Củng cố, phát triển lực lượng lãnh đạo toàn dân chống đế quốc, chống chiến tranh
Tin tức - Ngày đăng : 10:42, 08/01/2016
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Đảng đề ra nhiệm vụ củng cố, phát triển lực lượng lãnh đạo toàn dân chống đế quốc, chống chiến tranh.
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930
Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ ngày 3 đến ngày 7-2-1930 tại Cửu Long, gần Hương Cảng (Trung Quốc) mang tầm vóc lịch sử của Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng, vạch ra đường lối giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội của cách mạng Việt Nam.
Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng họp tại Hương Cảng, Trung Quốc (từ ngày 14 đến ngày 31-10-1930), quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương, thông qua Luận cương Chính trị, các Nghị quyết quan trọng về nhiệm vụ cần kíp vận động các đối tượng quần chúng cụ thể. Hội nghị đã bầu ra BCH Trung ương chính thức của Đảng do đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư.
Ngay sau khi thành lập, Đảng đã lãnh đạo phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc giành những thắng lợi, mà đỉnh cao là cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), khẳng định đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng. Sau đó, thực dân Pháp xâm lược thẳng tay đàn áp, khủng bố phong trào yêu nước. Tổng Bí thư Trần Phú và nhiều người cộng sản bị bắt và đã anh dũng hy sinh. Cơ quan đầu não của Đảng không còn. Theo chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, Ban chỉ huy ở nước ngoài (Ban Hải ngoại) của Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập đầu năm 1934, do đồng chí Lê Hồng Phong làm Thư ký (Bí thư). Ban Hải ngoại giữ vai trò lãnh đạo và tổ chức lại cơ quan Trung ương của Đảng. Vượt qua cuộc khủng bố trắng ác liệt, Đảng ta và các phong trào cách mạng, các cơ sở quần chúng vẫn tồn tại, phát triển rộng khắp. Đồng chí Lê Hồng Phong, Ủy viên BCH Quốc tế Cộng sản, cùng các đồng chí lãnh đạo trong nước tổ chức khôi phục phong trào, tổ chức của Đảng và chuẩn bị Đại hội.
Đại hội lần thứ I của Đảng diễn ra từ ngày 27 đến 31-3-1935, tại Ma Cao (Trung Quốc), với sự tham gia của 13 đại biểu thuộc các đảng bộ trong nước và tổ chức của Đảng hoạt động ở nước ngoài, do đồng chí Hà Huy Tập chủ trì. Đại hội đánh giá việc khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng và phong trào đấu tranh của quần chúng, đồng thời đề ra 3 nhiệm vụ: Củng cố và phát triển Đảng, đẩy mạnh cuộc vận động quần chúng và mở rộng tuyên truyền chống đế quốc, chống chiến tranh.
Đại hội bầu BCH Trung ương Đảng, gồm 13 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc được cử làm đại diện của Đảng bên cạnh Quốc tế Cộng sản. Đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Đại hội Đại biểu lần thứ I của Đảng là một sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu thắng lợi căn bản của cuộc đấu tranh giữ gìn và khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến cơ sở.
Tháng 7-1936, Hội nghị BCH Trung ương họp ở Thượng Hải (Trung Quốc) để xác định chủ trương mới của Đảng về các vấn đề chiến lược và sách lược cách mạng ở Đông Dương. Hội nghị cử đồng chí Hà Huy Tập giữ chức Tổng Bí thư.
Tháng 3-1938, BCH Trung ương Đảng họp quyết định mở rộng hơn nữa Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương. Tại hội nghị này, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, sau đó được bầu làm Tổng Bí thư.
Tháng 11-1939, BCH Trung ương họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ quyết định điều chỉnh sự chỉ đạo chiến lược của cách mạng Đông Dương cho phù hợp hoàn cảnh mới. Từ đó, phong trào đấu tranh cách mạng trong cả nước diễn ra sôi nổi, báo hiệu cuộc Tổng khởi nghĩa toàn quốc của nhân dân ta sẽ nổ ra.
Theo TTXVN