Mặt trận Tổ quốc tích cực tham gia bảo vệ môi trường
Môi trường - Ngày đăng : 07:19, 28/01/2016
Mô hình "Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường" đã được Ủy ban MTTQ tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần thiết thực bảo vệ môi trường nông thôn.
Trước 7 giờ sáng, mọi ngả đường của thôn Trúc Khê, xã Đồng Lạc (Nam Sách)
bảo đảm sạch sẽ cho trẻ em đi học và người dân đi làm
Sau 7 giờ sáng toàn bộ các khu dân cư ở thôn Trúc Khê, xã Đồng Lạc (Nam Sách) không còn rác. Đường làng sạch sẽ, thông thoáng. Ông Bùi Văn Bình, người dân thôn Trúc Khê vui vẻ cho biết: “Ngày nào cũng vậy, tôi đưa đón các cháu đi học đều cảm thấy rất phấn khởi khi được đi trên những con đường bê tông sạch đẹp”. Còn bà Đỗ Thị Láp cũng ở thôn Trúc Khê cho biết: “Trước đây phía trước, phía sau nhà tôi đều có các hộ chăn nuôi lợn, chất thải tuồn ra cống rãnh thoát nước rất ô nhiễm. Giờ đây, các hộ chăn nuôi đều có hầm biogas xử lý chất thải, không khí trở nên trong lành hẳn”. Đây là những ấn tượng đẹp về một làng quê được chọn làm điểm mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” do Ủy ban MTTQ tỉnh triển khai thực hiện, được nhiều huyện trong tỉnh về học tập.
Chỉ 4 năm về trước, Trúc Khê còn là một vùng quê bị ô nhiễm môi trường. Rác bừa bãi trên đường, cống rãnh, mương máng. Thậm chí, ở đây còn xuất hiện một số điểm tập kết rác thải tự phát ở ngay khu dân cư... Chưa kể, toàn thôn có hơn chục hộ chăn nuôi lợn, nhà nhiều khoảng 60-70 con, nhà ít cũng 5-10 con, chất thải không qua xử lý, tuôn ra hệ thống thoát nước chung của thôn xóm, gây ô nhiễm nặng. Năm 2012, Ủy ban MTTQ tỉnh và Ủy ban MTTQ huyện Nam Sách chọn Trúc Khê làm điểm về mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”. Mô hình này đã làm thay đổi hẳn diện mạo vùng quê. Ủy ban MTTQ tỉnh đã đầu tư kinh phí mua bảo hộ lao động như quần áo, ủng, găng tay, cuốc xẻng cho thôn; tập huấn Luật Bảo vệ môi trường. Tổ tự quản bảo vệ môi trường thôn Trúc Khê được thành lập với 12 thành viên. Trong đó, 2 thành viên được giao đặc trách thu gom rác thải, các thành viên còn lại tập trung thực hiện công tác tuyên truyền. Ban công tác MTTQ thôn đã phối hợp với Chi hội Phụ nữ thôn tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền về hiểm họa, tác động của môi trường ô nhiễm đến cuộc sống con người; các giải pháp cần thực hiện tại cộng đồng dân cư cũng như trách nhiệm của mỗi cá nhân trong bảo vệ môi trường. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong việc tự quản bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, từ các cuộc họp, ý kiến thống nhất của người dân đã trở thành bản quy ước chung để cả thôn thực hiện. Nhờ đó người dân trong khu dân cư đã thực hiện các quy định như chứa rác thải bằng vật dụng bảo đảm vệ sinh; bỏ rác đúng nơi quy định; không xả nước thải, khí thải bừa bãi; không để vật nuôi làm mất vệ sinh nơi công cộng và nộp đủ phí bảo vệ môi trường... Đặc biệt, trước 5 giờ sáng tại Trúc Khê không ai tập kết rác ra ngoài cổng, việc này chỉ được họ làm khi có tiếng kẻng báo hiệu của tổ thu gom rác. Mỗi hộ không tập kết quá 5 kg rác/ngày. Trước 7 giờ sáng, khi học sinh đi học và người dân đi làm, tổ thu gom rác phải bảo đảm không còn rác và xe rác vận chuyển trong thôn xóm. Sau khi thu gom, rác thải sẽ được tổ dọn vệ sinh môi trường chở ra bãi chứa rác tập trung để chôn và xử lý theo đúng quy định... Bà Đỗ Thị Thu, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Trúc Khê phấn khởi cho biết: “Do làm tốt công tác tuyên truyền vận động, có sự phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ với các tổ chức đoàn thể, được cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, việc thực hiện tự quản bảo vệ môi trường tại địa phương đã đạt hiệu quả thiết thực, cải thiện đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương.
Nhân rộng
Không chỉ ở riêng Trúc Khê, mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” còn được Ủy ban MTTQ tỉnh triển khai thực hiện ở 23 đơn vị khác (chưa kể 2 mô hình do trung ương hỗ trợ triển khai) đã mang lại những hiệu quả rõ rệt. Xuất phát từ thực trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng tại các vùng nông thôn đòi hỏi phải có sự can thiệp ngay bằng những việc làm thiết thực: Lượng rác thải sinh hoạt, chất và khí thải từ chăn nuôi ngày càng lớn trong khi một số nơi tại các vùng nông thôn chưa có tổ thu gom rác, nơi có cũng hạn chế thu gom từ 1-2 lần/tuần. Tại các nghĩa trang, rác thải từ tục hung táng, cát táng bừa bãi, chưa được xử lý tốt... Ngay sau khi thực hiện 2 mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” do trung ương hỗ trợ, Ủy ban MTTQ tỉnh đã triển khai mô hình này ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố. Cụ thể năm 2011, Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng 12 điểm tại 12 huyện, thị xã, thành phố; năm 2012 xây dựng 5 điểm tại các huyện Thanh Miện, Thanh Hà, Kim Thành, Bình Giang và thị xã Chí Linh; năm 2015 triển khai xây dựng mới thêm 6 điểm tại các huyện Bình Giang, Thanh Hà, Thanh Miện, Nam Sách, Tứ Kỳ và Cẩm Giàng.
Việc triển khai mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” đã thu được những kết quả đáng khích lệ: cải thiện rõ rệt tình trạng ô nhiễm môi trường tại các vùng nông thôn, làm cho diện mạo đường sá trở nên sạch sẽ, thông thoáng, không khí trong lành; cải thiện và nâng cao ý thức của mỗi người dân trong việc bảo vệ môi trường thể hiện ở việc mỗi cá nhân, mỗi hộ đã tự ý thức và tự giác hơn trong việc thải rác ra môi trường, tham gia bảo vệ môi trường chung và xây dựng cộng đồng dân cư xanh - sạch - đẹp. Các hộ giữ gìn vệ sinh ngay trong việc trồng trọt, chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường, tránh lạm dụng thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi nguy hại đến sức khỏe cộng đồng... Bằng những việc làm thiết thực, Ủy ban MTTQ tỉnh đã góp phần bảo vệ môi trường, được nhân dân hưởng ứng tích cực. Thời gian tới, Ủy ban MTTQ tỉnh còn tiếp tục áp dụng mô hình xử lý rác thải sinh hoạt mới đơn giản, hiệu quả, ít tốn kém sẽ góp phần tích cực trong việc xử lý rác thải, bảo vệ môi trường nông thôn.
LÊ HƯƠNG