Bác Hồ với Đại hội Đảng ta

Tin tức - Ngày đăng : 06:46, 22/01/2016

Với tư duy độc lập, chủ động sáng tạo, cách làm việc khoa học, dân chủ, những Đại hội và Hội nghị Trung ương do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đều thành công tốt đẹp.


Ngày 5-9-1960, Đảng Lao động Việt Nam họp Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III. Trong diễn văn khai mạc Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Đại hội lần này là Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà

Nhân dịp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Báo Hải Dương trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết "Bác Hồ với Đại hội Đảng ta" của đồng chí Hoàng Tùng (1920-2010), nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Trong các đại hội và hội nghị Trung ương Đảng ta, Bác Hồ tham dự và chỉ đạo hai đại hội của Đảng là Đại hội II (tháng 2-1951), Đại hội III (tháng 9-1960) và một số hội nghị Trung ương, trong đó nhiều hội nghị có tầm cỡ đại hội do những quyết sách của các hội nghị đó.

Trong tất cả các cuộc họp dù lớn hay nhỏ, Bác Hồ đều tổ chức chuẩn bị và tiến hành theo một nền nếp khoa học và dân chủ:

1.Xác định chủ đề trung tâm.

2. Phân công người soạn thảo văn kiện.

3.Thảo luận đầy đủ, quan tâm ý kiến của mọi người.

Người nhận định, chuẩn bị chu đáo việc thiết kế chính sách quyết định một phần quan trọng những nhiệm vụ vạch ra. Đề ra chính sách phải có biện pháp và con người thực hiện. Khi bàn về chính trị phải bàn đồng thời với tổ chức. Người không bao biện công việc mà phân công một số đồng chí Trung ương cùng làm. Trong các cuộc họp, sau khi tuyên bố lý do, nêu ra những định hướng chính, Người chăm chú lắng nghe ý kiến thảo luận của mọi người rồi mới đưa ra kết luận cuối cùng. Gặp những vấn đề còn thiếu sự nhất trí của các đại biểu, Người đề nghị mọi người tập trung bàn thảo để đi tới thống nhất, không bao giờ Người áp đặt ý kiến cá nhân. Cách làm việc này được Người duy trì trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng.

Sau khi tiếp cận chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm ra con đường cứu nước, Hồ Chí Minh xúc tiến chuẩn bị tư tưởng, chính trị và tổ chức cho việc thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam.

Cuối những năm 20 thế kỷ XX, ở nước ta ra đời ba tổ chức cộng sản. Hoạt động riêng lẻ của các tổ chức này là một nguy cơ của cách mạng Việt Nam.

Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản, Hồ Chí Minh đã triệu tập Hội nghị hợp nhất gồm An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Đảng. Chủ trì Hội nghị, nhưng Người chỉ soạn thảo một số văn kiện quan trọng nhất, còn các văn kiện khác phân công cho các đại biểu cùng soạn thảo. Người không áp đặt ý kiến chủ quan mà phân tích những hạn chế, khuyết điểm của các tổ chức đảng và đề nghị thống nhất thành một đảng. Việc đặt tên đảng được thảo luận kỹ. Kiến nghị lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam của Hồ Chí Minh được Hội nghị chấp nhận. Tác phong làm việc khoa học, dân chủ của Người góp phần quan trọng dẫn tới thành công của Hội nghị. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng do Hội nghị thông qua là một cương lĩnh cách mạng đúng đắn và sáng tạo, nhuần nhuyễn quan điểm dân tộc và quan điểm giai cấp, quốc gia và quốc tế. Sau Hội nghị, Hồ Chí Minh gửi báo cáo lên Quốc tế Cộng sản. Phản ứng chúng ta nhận được tiêu cực, cho rằng tư tưởng của cương lĩnh, chiến lược và tên đảng đều mang tính chất dân tộc chủ nghĩa và yêu cầu Đảng ta phải thay đổi. Cách mạng Việt Nam gặp nhiều khó khăn do sự tả khuynh trong việc xác định đường lối theo sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản.

Lịch sử sang trang. Đại hội VII Quốc tế Cộng sản (tháng 7-1935) thông qua chủ trương chiến lược mới, nhấn mạnh vấn đề thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất ở các thuộc địa. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (tháng 11-1939) do Nguyễn Văn Cừ chủ trì quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng, giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc theo cương lĩnh của Hội nghị hợp nhất. Đầu năm 1941, Hồ Chí Minh về nước. Người triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ tám (tháng 5-1941). Chủ trì đề xuất ý tưởng chỉ đạo nhưng Người không tự mình soạn thảo văn kiện, mà đề nghị Trường Chinh chuẩn bị.

Người chỉ soạn thảo Chương trình Việt Minh và Lời kêu gọi đồng bào toàn quốc. Hội nghị đánh dấu sự hoàn chỉnh chủ trương chuyển hướng chiến lược cách mạng của Đảng được vạch ra tại Hội nghị Trung ương lần thứ sáu. Lần này Bác Hồ phân tích đầy đủ về mối quan hệ giữa thế và lực, lực yếu thế tốt trở thành mạnh.

Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc, phát xít Nhật gục ngã. Hội nghị toàn quốc của Đảng được triệu tập họp tháng 8-1945 ở Tân Trào, quyết định phát động khởi nghĩa trong toàn quốc. Tất cả các đại biểu tham dự Hội nghị đều nhất trí bầu Hồ Chí Minh làm Tổng Bí thư của Đảng nhưng Người không nhận và đề nghị Trường Chinh tiếp tục đảm đương công việc.

Được tin phát xít Nhật đã đầu hàng Đồng minh không điều kiện, Hồ Chí Minh đề nghị các đại biểu kết thúc họp sớm, về ngay địa phương lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa. Quốc dân Đại hội cũng họp tại Tân Trào ngay sau khi Hội nghị toàn quốc kết thúc, cử ra Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch. Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào cả nước đứng dậy "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta".

Cách mạng Tháng Tám thành công. Thực dân Pháp trở lại xâm  lược nước ta một lần nữa. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Tháng 2-195l, Đại hội lần thứ II được triệu tập họp tại Tuyên Quang, Việt Bắc trong bối cảnh cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta chuyển sang thế phản công chiến lược. Vị thế cuộc kháng chiến có sự thay đổi quan trọng: khắc phục được sự bao vây bốn bề, nối liền với Trung Quốc, Liên Xô và các nước anh em khác. Các nước này thừa nhận Nhà nước ta về ngoại giao và viện trợ to lớn cho nhân dân ta. Lần này, Bác Hồ lại nói thế nước do thắng lợi của Trung Quốc đặt ra. Lực của ta đủ mạnh để đưa cuộc kháng chiến sang giai đoạn phản công.

Chuẩn bị các văn kiện của Đại hội II cùng với Người có Trường Chinh và Lê Văn Lương. Báo cáo chính trị do Người soạn thảo rất ngắn gọn mà đầy đủ, văn phong giản dị nhưng chính xác, đủ rõ những vấn đề cần thiết. Chủ đề trung tâm của Đại hội được Trường Chinh soạn thảo. Thường vụ Trung ương dân chủ thảo luận trước khi thông qua Đại hội.

Bản Điều lệ sửa đổi đặt ra chức Chủ tịch Đảng. Hồ Chí Minh được Đại hội nhất trí bầu làm Chủ tịch. Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư.

Chiến dịch Điện Biên Phủ đại thắng. Thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ cam kết công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam thay chân Pháp. Cách mạng Việt Nam bước sang một giai đoạn mới. Đại hội lần thứ III được triệu tập (tháng 9-1960) họp tại Thủ đô Hà Nội. Chủ đề trung tâm rộng lớn và tình hình lúc đó cực kỳ phức tạp. Bộ Chính trị phải làm việc chu đáo, cặn kẽ khi thảo luận nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta trong bối cảnh các đảng cộng sản bất đồng sâu sắc. Công tác đảng và việc chọn người vào Ban lãnh đạo cũng phải thảo luận nhiều ngày. Tuy không soạn thảo văn kiện chính, nhưng Người chỉ đạo tất cả các cuộc thảo luận và chỉ phát biểu những điều cần thiết. Điều khiển và kết luận những cuộc thảo luận là việc không hề giản đơn nhưng Người không bao giờ để lọt những ý tưởng lớn. Người chuẩn bị văn kiện quan trọng của Đảng lần này là Lê Duẩn.

Đại hội này thông qua quyết định lớn là thực hiện hai chiến lược cách mạng ở hai miền đất nước: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành cách mạng dân tộc - dân chủ nhân dân ở miền Nam. Hai miền có nhiệm vụ chung, bao trùm là đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất nước nhà. Chiến lược cách mạng miền Nam đã được Hội nghị lần thứ 15 bàn thảo, Đại hội tập trung làm rõ thêm.

Hồ Chí Minh được bầu lại là Chủ tịch Đảng. Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất.

Trong bối cảnh tình hình thế giới vô cùng phức tạp, thành công của Đại hội có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, mở đường cho cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên.

Với tư duy độc lập, chủ động sáng tạo, cách làm việc khoa học, dân chủ, những đại hội và hội nghị Trung ương do Người chủ trì đều thành công tốt đẹp. Phương pháp tổ chức và điều hành các cuộc họp của Người là một mẫu mực cho chúng ta học tập.