Mối lo bãi rác nông thôn
Môi trường - Ngày đăng : 08:32, 10/01/2016
Lượng rác ngày càng lớn khiến nhiều bãi rác thải khu vực nông thôn trở thành điểm gây ô nhiễm môi trường.
Thiếu kinh phí, chôn lấp thủ công, địa điểm quá gần khu dân cư trong khi lượng rác ngày càng lớn khiến nhiều bãi rác thải khu vực nông thôn trở thành điểm gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.
Những bãi rác "xông" người
Bãi rác thôn La Xá, xã Dân Chủ (Tứ Kỳ) nằm ngay trước cửa chùa Trúc Lâm, xã Hoàng Diệu (Gia Lộc)
Ngay ở khuôn viên chùa Trúc Lâm, thôn Trúc Lâm, xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) đã thấy mùi hôi đặc trưng được gió đẩy vào từ bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt chỉ cách sân chùa chưa đầy 100 m. Trong sân chùa, gần chục đứa trẻ bị bỏ rơi đang được nhà chùa nuôi dưỡng nô đùa ríu rít, khó ai có thể biết chúng cùng những người khác ở đây đã bị ảnh hưởng đến sức khỏe thế nào khi hằng ngày, hằng giờ phải chịu cảnh ô nhiễm này.
Chị Nguyễn Mai Phương, một phật tử thường xuyên đến giúp nhà chùa nuôi dưỡng những đứa trẻ ở đây cho biết bãi rác của thôn La Xá, xã Dân Chủ (Tứ Kỳ) nằm ngay trước cửa chùa, cách khu dân cư của thôn Trúc Lâm chưa đầy 200 m. Bãi rác này có diện tích khoảng 1.000 m2, được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2013. Rác thải chủ yếu là phế thải làm giày da, rác thải sinh hoạt, xác động vật... Mỗi khi đốt rác, khói và mùi xú uế bốc lên nồng nặc, bay vào chùa và khu dân cư gần đó. Những ngày mưa dầm, bãi rác cháy âm ỉ kéo dài hàng tuần. Khổ nhất là các cháu đang được nuôi dưỡng trong chùa. Sau mỗi đợt đốt rác, nhà chùa cùng các phật tử lại phải đưa các cháu đi viện kiểm tra sức khỏe, có cháu phải chữa bệnh viêm phổi. Bà Cao Thị Tỉnh ở thôn Trúc Lâm than thở: "Mỗi khi họ đốt rác, người trong xóm phải đóng chặt cửa. Mùi cao su, nilon cháy khiến chúng tôi ngạt thở. Có những đêm chúng tôi không ngủ được vì mùi xú uế nồng nặc".
Cùng ở xã Dân Chủ, bãi rác của thôn An Lại cũng khiến người dân khu Quán Ngái, xã Quảng Nghiệp (Tứ Kỳ) khốn khổ vì mùi hôi thối. Bãi rác rộng khoảng 200 m2, chứa rác thải sinh hoạt của thôn An Lại 5 năm nay. Hằng ngày, người dân gần đó phải sống chung với mùi hôi thối, nhất là vào những ngày hè nắng nóng. Mỗi khi đốt rác, khói bay thẳng vào khu dân cư. Nhiều nhà phải đóng cửa sổ để hạn chế mùi hôi thối. Cuộc sống của nhiều hộ dân khu Quán Ngái bị ảnh hưởng nặng nề.
Nhiều năm nay, người dân thôn Đình, xã Thái Tân cũng bị ảnh hưởng do mùi hôi thối ở bãi rác thôn Đoàn Kết, xã Hồng Phong (cùng huyện Nam Sách) bay vào. Bãi rác của thôn Đoàn Kết chỉ cách thôn Đình vài trăm mét lại nằm đúng hướng đông nam nên hầu như quanh năm người dân thôn Đình phải hứng chịu mùi rác thối. Nhà ông Đinh Quốc Phúc chỉ cách bãi rác chưa đầy 500 m. Gần chục năm nay, gia đình ông cùng nhiều hộ dân trong thôn phải chịu đựng mùi khét của nilon, mùi xú uế của xác động vật ở bãi rác. Ông Phúc cho biết: "Cứ vài ngày họ lại đốt rác một lần. Mỗi lần đốt, lửa cháy âm ỉ mấy ngày liền. Mùi khét, mùi hôi thối khó chịu xộc thẳng vào nhà. Cứ thế này vài năm nữa chắc chúng tôi ốm hết". Ô nhiễm như vậy nhưng đến nay bãi rác này vẫn tồn tại. Hằng ngày, rác sinh hoạt vẫn được tập kết về đây. Đồ cải táng ở nghĩa trang gần đó cũng được vứt vào bãi rác. Người dân thôn Đình không biết phải chịu đựng tình trạng ô nhiễm này đến bao giờ.
Khó khắc phục
Bãi rác tại xã Quang Trung chỉ cách nhà dân ở xã Nguyễn Giáp (Tứ Kỳ) chưa đầy 300m
Bất cập bãi rác nông thôn đã bộc lộ từ lâu nhưng không dễ khắc phục. Ông Nguyễn Thành Chung, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tứ Kỳ thẳng thắn thừa nhận, trên địa bàn huyện Tứ Kỳ hiện có 63 bãi rác thải nông thôn được xây dựng ở 24 xã, thị trấn trong huyện. Hầu hết những bãi rác thải này đều không bảo đảm khoảng cách với khu dân cư theo quy định. Do thiếu kinh phí và công nghệ nên rác thải chỉ được xử lý bằng hình thức chôn lấp. Mỗi bãi rác là một nguồn bệnh tiềm tàng. Nước thải không được xử lý ngấm xuống nguồn nước ngầm mang theo mầm bệnh, đe dọa sức khỏe của người dân.
Tình trạng bất cập của các bãi rác nông thôn ở huyện Tứ Kỳ cũng là thực trạng chung của hầu hết các địa phương khác trong tỉnh. Trên 90% số bãi chôn lấp rác thải nông thôn không bảo đảm quy định về khoảng cách với các khu dân cư. Trong đó, nhiều bãi chôn lấp chỉ cách khu dân cư từ 100 đến dưới 500 m. Quy mô mỗi bãi rác nông thôn tối thiểu phải từ 1.000 m2 trở lên. Hiện nay, nhiều địa phương không còn diện tích đất công điền nên kinh phí dành cho giải phóng mặt bằng mỗi bãi rác tương đối lớn, cộng với chi phí xây dựng, làm đường vào... đã vượt quá khả năng tài chính. Do lượng rác thải phát sinh ngày càng lớn nên mỗi bãi rác chỉ sử dụng được khoảng 5 năm. Sau đó, địa phương lại phải đầu tư xây dựng một bãi rác mới, rất lãng phí và không hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc tìm vị trí phù hợp để xây dựng bãi rác cũng khiến chính quyền địa phương đau đầu. Không tìm được vị trí phù hợp, chính quyền địa phương buộc phải bố trí bãi rác ở gần khu dân cư, ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Hiện nay, phương pháp xử lý rác thải ở nông thôn là chôn lấp, đốt trực tiếp. Phương pháp này không thể xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là nguồn nước thải từ các bãi rác. Việc sử dụng nhiều bãi chôn lấp rác tự nhiên là cách làm manh mún, lãng phí nguồn lực đất đai.
Để xử lý bất cập trên, trước mắt, các địa phương cần tạm dừng quy hoạch bãi chôn lấp rác thải tập trung, không tập kết rác ra các bãi quá gần khu dân cư; đầu tư kinh phí để nâng cao hiệu quả các bãi rác thải hiện có. Bên cạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức phân loại, xử lý rác thải cho người dân, việc huy động kinh phí đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung với công nghệ xử lý triệt để là biện pháp lâu dài, bền vững. Khi đó, rác thải sẽ được xử lý tại một địa điểm, vấn đề ô nhiễm sẽ được khắc phục.
VỊ THỦY