Doanh nghiệp vẫn thờ ơ

Kinh tế - Ngày đăng : 10:09, 11/01/2016

Mặc dù nền kinh tế hội nhập mỗi ngày một sâu rộng nhưng đến thời điểm này sở hữu công nghiệp vẫn còn xa lạ với rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở Hải Dương.



Cơ sở sản xuất hương Thu Hiền (Gia Lộc) thường xuyên bị làm giả, làm nhái mặc dù đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ


Sở hữu công nghiệp (SHCN) là vấn đề các doanh nghiệp phải đặc biệt quan tâm ở bất kỳ thời điểm nào, chứ không phải chờ đến khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thế nhưng ở Hải Dương đến thời điểm này SHCN vẫn còn xa lạ với rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Chưa quan tâm

Doanh nghiệp tư nhân Chế biến gỗ Mạnh Tuyên ở cụm công nghiệp Tân Hồng (Bình Giang) thành lập từ năm 2006, chuyên chế biến gỗ thanh làm bàn ghế và ván sàn ngoài trời, mỗi năm đạt doanh thu hơn 30 tỷ đồng. Khi nhắc đến việc đăng ký nhãn hiệu và quyền SHCN, ông Vũ Đình Tuyên, Giám đốc công ty nói: "Hiện tại, sản phẩm của công ty được sản xuất theo đơn đặt hàng, có đầu ra ổn định nên tôi chưa nghĩ đến việc đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu".

Tương tự như vậy, ông Trần Huy Thắng, chủ cơ sở sản xuất giày dép lớn tại thôn Trúc Lâm (xã Hoàng Diệu, Gia Lộc) cho biết, cơ sở của ông sản xuất khoảng 2.000 đôi giày/tháng. Cơ sở chưa đăng ký nhãn hiệu riêng. Khi xuất xưởng, sản phẩm được gắn nhãn mác của các nhãn hiệu hàng hóa đã được bảo hộ như Made in Vietnam, Sài Gòn… để dễ tiêu thụ. “Giày da của cơ sở là các sản phẩm gia công nên tôi cũng không có ý định đăng ký nhãn hiệu. Từ trước đến nay không đăng ký thì vẫn tiêu thụ hàng tốt, tôi mới xuất đi 800 đôi giày vào Đà Nẵng”, ông Thắng nói.

Ông Trương Văn Thảo, cán bộ phụ trách văn hoá - xã hội xã Hoàng Diệu cho biết: "Xã hiện có hơn 400 hộ làm nghề với hơn 1.300 lao động, sản lượng trung bình 1,8 triệu đôi giày, dép da/năm. Xã đang xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm giày da Hoàng Diệu. Sau khi được bảo hộ, hy vọng các hộ sản xuất, kinh doanh sẽ quan tâm sử dụng nhãn hiệu này để giày da Hoàng Diệu khẳng định được vị thế trên thị trường và hạn chế hàng giả, hàng nhái".

Từ trước đến nay, các doanh nghiệp thường chỉ quan tâm đăng ký giấy phép kinh doanh chứ chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hay các đối tượng SHCN khác. Nhiều doanh nhân nghĩ doanh nghiệp của mình đã có uy tín trên thị trường, sản phẩm có đầu ra ổn định, khách hàng tin tưởng là đủ mà chưa nghĩ đến việc sản phẩm hay tên thương mại của doanh nghiệp có thể bị các tổ chức, cá nhân khác lợi dụng để trục lợi. Chính vì vậy, họ cho rằng không cần thiết phải đăng ký nhãn hiệu, tên thương mại hay các đối tượng SHCN.

Toàn tỉnh hiện có hơn 3.500 doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đã làm đơn đăng ký bảo hộ quyền SHCN và có trên 1.000 đối tượng SHCN đã được bảo hộ. Con số này còn quá ít so với tổng số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh có sản phẩm cần được bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT). Không chỉ ít quan tâm xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, nhiều doanh nghiệp còn có hành vi vi phạm quyền SHTT đối với hàng hóa bán chạy cùng loại. Năm 2015, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra 1.397 vụ, phát hiện 53 vụ vi phạm về hàng giả và SHTT, 313 vụ vi phạm về nhãn hàng hóa. Nhiều vụ vi phạm nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng như Honda, Dream, Future, Wave, Ajinomoto...

Doanh nghiệp cần chủ động


Cơ sở sản xuất giày dép của ông Trần Huy Thắng, xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) phải gắn nhãn mác của các nhãn hiệu hàng hóa đã được bảo hộ để dễ tiêu thụ

Khi TPP chính thức có hiệu lực vào năm 2017, các doanh nghiệp cũng như những cơ sở sản xuất, kinh doanh sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ trong lĩnh vực pháp lý do không đăng ký bảo hộ dịch vụ, sản phẩm của mình. Nếu các doanh nghiệp làm giả, núp bóng sản phẩm, dịch vụ cùng loại khác sẽ không chỉ bị xử phạt hành chính như hiện nay mà còn có thể bị xử lý hình sự.

Do tầm quan trọng của SHCN, ngay từ năm 2000 tỉnh đã ban hành các văn bản nhằm quản lý và thúc đẩy hoạt động SHCN. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khai thác tài sản trí tuệ của đơn vị mình, từ năm 2004-2015, Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã tích cực hướng dẫn thủ tục xác lập quyền SHCN, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHCN; đồng thời, thực hiện các biện pháp khuyến khích, thúc đẩy khai thác và phát triển tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp thông qua Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực SHCN”. Mỗi năm, tỉnh hỗ trợ hơn 300 triệu đồng để thực hiện đề án. Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ, số đơn đăng ký quyền bảo hộ SHCN có xu hướng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2016, đề án này đã kết thúc, Sở Khoa học và Công nghệ đang xây dựng Đề án "Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016-2020" nhằm tiếp tục tuyên truyền, từng bước nâng cao nhận thức về SHCN, hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá và phát triển thương hiệu, khai thác có hiệu quả thông tin về SHCN; nâng cao năng lực của tỉnh trong đổi mới và sáng tạo, bảo hộ quản lý và phát triển tài sản trí tuệ.

Trước những cơ hội và thách thức mới khi Việt Nam gia nhập TPP, được sự hỗ trợ các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần quan tâm đến SHCN, khẩn trương đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tên doanh nghiệp, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp… để được bảo hộ và tạo lợi thế cạnh tranh khi tiếp cận các thị trường lớn nhất thế giới.

VIỆT QUỲNH

Sở hữu trí tuệ là khái niệm chỉ lĩnh vực pháp lý bảo hộ quyền sở hữu đối với các thành quả nghiên cứu có thể áp dụng trong công nghiệp. Tại Việt Nam, đối tượng SHCN là các sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bố trí mạch tích hợp, tên thương mại và bí quyết kinh doanh.

 (Theo Cục Sở hữu trí tuệ)