Bài 5: Công tác đối ngoại góp phần giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ
Tin tức - Ngày đăng : 05:40, 21/01/2016
Công tác đối ngoại đã góp phần không nhỏ giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và phát triển kinh tế đất nước.
Hải Dương quan tâm đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân.
Trong ảnh: Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Viêng Chăn (Lào) và Hải Dương
Trong 30 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, từ một nước có thu nhập thấp, kém phát triển trở thành nước có thu nhập trung bình và chuyển sang giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong thành tựu chung đó, công tác đối ngoại cũng đã góp phần không nhỏ.
30 năm trước, trong bối cảnh đất nước bị bao vây cấm vận bên ngoài và khủng hoảng kinh tế - xã hội bên trong, chúng ta đã chuyển sang phá bao vây cấm vận, tiến hành bình thường hóa quan hệ với tất cả các nước. Sau 30 năm đổi mới, quan hệ quốc tế của đất nước ta có thay đổi sâu sắc. Việt Nam có quan hệ với hầu hết các nước trên thế giới, trong đó có thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 nước trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Việt Nam cũng tham gia vào 70 tổ chức quốc tế, khu vực, đóng vai trò là thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm. Vị thế của Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế, khu vực, nhiều sáng kiến được các tổ chức quốc tế hoan nghênh. Từ bối cảnh chung đó, trong những năm trở lại đây, Việt Nam đã đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu. Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 15 đối tác trên thế giới, đối tác toàn diện với 10 đối tác và có quan hệ hợp tác nhiều mặt với các bạn bè truyền thống khắp nơi trên thế giới. Điều đó tạo ra sự tin cậy, gắn bó và với nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống đã đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư; tranh thủ nguồn lực, sự ủng hộ, hỗ trợ của bạn bè quốc tế để phục vụ phát triển đất nước, đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Trong suốt chặng đường đổi mới, ngành ngoại giao với vai trò tiên phong và nòng cốt trong công tác đối ngoại, đã chủ động đẩy mạnh công tác ngoại giao phục vụ kinh tế, góp phần thu hút các nguồn lực từ bên ngoài để thúc đẩy hơn nữa công cuộc đổi mới. Công tác đối ngoại nói chung của Đảng và Nhà nước ta đã hỗ trợ rất lớn cho sự nghiệp phát triển đất nước. Chúng ta đã kết hợp được sức mạnh của đất nước, nội tại của công cuộc đổi mới với sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Tranh thủ nguồn đầu tư lớn từ các nước, đến nay, Việt Nam có các dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 270 tỷ USD, tranh thủ nguồn ODA của các nước. Ngoài ra còn có các viện trợ hợp tác phi chính phủ, phục vụ xóa đói, giảm nghèo cũng như thu hẹp khoảng cách phát triển ở các vùng miền trong cả nước.
Bên cạnh đó, công tác đối ngoại cũng đã góp phần giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng; hoàn thành phân giới cắm mốc trên đất liền với Lào, Trung Quốc; đạt kết quả tích cực về phân giới, cắm mốc biên giới đất liền với Campuchia. Chúng ta đã ký các hiệp ước về phân định biển với Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ, cũng như với Thái Lan, Indonesia, Campuchia và Malaysia; kiên quyết đấu tranh với những hành động xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, đồng thời tích cực tìm kiếm các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp với các nước.
Về đối ngoại đa phương, Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, từ chỗ bị bao vây cấm vận, chỉ có quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã dần khôi phục và mở rộng quan hệ hợp tác với hầu hết các nước trên thế giới. Việt Nam đã tham gia vào Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Việt Nam không chỉ tham gia vì lợi ích của mình mà đã đóng góp có trách nhiệm xây dựng Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á, chính thức trở thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31-12-2015. Ngoài ra, Việt Nam cũng tham gia vào các diễn đàn khác như Liên minh Kinh tế Á - Âu, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC), các tổ chức của Liên hợp quốc... đóng góp tích cực và đang trở thành nước có vị thế và vai trò ngày càng cao ở khu vực, được cộng đồng quốc tế tôn trọng. Ngay trong năm 2015, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu với số phiếu cao vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc như Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014- 2016, Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO nhiệm kỳ 2013- 2017, Hội đồng Kinh tế - Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018...
Ngoài ra, công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, hỗ trợ, bảo hộ công dân, kiều bào ở nước ngoài được triển khai. Trong 30 năm, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài có chuyển biến rất lớn, nhất là sau khi Nghị quyết số 36 NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài được ban hành. Việt Nam đã triển khai hàng loạt các hoạt động để gắn kết giữa kiều bào ở bên ngoài với trong nước, trong đó khẳng định quan điểm cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Chúng ta cũng tranh thủ sự ủng hộ, hướng về Tổ quốc của người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Để đạt thành tựu đó, nền ngoại giao hiện đại của chúng ta dựa trên nguyên tắc, phương châm, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh. Đó là những bài học được đúc kết như bài học cần quán triệt, xác định lợi ích quốc gia, dân tộc. Đây vừa là nguyên tắc, vừa là mục tiêu trong hoạt động đối ngoại. Khi đã xác định được mục tiêu, chúng ta triển khai phương châm của Hồ Chí Minh là “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” và đạt thành tựu rất lớn. Cụ thể như, trong công cuộc đổi mới, chúng ta luôn xác định phải giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tập trung nguồn lực phát triển đất nước, đồng thời phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước bạn bè quốc tế. Với những mục tiêu đó, trong 30 năm đổi mới, chúng ta đã linh hoạt xử lý khéo léo, đưa ra những đối sách phù hợp, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp đổi mới của Việt Nam.
Ngay từ khi nền ngoại giao Việt Nam ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Trong bối cảnh của 30 năm đổi mới, chúng ta đã vận dụng khéo léo, thành công bài học này. Chúng ta vận dụng trong một bối cảnh mới, kết hợp đưa đất nước ta đi vào dòng chủ lưu, phù hợp với những xu hướng phát triển chung của thế giới, nêu cao được chính nghĩa, lợi ích quốc gia, dân tộc hài hòa với lợi ích chung của các nước cùng hợp tác, cùng phát triển, cùng thịnh vượng.
NGUYỄN HỒNG ĐIỆP