Sôi động thị trường đồ cúng ông Công, ông Táo

Thị trường - Ngày đăng : 20:32, 30/01/2016

Tết ông Công, ông Táo đang đến gần cũng là lúc thị trường cá vàng và vàng mã trở nên sôi động.



Những bộ lễ nhỏ đang thu hút người mua trong dịp ông Công, ông Táo


Nhiều giống cá mới

Cơ sở cá cảnh Quang Khánh ở số 10, phố Hàn Giang (TP Hải Dương) nổi tiếng với nghề buôn cá cảnh. Hằng năm, cứ vào 18 tháng chạp, ngoài các loại cá cảnh, cơ sở lại nhập thêm cá chép vàng để phục vụ nhu cầu của khách hàng trong dịp cúng ông Công, ông Táo. Ông Mai Phương Diễn, chủ cơ sở này cho biết: "Qua rằm tháng chạp thời tiết chuyển rét đậm, rét hại nên chúng tôi không lấy hàng sớm vì sợ cá chết. Thay vì chỉ bán cá vàng, cá chép ta như mọi năm, năm nay cơ sở nhập thêm cá chép Nhật vàng. Loại cá này dáng đẹp, đuôi dài mềm mại hơn cá chép ta". Cá chép Nhật giá bán từ 10.000 - 15.000 đồng/con (cao hơn cá chép ta khoảng từ 2.000 - 5.000 đồng/con), được người dân ưa chuộng. Ông Diễn đã nhập về khoảng 2.000 con cá chép Nhật vàng. Đến nay đã bán được 700 con. Bên cạnh cá chép Nhật vàng, năm nay, thị trường cá ông Công, ông Táo còn có thêm cá chép ngọc trai (cá có màu óng ánh trên đầu). Theo ông Diễn, giá loại cá này tương đối cao, từ 45.000 - 50.000 đồng/đôi nên ông chỉ lấy vài trăm con về bán thử. Ngoài ra, tại một số cơ sở kinh doanh cá cảnh trên phố Trần Phú (TP Hải Dương) còn bán thêm cá chép vàng kỳ lân có hình thức, màu sắc bắt mắt. Theo chị Nguyễn Thị Huệ, chủ cửa hàng kinh doanh cá cảnh Ngọc Nam ở phố Trần Phú thì các loại cá này được nhập từ Trung Quốc nên giá khá cao, khoảng 40.000 - 45.000 đồng/con.

Không chỉ tại các cửa hàng kinh doanh cá cảnh chuyên nghiệp, nhiều tiểu thương buôn bán cá ở các chợ cũng tranh thủ nhập thêm cá chép vàng về bán dịp ông Công, ông Táo. Chị Đoàn Thị Sông, chuyên bán cá tại chợ Phú Yên cho biết: "Gần chục năm nay, năm nào tôi cũng nhập thêm cá chép vàng về bán. Tôi thấy những loại cá vàng bình dân vẫn bán chạy nhất vì giá chỉ từ 7.000 - 10.000 đồng/con, tùy loại to, nhỏ".

Chuộng hàng bình dân

Theo quan niệm từ xa xưa, đúng vào ngày 23 tháng chạp, gia đình ông Công, ông Táo lại lên chầu trời để báo cáo với Ngọc Hoàng những việc xảy ra trong năm vừa qua. Vì thế, vào ngày này, các gia đình thường làm lễ để tiễn ông Công, ông Táo về trời. Chị Trần Thị Tưa ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) đã có hơn 10 năm làm nghề vàng mã cũng đang tất bật chuẩn bị các đơn đặt hàng. Chị cho biết: "Năm nào cũng vậy, chúng tôi phải chuẩn bị bộ lễ cúng ông Công, ông Táo trước 3 tháng. Năm nay, người dân có nhu cầu mua các bộ lễ loại vừa nên gia đình phải tập trung làm cả tối mới kịp giao hàng cho khách. Mỗi ngày, gia đình tôi làm được hơn 50 bộ lễ loại vừa, thu lãi khoảng 200.000 đồng".

Những ngày này các cửa hàng bán vàng mã trên các phố hay các chợ lớn nhỏ trong thành phố đã nhộn nhịp. Có nhiều sản phẩm khác nhau với mức giá phù hợp để người dân lựa chọn. Thông thường, một bộ đồ ông Công, ông Táo loại vừa có giá từ 20.000 - 80.000 đồng, nếu được trang trí cầu kỳ, kích thước lớn hơn thì có giá trên 100.000 đồng/bộ. Tuy nhiên, năm nay, khách hàng thường thích mua các sản phẩm có giá khoảng 50.000 đồng/bộ. Nhanh tay chuyển hàng cho khách, chị Nguyễn Thị Hòa, chủ một cửa hàng bán vàng mã trên đường Tuy An (TP Hải Dương) cho biết: “Dễ bán nhất vẫn là bộ mũ, áo, hia Táo quân, vàng mã. Ngựa thì bán chậm hơn bởi vì không có nhiều nhà có phong tục cúng ngựa vào ngày này. Năm nay, trời lạnh, theo dự đoán thị trường sẽ không đủ cá chép sống để bán. Chính vì vậy, chúng tôi đã đặt làm thêm cá chép bằng giấy để phục vụ người dân với giá từ 10.000 đồng/con trở lên".

Bà Phan Thị Vần ở đường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) cho biết: “Năm nào gia đình tôi cũng mua lễ để cúng ông Công, ông Táo. Mấy năm trước, tôi thường mua nhiều vàng mã về vì quan niệm đốt nhiều, lễ to thì các Táo mới đi nhanh để báo cáo kết quả sớm, gia đình được hưởng nhiều lộc hơn. Năm nay, nhờ con cháu phân tích, động viên nên tôi đã hiểu, chỉ chọn lễ vừa phải để tiết kiệm dành tiền mua sắm những thứ khác và không gây ô nhiễm môi trường”.

Bên cạnh đồ lễ cúng trong ngày ông Công, ông Táo, các chủ cửa hàng vàng mã còn bán bếp hóa vàng mã để phục vụ người dân trong các khu đô thị đông dân cư. Giá các loại sản phẩm này cũng khá đa dạng tùy theo kích thước và chất liệu. Nếu bếp được làm bằng tôn có giá từ 80.000-150.000 đồng/chiếc, thì bộ làm bằng inox có giá cao hơn từ 200.000-400.000 đồng/chiếc.

Vàng mã và cá chép là một phần lễ quan trọng của mỗi gia đình người Việt Nam trong ngày ông Công, ông Táo. Tuy nhiên, người dân không nên mua sắm nhiều quá, gây lãng phí, cần chủ động phòng ngừa cháy nổ do việc hóa vàng mã gây ra.

HÀ VY - ĐỨC TÂM