Niềm vui ở những xã cuối cùng có nước sạch

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:01, 24/01/2016

Chúng tôi về thôn Triệu Nội, xã Hùng Sơn (Thanh Miện) vào một ngày giữa tháng 1 khi người dân trong thôn vừa có nước sạch.



Công nhân Công ty TNHH Nam Sơn lắp đặt đường ống dẫn nước sạch liên xã Cổ Thành - Nhân Huệ (Chí Linh)

Ông Triệu Duy Hoàn, một người dân trong thôn rất phấn khởi vì trước đó gia đình ông phải dùng nước giếng khoan và nước mưa. Mặc dù ông đã xây thêm bể, mua cát, đá lọc nước nhưng vẫn có mùi tanh, thiết bị vệ sinh bị gỉ sét, quần áo ố vàng... "Hiện nay, không khí cũng bị ô nhiễm nên nước mưa chưa chắc đã an toàn. Dù biết như thế nhưng nếu không dùng 2 nguồn nước trên thì chúng tôi không biết lấy nước ở đâu để ăn uống, sinh hoạt. Chính vì thế, biết sắp có nước máy, gia đình tôi đăng ký ngay và chủ động mua thêm các nguyên vật liệu phục vụ cho việc lắp đặt", ông Hoàn nói.

Cũng vừa lắp xong đường ống dẫn nước sạch, ông Triệu Duy Phong cùng ở thôn Triệu Nội cho biết trước đây mỗi khi có việc hiếu, hỷ, những hộ có điều kiện kinh tế khá thường phải mua nước sạch với giá từ 40.000-50.000 đồng/m3. Những nhà chưa có điều kiện thì lo lọc nước từ mấy hôm trước. Bây giờ có nước sạch, ông Hoàn, ông Phong cũng như nhiều gia đình khác không tốn kém, mất nhiều thời gian như trước kia.

Ở những xã chưa có nước máy, việc xây bể chứa nước mưa và đào giếng khoan diễn ra phổ biến. Mất công bơm, lọc nước nhưng chất lượng nước vẫn không bảo đảm. Do đó, khi có nước máy, hầu hết những hộ dân ở các địa phương đều đăng ký lắp đặt ngay. Sau gần 3 tháng được dùng nước sạch, ông Đoàn Văn Phòng ở thôn 3, xã Vạn Phúc (Ninh Giang) cho biết: "Từ khi có nước máy, tôi không mất thời gian bơm nước, rửa bể. Một số người trong xã đã mua thiết bị về thử chất lượng nước và thấy khá bảo đảm".

Đến nay, tất cả các xã trong tỉnh đã có đường ống cấp nước sạch và 85% số dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Có được kết quả này là sự cố gắng của các cấp, các ngành và chủ đầu tư các công trình. Để hoàn thành mạng lưới cấp nước sạch cho tất cả các xã, ngoài việc giao trách nhiệm cho Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hải Dương, Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Hải Dương thì tỉnh còn hỗ trợ về vốn, thủ tục để thu hút các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này. Theo ông Vũ Công Cương, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hải Dương, năm 2015 là năm cuối thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 3 (2012-2015) về nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, tỉnh đã đầu tư gần 100 tỷ đồng xây dựng hệ thống cấp nước sạch tại các xã Văn Đức, Cổ Thành, Nhân Huệ (Chí Linh); Vĩnh Lập (Thanh Hà); Thanh Tùng, Hùng Sơn (Thanh Miện); Lê Ninh (Kinh Môn); Vạn Phúc và An Đức (Ninh Giang)... 

Năm 2006, UBND tỉnh có chủ trương đầu tư công trình nước trên địa bàn xã Hùng Sơn (Thanh Miện) nhưng lúc đó do xã không có vốn đối ứng nên công trình không được triển khai. Trước tình trạng trên, năm 2015, tỉnh xây dựng thiết kế và dự toán mới cho công trình nước sạch, không cần vốn đối ứng của xã. Ông Nguyễn Tiến Luật, Giám đốc Công ty CP Thương mại và xây dựng An Bình, chủ đầu tư công trình nước sạch xã Hùng Sơn cho biết: "Mặc dù còn nhiều khó khăn về vốn nhưng nghĩ đến những lợi ích của người dân khi được dùng nước sạch, công ty chúng tôi đã tìm nhiều biện pháp huy động vốn, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình. Tổng dự toán đầu tư dự án trên 9 tỷ đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ 25% số vốn. Công ty đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng lắp đặt đường ống dẫn nước từ Trạm cấp nước xã Đức Xương (Gia Lộc) về thôn Triệu Sơn. Dự kiến đến tháng 3 tới, chúng tôi sẽ hoàn thành đường ống nước cho 2 thôn còn lại".

Theo ông Đặng Văn Nam, Giám đốc Công ty TNHH Nam Sơn (Nam Sách), trong tháng 11-2015, đơn vị cơ bản hoàn thành việc lắp đặt đường ống cấp nước sạch cho 2 xã Cổ Thành và Nhân Huệ (Chí Linh). Trong đó, đường ống chính có đường kính từ 90-160 mm, dài 6 km, đường ống cấp 2 và 3 có đường kính từ 25-75 mm, có tổng chiều dài hơn 40 km. Sau 10 ngày thử áp lực đường ống, những hộ đầu tiên đã được đấu nối và lắp đồng hồ cấp nước. Đến nay, 12 trong tổng số 16 thôn của 2 xã này đã đủ điều kiện cấp nước sạch. Ông Mạc Huy Du, chỉ huy thi công của Công ty TNHH Nam Sơn cho biết: "Chúng tôi luôn bố trí nhân lực, phương tiện để khi người dân đăng ký sử dụng nước là đấu nối kịp thời cho họ, bảo đảm có nước sạch dùng trong dịp Tết Bính Thân này".

LONG THỦY