngày, các con thích ăn món gì chị Thúy đều chiều theo “yêu sách” của chúng. Dù đắt tiền đến mấy chị cũng mua bằng được cho con. Cái cách chị chiều con khiến thằng lớn lúc nào cũng dương dương tự đắc với bạn bè rằng nhà mình giàu, nhà mình có điều kiện, nhà mình chẳng thiếu thứ gì. Những năm các con phải ăn bán trú ở trường, hầu như hôm nào chị cũng làm thêm đồ ăn để con mang theo hoặc buổi trưa chị tranh thủ mang đồ ăn đến trường cho con bởi chị lo đồ ăn ở trường không hợp khẩu vị của con. Bạn bè nhìn con chị bằng con mắt ghen tị, đứa nào cũng nghĩ nhà chị thực sự là “đại gia”.
Chồng chị Thúy còn chiều con hơn. Anh nghĩ mình ít về nhà, xa con nên cứ gần con được ngày nào là anh tìm cách “bù đắp”. Anh đưa hai con đi chơi khắp nơi, hỏi chúng thích gì là anh mua liền. Anh có thể vét đến đồng tiền cuối cùng trong ví để mua đồ chơi cho con. Nhưng chỉ dăm bữa nửa tháng là chúng vứt hết những đồ chơi đắt tiền ấy ra sọt rác. Anh còn dặn vợ không được để các con thiếu thốn.
Đến khi thằng lớn vào cấp ba mà vẫn chưa biết cầm cái chổi quét nhà, chưa cắm nổi nồi cơm điện, ông bà nội - ngoại của nó góp ý thì chị gạt đi: “Nó còn bận học, đàn ông con trai cần gì phải làm mấy việc lặt vặt ấy”. Thế là mọi việc đều đổ lên đầu chị. Đồng nghiệp có người thương chị, nhắc khéo: “Giá đứa con đầu lòng là gái có lẽ nó đỡ đần được khối việc rồi ấy chứ”.
Từ hôm bố chồng ốm, chị Thúy cho thằng lớn sang ngủ nhà ông bà nội để giúp bà trông nom ông. Đêm hôm có vấn đề gì thì nó sẽ báo cho chị kẻo hai ông bà già lại lúng ta lúng túng. Được ba đêm thì mẹ chồng chị kêu mất tiền. Tất cả số tiền lương hưu của hai ông bà mới lĩnh từ bưu điện về để dưới đầu giường đã “không cánh mà bay”. Chị Thúy tự ái, chị nghĩ ông bà đổ cho con chị lấy trộm chứ bố chồng chị ốm, thiếu gì người ra người vào. Nhìn cái bản mặt “vô tội” của con, chị đùng đùng nổi giận, cấm con không được sang nhà ông bà nội nữa. Mẹ chồng chị cứ sụt sịt khóc mãi, tiếc tiền thì ít mà buồn vì con cháu giận thì nhiều. Bố chồng chị lại ốm nặng thêm. Ông thều thào với bà: “Mất tiền thì lại làm ra tiền nhưng nó mà hư hỏng thật thì biết làm sao?”
Đùng một cái, công an bắt được một nhóm thanh niên đang sử dụng ma túy trong đó có con trai lớn của chị Thúy. Chị vẫn không tin, chị nghĩ con chị chỉ bị bọn xấu rủ rê lôi kéo chứ nó làm sao mà dám hút với chích. Đến khi có kết quả xét nghiệm, chị mới bàng hoàng. Hóa ra con chị sử dụng ma túy gần một năm nay mà chị không hề hay biết. Nó cứ xin tiền đều đặn để học thêm, tiền ăn sáng, tiền mua quà sinh nhật bạn… Chị chỉ biết rút tiền cho con mà không mảy may nghi ngờ. Nhiều lần bắt gặp con ngồi học mà cứ ngáp ngắn ngáp dài chị càng thương con vì cứ tưởng con học hành vất vả nên thèm ngủ. Để “bồi dưỡng” cho con, chị lại cho nó tiền để nó ra ngoài “thích ăn gì thì ăn”. Chị đâu ngờ chính mình đã tiếp tay cho sự hư hỏng của con.
Bây giờ thì chị Thúy suy sụp hẳn, chị gọi chồng về để bàn cách cai nghiện cho con. Không được hút nữa, nó lên cơn quằn quại. Vợ chồng chị phải nhốt con trong phòng, xích tay, xích chân. Nghe tiếng kêu gào của nó, ruột gan chị như bị xé ra từng mảnh. Chị nghĩ đến thằng con thứ hai nhất định chị phải thay đổi cách nuôi dạy để không lặp lại bi kịch này.
TRẦN THỊ LÀNH