Nông dân Kinh Môn lao đao vì vụ đông ấm

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:30, 10/01/2016

Nông dân Kinh Môn lao đao vì thời tiết vụ đông năm nay ấm hơn mọi năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng.



Nắng ấm kéo dài khiến nông dân Bãi Mạc phải bán chuối Tết sớm hơn so với dự kiến


Kinh Môn là một trong những địa phương có diện tích cây vụ đông lớn của tỉnh. Năm nay, thời tiết vụ đông ấm hơn một năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng khiến nông dân nơi đây lo lắng.

Năng suất cây trồng giảm


Thời tiết bất thuận ngay từ đầu vụ đã khiến 25% diện tích hành (tương đương với 88 ha) ở xã Lê Ninh bị sâu bệnh nặng. Cây hành bị khô đầu lá, nhiều khóm thấp, củ nhỏ. Chị Nguyễn Thị Hằng ở thôn Lê Xá than thở: “Nhà tôi trồng 1 mẫu hành nhưng đến thời điểm này chỉ có 2 sào có thể cho thu hoạch như mong muốn. Lúc này hành đang trong giai đoạn "xuống củ" nhưng thời tiết nắng ấm kéo dài, có sương mù, đặc biệt là có gió đông như mấy ngày nay thì hành càng phát triển kém. Nếu trời tiếp tục ấm thì 8 sào hành còn lại năng suất sẽ thấp hoặc phải bán tươi với giá rẻ (chỉ khoảng 2.000 đồng/kg). Chúng tôi sắp phải thu hoạch hành để gieo cấy lúa xuân nhưng hành phát triển quá chậm không biết có kịp bán".

Những người có kinh nghiệm trồng sắn dây ở các xã An Phụ, Thượng Quận cũng nhận thấy vụ đông ấm đã ảnh hưởng rõ rệt tới việc xuống củ của loại cây này. Cây sắn dây rất thích hợp với tiết trời hanh khô nhưng vụ đông năm nay số ngày hanh khô rất ít, chủ yếu nắng ấm và gió đông. Lẽ ra đến thời điểm này, lá sắn dây đã chuyển màu nhạt hơn, các ụ đất bắt đầu có những vết nứt nhỏ. Nhưng đến nay, những dấu hiệu này vẫn chưa xuất hiện. Trời ít hanh khô sẽ khiến củ sắn nhỏ, lượng bột không nhiều như mọi năm. Nhiều khả năng, đến khi thu hoạch năng suất chỉ đạt khoảng 40-50 kg/gốc so với các năm trước, mỗi gốc giảm từ 20-30 kg.

Nông dân ở thôn Bãi Mạc, xã Thượng Quận cũng lo chuối bị già và chín sớm, không để được đến Tết. Bà Nguyễn Thị Giang có 350 buồng chuối dự kiến bán đúng vào dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, trời liên tục nắng ấm khiến chuối đã đẫy quả. Nếu đợi đến Tết, bà Giang sẽ bán được từ 400.000 - 700.000 đồng/buồng, nhưng nay chuối đã già, nhiều buồng đã chín bà đã phải bán chuối với giá từ 80.000 - 100.000 đồng/buồng. Bà Giang cho biết: “Năm nay thời tiết thất thường, nếu nắng ấm kéo dài tôi sẽ tiếp tục phải bán thêm 30-40 buồng chuối nữa với giá thấp". Người dân thôn Bãi Mạc trồng gần 40 ha trồng chuối Tết. Trên 30% số buồng chuối ở đây phải bán sớm so với dự tính.

Chủ động phòng trừ sâu bệnh

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kinh Môn, toàn huyện gieo trồng 4.160 ha cây vụ đông, trong đó có 3.460 ha hành, tỏi, 300 ha sắn dây, còn lại là các loại rau màu khác. Năm nay, thời tiết ấm kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của cây vụ đông, nhất là những cây chủ lực như hành, tỏi. Nhiệt độ phù hợp nhất đối với cây trồng này (phát triển thuận lợi) từ 17-22 độ C. Tuy nhiên năm nay, nhiệt độ trung bình hầu như trên 25 độ C. Do trời ấm nên toàn huyện có khoảng 120 ha hành, tỏi bị sâu bệnh, tập trung ở xã Lê Ninh và Quang Trung. Cây hành thường bị bệnh héo rũ, lở cổ rễ, khô đầu lá, ngoài ra còn có dòi đục lá, sâu xanh, sâu khoang, bọ trĩ gây hại rải rác.

Theo cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, trước những bất lợi do thời tiết mang lại, nông dân cần bón phân cân đối để cây có bộ rễ khỏe, hấp thu tối đa chất dinh dưỡng. Khi hành "xuống củ" tuyệt đối không được bón phân đạm mà tăng lượng phân kali cho hành vào chắc. Bên cạnh đó, bà con cũng cần chú ý sử dụng các loại chế phẩm sinh học, phân vi sinh, phân bón lá cho các cây vụ đông khác.

Ngoài ra, nông dân phải thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện, phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Giai đoạn từ nay đến cuối vụ, trên cây hành, tỏi dễ mắc một số bệnh: cháy đầu lá, héo rũ, bệnh thối nhũn vi khuẩn, lở cổ rễ, thán thư, mốc xám, sương mai... Bà con nên dùng một số thuốc để phun phòng trừ như: Antracon 70 WP, Nativo 750 WG, Score 75WP, Ridomil 72 WP. Nếu ruộng hành đọng nước hoặc trời có sương cần tưới hoặc phun rửa sương vào buổi sáng, chú ý phun thuốc vào lúc lá hành khô ráo mới đạt hiệu quả cao.

Thực tế cho thấy các biện pháp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh chủ yếu tập trung vào cây hành, tỏi, một số loại cây trồng khác như sắn dây và chuối Tết chưa được nông dân quan tâm thỏa đáng. Khi trồng những loại cây này, bà con nông dân thường không được hướng dẫn về các quy trình chăm sóc mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Do đó, các cơ quan chuyên môn của huyện cần mở các lớp chuyển giao khoa học-kỹ thuật, hướng dẫn nông dân quy trình chăm sóc những cây trồng này mang lại hiệu quả cao để mở rộng diện tích trong thời gian tới.

PV