Đảng lãnh đạo toàn dân kháng chiến, kiến quốc
Tin tức - Ngày đăng : 18:45, 09/01/2016
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II diễn ra từ ngày 11 đến 19-2-1951 tại xã Vinh Quang, Chiêm Hóa (Tuyên Quang)
Dân tộc ta, chế độ ta đứng trước những thách thức cực kỳ hiểm nghèo: Quân Tưởng tràn vào miền Bắc kéo theo các đảng phái phản động. Được sự che chở của quân Anh, quân đội Pháp quay trở lại đánh chiếm miền Nam, với mục đích chung là bóp chết Nhà nước công nông đầu tiên còn non trẻ ở Đông Nam Á. Cùng lúc đất nước phải đối mặt với 3 khó khăn, thù trong giặc ngoài và hậu quả 80 năm dưới ách đô hộ áp bức, bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến mà nặng nề nhất là nạn đói năm 1945 làm hơn 2 triệu người chết.
Trước thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung lãnh đạo kháng chiến, khôn khéo loại dần những kẻ thù, tranh thủ thời gian để chuẩn bị điều kiện và lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài. Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, động viên toàn dân tăng gia sản xuất; tổ chức cuộc Tổng tuyển cử, bầu Quốc hội khóa I, thành lập Chính phủ và ban hành Hiến pháp năm 1946. Để bảo vệ hòa bình, độc lập của dân tộc, chúng ta kiên trì đàm phán, thương lượng với thực dân Pháp. Song bọn thực dân quyết xâm lược nước ta một lần nữa. Chúng gây hấn ở Lạng Sơn, Hải Phòng rồi tiến đánh Hà Nội. Càng nhân nhượng, chúng càng lấn tới, buộc dân tộc ta phải cầm súng chiến đấu. Từ ngày 18 đến 19-12-1946, tại làng Vạn Phúc, thị xã Hà Đông (Hà Tây, nay là Hà Nội), Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng nêu quyết tâm tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ngay hôm đó 19-12, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến với quyết tâm: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Ngay sau đó, ngày 22-12, Đảng ta ra Chỉ thị toàn dân kháng chiến. Năm 1947, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh viết tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi” xác định đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và dựa vào sức mình là chính. Các nghị quyết hội nghị Trung ương và Hội nghị quân sự toàn quốc do Trung ương tổ chức đã từng bước hoàn chỉnh đường lối kháng chiến của Đảng. Sau chiến thắng thu - đông năm 1947 và chiến dịch Biên giới năm 1950, thế và lực của cuộc chiến tranh nhân dân phát triển vượt bậc. Để tiếp tục phát triển đường lối kháng chiến, kiến quốc, Trung ương Đảng quyết định triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng.
Đại hội họp tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang từ ngày 11 đến 19-2-1951, với sự tham gia của 158 đại biểu chính thức, 53 đại biểu dự khuyết thay mặt cho hơn 760.000 đảng viên. Đến dự đại hội còn có đại biểu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Thái Lan.
Đại hội đã nghe đồng chí Hồ Chí Minh trình bày Báo cáo chính trị; đồng chí Trường Chinh trình bày Báo cáo bàn về Cách mạng Việt Nam; đồng chí Lê Văn Lương trình bày Báo cáo về tổ chức và Điều lệ Đảng... Đại hội đã quyết nghị đưa Đảng ra hoạt động công khai với tên gọi mới là Đảng Lao động Việt Nam, thông qua Chính cương, Tuyên ngôn và Điều lệ mới của Đảng. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 19 ủy viên chính thức và 10 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Trường Chinh được bầu lại làm Tổng Bí thư.
Đại hội lần thứ II của Đảng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của Đảng ta, đồng thời chuẩn bị mọi điều kiện để đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn.
Theo TTXVN