Cơ hội từ hội nhập

Kinh tế - Ngày đăng : 07:57, 16/01/2016

Đất nước đang ngày càng hội nhập sâu rộng. Thách thức không nhỏ, nhưng những cơ hội mở ra cũng rất lớn, đòi hỏi người dân và doanh nghiệp phải chủ động để hội nhập.




Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng quy trình sản xuất nông sản chặt chẽ, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu


Mở rộng thị trường

Là người có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động kinh tế đối ngoại của tỉnh, ông Nguyễn Xuân Đoan, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đánh giá: Ngay từ năm 2007, khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tỉnh ta đã tận dụng các cơ hội để đón bắt các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo nên đột phá trong phát triển kinh tế. Từ đó đến nay, dòng vốn FDI đã và đang góp phần thay đổi diện mạo công nghiệp Hải Dương, đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ năm 2007 đến nay, tỉnh ta đã thu hút được 233 dự án FDI, với số vốn đăng ký đạt hơn 5,6 tỷ USD. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 310 dự án FDI đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó có 231 dự án đã thực hiện đầu tư hơn 3,35 tỷ USD để sản xuất, kinh doanh, đạt gần 50% tổng vốn đăng ký. Từ hơn 80 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa năm 2006, đến nay tỉnh ta đã có gần 300 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, tham gia vào lĩnh vực này. Các mặt hàng xuất khẩu ngày càng đa dạng, phong phú về chủng loại, chất lượng được nâng cao. Chủ lực là các hàng điện tử, dệt may, da giày, dây và cáp điện, nông sản thực phẩm... Hàng hóa từ Hải Dương đã tới hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức thành lập mà Việt Nam là một trong những thành viên tích cực. Mặt khác, nước ta đang tham gia 8 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và 7 FTA đang đàm phán. Đáng chú ý như FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc ký kết tháng 5-2015. Trong giai đoạn 15 năm kể từ khi hiệp định này được thực hiện, Việt Nam sẽ loại bỏ thuế nhập khẩu đối với 89,9% tổng số các sản phẩm nhập từ Hàn Quốc. Hàn Quốc cũng sẽ loại bỏ thuế nhập khẩu đối với 95,4% tổng số các sản phẩm nhập từ Việt Nam. Trong quan hệ hợp tác với Nhật Bản, Việt Nam đã tham gia 3 FTA khác nhau là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Nhật Bản (EPA) và Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), mở ra những cơ hội giao thương rất lớn...



Công ty TNHH Dệt Pacific Crystal ở khu công nghiệp Lai Vu đầu tư máy móc hiện đại để tăng năng suất lao động


Tích cực hội nhập, đẩy lùi thách thức

Hơn 10 năm lăn lộn ở thị trường Hàn Quốc, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Hoa Mai ở xã Nam Trung (Nam Sách) đã thu được không ít kinh nghiệm quý báu cũng như cách thức kinh doanh chuyên nghiệp. Ông Hòa cho biết: “Hợp đồng cấp hàng đã ký là phải thực hiện nghiêm túc bằng mọi giá. Thị trường Hàn Quốc có không ít rào cản kỹ thuật đối với hàng nông sản chế biến từ Việt Nam. Do đó từ tạo vùng nguyên liệu đến thu hoạch, chế biến và hoàn thiện sản phẩm đều phải theo một quy trình chặt chẽ. Chỉ cần một mẫu rau, củ, quả chế biến có dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sẽ bị trả về cả lô hàng. Mất tiền đã hết hơi nhưng mất uy tín thì chết hẳn”. Nhiều năm gắn bó với nông dân, doanh nghiệp này đang mở rộng vùng nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm để tăng sản lượng xuất khẩu khi Việt Nam tham gia nhiều FTA.

Để chủ động đón các cơ hội từ hội nhập, Công ty TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng Thành Công vừa tích hợp thành công 2 hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000 và quản lý môi trường ISO 14000 đạt chuẩn quốc tế ở 2 nhà máy sản xuất xi măng Thành Công 1 và 3. Các kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, cán bộ kỹ thuật, nghiên cứu mở rộng thị trường xuất khẩu đang được hoàn thiện, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm vật liệu xây dựng không nung. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã chủ động tìm hiểu các thị trường ASEAN, Nhật Bản, EU... Riêng trong năm 2015, doanh nghiệp đã đẩy mạnh xuất khẩu xi măng thành phẩm đi các thị trường New Zealand và Trung Đông.

Với phương châm “Chính quyền tỉnh đồng hành cùng doanh nghiệp”, các hoạt động như tổ chức hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư quốc tế được tỉnh tổ chức với số lượng đang tăng lên. Theo các chuyên gia kinh tế, để Hải Dương nắm bắt được cơ hội, đẩy lùi các thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế, các ban, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ để đẩy mạnh tuyên truyền các kiến thức, lộ trình về hội nhập đến người dân và doanh nghiệp. Các cấp, các ngành tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, đơn giản hóa, tạo thông thoáng để thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế. Tăng cường liên kết vùng, phát huy lợi thế nhằm tối ưu hóa nguồn lực trong phát triển, tham gia sâu hơn vào “chuỗi sản xuất”, “chuỗi giá trị”. Mở rộng hợp tác phát triển, thực hiện liên kết với các địa phương trong các vùng kinh tế trọng điểm và trong phát triển chuỗi đô thị, công nghiệp, dịch vụ, khai thác lợi thế đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Tập trung liên kết trong sản xuất và cung ứng nông sản sạch, đào tạo nguồn nhân lực...

THÀNH LONG

Không thể "đánh du kích"

Doanh nghiệp ở tỉnh ta chủ yếu thuộc loại nhỏ và vừa. Nhiều doanh nghiệp thiếu năng lực, tầm nhìn và cách làm ăn chưa chuyên nghiệp.

Chấp nhận "cuộc chơi" sòng phẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh là yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng hội nhập khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết. Để cải thiện và ứng phó với sức ép cạnh tranh trong hội nhập sắp tới, doanh nghiệp phải luôn học hỏi và chủ động trong mọi tình huống. Trong đó, muốn tăng cường sức mạnh cạnh tranh, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nâng cao khả năng kết nối và chia sẻ, nhất là khi tiến trình hội nhập kinh tế đang chuyển động nhanh, rộng. Tính chất phân khúc, phân mảng đang ngày một phổ biến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên thế giới, tạo thành những chuỗi giá trị sản xuất có tính khu vực, toàn cầu. Qua đó, khi lên kế hoạch sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp phải đặt mình trong chuỗi liên kết chứ làm ăn theo kiểu “chiến tranh du kích” sẽ thua trong hội nhập.

NGUYỄN HỮU ĐOAN
(Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hải Dương)

Hỗ trợ cái doanh nghiệp cần

Hiện nay, hầu như chưa có sự phối hợp thống nhất giữa các ngành trong hỗ trợ doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp không nắm được Nhà nước hỗ trợ cái gì, cách thức, điều kiện để được nhận hỗ trợ ra sao... Do đó, các cấp, các ngành cần quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp sao cho hiệu quả hơn, “hỗ trợ cái mà doanh nghiệp cần”. Chương trình, chính sách hỗ trợ nên rõ nét, chọn lọc lĩnh vực hỗ trợ để phù hợp khả năng nguồn lực. Quy mô hỗ trợ nên "ra tấm, ra món", với lộ trình, theo từng nhóm doanh nghiệp cụ thể để tạo hiệu quả tích cực. Trong đó cần chú trọng vai trò của đội ngũ chuyên ngành. Từ xây dựng chính sách đến các biện pháp hỗ trợ trực tiếp cần sâu sát thực tế. Vai trò của các tổ chức hội, hiệp hội... rất quan trọng trong xây dựng và thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, bởi vì họ luôn gắn bó và biết nhu cầu cập nhật của doanh nghiệp.

Trong năm 2016, việc cung cấp thông tin và thực thi các hiệp định thương mại tự do mới cần được cơ quan chức năng cung cấp và kịp thời hướng dẫn cho doanh nghiệp. Trong đó, thuận lợi, khó khăn cần phân tích, đánh giá cụ thể để định hướng, cảnh báo, gợi ý các biện pháp đối phó, thích ứng...

LÊ XUÂN HIỀN
(Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư)