Người khơi nguồn cho nền dân chủ hiện đại Việt Nam

Tin tức - Ngày đăng : 07:00, 05/01/2016

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khơi nguồn cho một nền dân chủ hiện đại Việt Nam qua chế độ Tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu để bầu QH, HĐND các cấp suốt 70 năm qua.




Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I,
ngày 6-1-1946


Ngay sau ngày lễ độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3-9-1945, các thành viên Chính phủ đã thống nhất với đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh 6 việc cấp bách cần làm ngay là: phát động tăng gia sản xuất, mở các cuộc lạc quyên để chống nạn đói; mở phong trào chống nạn mù chữ; tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, thực hiện các quyền tự do dân chủ cho nhân dân; mở phong trào giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, bài trừ các tệ nạn do chế độ thực dân để lại; xóa bỏ các thứ thuế vô lý, trước mắt là thuế thân, thuế chợ, thuế đò; tuyệt đối cấm hút thuốc phiện; tuyên bố tự do tín ngưỡng và lương giáo đoàn kết.

Trong 6 việc cấp bách cần làm ngay đó, việc đối nội đầu tiên của Chính phủ lâm thời là chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhằm bảo đảm cho sự hợp pháp, hợp hiến của nhà nước. Bởi vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo, giao cho Mặt trận Việt Minh thực hiện công tác hiệp thương chuẩn bị Tổng tuyển cử trong cả nước, với sự tham gia của các tổ chức đảng phái chính trị, các giai cấp, tầng lớp nhân dân. Coi đây là cuộc tuyên truyền, vận động, giáo dục và tổ chức quần chúng rộng lớn, thực hiện đại đoàn kết toàn  dân tộc, đồng thời khẳng định và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tổ chức ra cơ quan nhà nước đại diện cho mình. Trong quá trình đó cũng diễn ra sự đấu tranh, nhân nhượng, hòa giải với các lực lượng chính trị đối lập.

Ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu để phát huy quyền làm chủ của mình, tự do lựa chọn và bầu ra những đại biểu xứng đáng thay mặt cho toàn dân. Trong lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Việc đi bầu cử của quốc dân đồng bào sẽ cho thế giới thấy dân tộc Việt Nam đã "kiên quyết đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết chống bọn thực dân, kiên quyết tranh quyền độc lập". Ngày 6-1-1946, Chính phủ Liên hiệp lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương đã tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử trên toàn quốc, lần đầu tiên nhân dân được cầm lá phiếu trực tiếp bầu đại biểu Quốc hội. Cuộc Tổng tuyển cử diễn ra trên cả nước. Nhiều địa phương, nhất là ở Nam Bộ, cuộc bầu cử đã diễn ra dưới bom đạn của quân Pháp, nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ Tổng tuyển cử. Mặc dù bị nhiều đảng phái tuyên truyền vận động dân chúng tẩy chay cuộc bầu cử và ngăn cản việc tổ chức bầu cử ở một số nơi, nhưng tại các địa phương nhân dân đã tin tưởng, phấn khởi nô nức đi bầu cử, thực hiện quyền chủ nhân đất nước độc lập của mình. Ở đâu cũng có người tự ứng cử, được nhân dân đề cử, các cuộc tiếp xúc tranh cử  diễn ra công khai, tự do, dân chủ ở khắp mọi nơi.

Cuộc Tổng tuyển cử đã được toàn dân tham gia rộng rãi với 90% tổng số cử tri đi bỏ phiếu,  đã bầu được 333 đại biểu Quốc hội, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái dân chủ khác nhau, 43% đại biểu không đảng phái (87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu các dân tộc ít người). Nhiều đại biểu có uy tín của các giai cấp, tầng lớp, tôn giáo, dân tộc trúng cử tại Quốc hội khóa I chưa là đảng viên. Đây là cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên diễn ra công khai, công bằng, dân chủ, nhân dân thực sự là chủ nhân của đất nước. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã nâng cao uy tín của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trên trường quốc tế, là dịp để giáo dục lòng yêu nước, ý thức làm chủ và nghĩa vụ của công dân một nước độc lập.

Ngày 2-3-1946, Quốc hội đã họp Kỳ thứ nhất tại Nhà hát lớn Hà Nội, do ông Ngô Tử Hạ, đại biểu cao tuổi nhất làm Chủ tịch kỳ họp. Ngay đầu phiên họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thuyết phục các đại biểu và Quốc hội đã biểu quyết tán thành đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh là mở rộng thêm 70 đại biểu Quốc hội cho đại diện của đảng Việt Quốc, Việt Cách tham gia không thông qua bầu cử. Nhằm tăng thêm sự liên hiệp quốc dân trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đồng thời cho hai đảng phái đó tham gia vào Quốc hội để họ phải cộng đồng trách nhiệm, hạn chế sự chống phá của họ đối với cách mạng. Cần nói thêm đây là hai đảng phái người Việt ở Trung Hoa dân quốc nhưng theo chân quân Tưởng Giới Thạch về nước với ý đồ lật đổ chính quyền cách mạng, tiêu diệt Đảng Cộng sản Đông Dương, xóa bỏ thành quả Cách mạng Tháng Tám của dân tộc ta. Tại kỳ họp này Quốc hội đã quyết định thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến, bầu Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ tịch, đồng thời giao cho Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập Chính phủ mới.

Với vai trò là lãnh tụ của dân tộc, linh hồn của cuộc cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những khó khăn thử thách trong tình thế “như ngàn cân treo sợi tóc”. Bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chính quyền cách mạng bằng nhiều chủ trương, biện pháp, đặc biệt là việc thực hiện củng cố, tổ chức hệ thống chính quyền cách mạng. Với trí tuệ uyên thâm, tầm văn hóa đông tây kim cổ và sự linh hoạt, nhạy bén về chính trị, sự dạn dày kinh nghiệm của nhà cách mạng chuyên nghiệp, Người đã lãnh đạo tổ chức Tổng tuyển cử  bầu cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất theo chế độ phổ thông đầu phiếu để tất cả mọi người dân trực tiếp bầu ra đại biểu Quốc hội, đã mở đầu xây dựng một cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất dân chủ, hiện đại ở nước ta. Là người đặt nền tảng tư tưởng và xác lập nền tảng pháp lý cho việc ra đời, tồn tại, phát triển của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nền độc lập và chế độ dân chủ nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là người khơi nguồn cho một nền dân chủ hiện đại Việt Nam qua chế độ Tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu để bầu Quốc hội, HĐND các cấp suốt 70 năm qua.

ĐẶNG ĐÌNH CHIẾN(Trường Chính trị Hải Dương)