Không ai được thờ ơ
Kinh tế - Ngày đăng : 14:58, 18/01/2016
Từ hội nhập, rất nhiều câu hỏi được đặt ra: Làm thế nào để cạnh tranh thắng lợi khi các rào cản thuế quan không còn nữa? Làm sao để hàng hóa của ta bán được ở thị trường trong nước trong điều kiện hàng hóa ở nước ngoài ồ ạt đổ vào? Làm sao để xuất khẩu được hàng hóa ra nước ngoài khi thuế nhập khẩu giữa các quốc gia bằng không mà hàng hóa của chúng ta phải cõng thêm chi phí vận chuyển đến nước họ? Còn rất nhiều câu hỏi khác đặt ra và cũng không dễ trả lời. Chỉ biết một đáp án chắc chắn đúng cho điều bây giờ chúng ta thờ ơ với hội nhập, thì chúng ta sẽ càng thụt lùi, doanh nghiệp sẽ càng khó khăn hơn, nông dân sẽ càng loay hoay với bài toán "trồng - chặt" vì sản phẩm làm ra không bán được ngay trong xã, trong huyện của mình.
Sẽ cạnh tranh bằng gì để giành thắng lợi? Nhận diện và phát huy được lợi thế trong cạnh tranh rất quan trọng. Xin đơn cử trong lĩnh vực nông nghiệp. Lợi thế của ta là đất đai, khí hậu nhiệt đới bốn mùa, sức lao động dư dả. Không lợi thế của ta là canh tác lạc hậu, ruộng đất manh mún, năng suất thấp. Nếu nông nghiệp Hải Dương không đi theo hướng sản xuất sạch và định hướng xuất khẩu thì không thể nói đến phát triển chứ nói gì đến làm giàu. Không chỉ phát huy lợi thế, đẩy lùi hạn chế, lại còn phải tìm kiếm thêm được những giá trị mới. Giá trị mới sẽ quyết định lợi nhuận gia tăng để làm giàu. Giá trị mới trong xã hội hiện đại ngày nay đến từ rất nhiều con đường, trong đó khoa học và công nghệ tiên tiến là một con đường lớn. Thế giới đã nói nhiều đến công nghệ sinh học, đột biến gien...
Trong thị trường hội nhập, khách hàng sẽ thoải mái lựa chọn hàng hóa có những xuất xứ khác nhau. Họ sẽ có hai sự lựa chọn chủ yếu: chọn hàng hóa tốt hơn nếu ngang giá và chọn hàng hóa rẻ hơn nếu ngang bằng chất lượng. Khách hàng chọn sản phẩm của nhà sản xuất, kinh doanh dịch vụ nào, cộng đồng, quốc gia nào có nghĩa là lợi thế so sánh của nhà sản xuất, kinh doanh dịch vụ đó, cộng đồng, quốc gia đó tốt hơn. Bởi vậy, lợi thế so sánh về chất lượng, thương hiệu, giá thành sẽ quyết định thắng lợi trong cạnh tranh. Đây là vấn đề các doanh nghiệp, người sản xuất, cũng có nghĩa mọi người dân từ nông thôn đến thành thị đều phải quan tâm. Không ai lại không có một sản phẩm hàng hóa nào đó, ít nhất là sức lao động.
Làm thế nào để hội nhập trở thành câu nói cửa miệng của mỗi người dân? Hơn lúc nào hết, vấn đề tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế phải được quan tâm hàng đầu. Cần tuyên truyền để mọi người dân hiểu được đầy đủ cơ hội và thách thức của hội nhập và không ai không bị tác động của quá trình này. Quan trọng hơn, để người dân từ thôn xóm tới các ngõ phố đều có ý thức, có tinh thần hội nhập. Một cộng đồng hợp lực sẽ nhân lên sức mạnh. Đơn cử như vấn đề nông nghiệp đã bàn ở trên. Nếu như Hải Dương ta khiến khách hàng khi chỉ cần nhắc tới nông sản ở đây thôi, họ đã nghĩ tới nông sản sạch, an toàn, thì lúc đó nông dân Hải Dương tha hồ làm giàu. Các cộng đồng mạnh sẽ góp phần xây dựng nên một thương hiệu quốc gia mạnh. Từ việc nhỏ mỗi người dân vun góp sẽ nuôi thành cây to cho quả ngọt để mọi người cùng hưởng.
Hội nhập bây giờ không còn là việc của Nhà nước, mà cần là ý thức của mỗi người dân. Bây giờ Việt Nam ta đã hội nhập sâu rộng và ngày càng hội nhập sâu rộng hơn nữa. Không ai được thờ ơ.
NGUYỄN LƯU THANH XUÂN