Tiếng nói đại biểu dự Đại hội

Tin tức - Ngày đăng : 09:32, 21/01/2016

Đại hội cần tiếp tục xác định CCHC là một trong những khâu đột phá nhằm tạo bước chuyển biến mạnh trong chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức.

Tạo đột phá trong cải cách hành chính


Cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được nhiều địa phương chọn làm khâu đột phá nhiệm kỳ 2015-2020 nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Nhiều năm qua, các địa phương trên cả nước đã có những bước đột phá về CCHC mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC), trong đó quan tâm đến cải cách TTHC ở cấp huyện, xã; quan tâm đến các TTHC liên thông giữa các cấp, các ngành... Tuy nhiên, việc CCHC còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, còn là rào cản trong thu hút đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh nước ta hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Hầu hết các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu đều nhận thức được tầm quan trọng của việc CCHC nhưng qua thực tế cho thấy hành động lại không được như mong muốn.

Để chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, theo tôi, Đại hội cần tiếp tục xác định CCHC là một trong những khâu đột phá nhằm tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất, kinh doanh. Để thực hiện được điều này, Đại hội XII của Đảng cần cụ thể hóa trong Nghị quyết các vấn đề: Tiếp tục đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, giải quyết TTHC. Chú trọng triển khai ứng dụng CNTT trong phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Từng bước xây dựng “cơ quan điện tử”, góp phần tích cực trong công tác CCHC. Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các TTHC, tập trung ở các TTHC liên thông, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công. Thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng hiện đại. Quy trình, trình tự làm việc phải hết sức rõ ràng, minh bạch, công khai. Phải quy trách nhiệm, trước hết là trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết TTHC. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm đầu tiên về TTHC tại cơ quan, đơn vị mình quản lý. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ. Kiên quyết xử lý những đơn vị, cá nhân vi phạm. Trong mỗi quy trình giải quyết TTHC cần có chế tài khen thưởng công minh, nghiêm khắc...

Đại biểuNGUYỄN DƯƠNG THÁI(Hải Dương)


Tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới


Nhìn lại 30 năm đổi mới, nhất là trong 5 năm triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, ngành nông nghiệp của Hải Dương nói riêng và cả nước nói chung đã có bước tăng trưởng với tốc độ khá cao theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng. Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng lần này nhấn mạnh việc tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI vẫn là nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp trong thời gian tới theo tôi là rất xác đáng.

Thời gian qua, Hải Dương rất chú trọng đến tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Ngoài việc dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng, tỉnh đã tính toán, cơ cấu lại các vùng cây ăn quả, vùng cây lương thực, vùng chăn nuôi sao cho phù hợp với thế mạnh của từng địa phương. Tỉnh cũng xác định việc thay đổi nguồn giống, nguồn gien, công nghệ, đặc biệt công nghệ sạch là ưu tiên hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp, tạo tiền đề cho tiêu thụ nông sản bền vững. Tỉnh từng bước phát huy được thế mạnh của vùng cây đặc sản vải thiều; tạo ra được các vùng canh tác quả trái vụ có giá trị kinh tế cao như ổi, na... Ngoài việc sản xuất ra sản phẩm chất lượng, Hải Dương còn đặc biệt quan tâm đến việc tìm đầu ra cho nông sản.

Để tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, theo tôi các địa phương cần coi trọng vấn đề xúc tiến thương mại, liên kết với các doanh nghiệp để giới thiệu, quảng bá nông sản của người dân đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Bảo vệ và sử dụng linh hoạt, hiệu quả đất trồng lúa, khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hình thức đa dạng phù hợp với điều kiện của từng vùng, đặc điểm của từng sản phẩm và nhu cầu thị trường. Tổ chức lại sản xuất theo hướng gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng giữa hộ nông dân với tổ chức tín dụng, tổ chức khoa học, công nghệ. Đưa cơ chế, chính sách vào cuộc sống bằng việc xây dựng các mô hình sản xuất, đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật, tăng cường thông tin tuyên truyền. Phải xác định trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp không thể thiếu bàn tay của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải là cánh tay nối dài của nông dân đến người tiêu dùng.

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, các địa phương phải biến thách thức thành cơ hội, coi hội nhập là "cơ hội vàng" để thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn, thay đổi tư duy của người dân trong sản xuất nông nghiệp. Khi ý thức của người dân tốt, ý thức của doanh nghiệp tốt, trách nhiệm của chính quyền cao thì nông sản của tỉnh Hải Dương nói riêng và cả nước nói chung sẽ ngày càng vươn xa, tạo thu nhập ổn định cho nông dân.

Đại biểuNGUYỄN ANH CƯƠNG(Hải Dương)