Lưu giữ và phát triển nghệ thuật chèo từ cơ sở
Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 09:47, 02/02/2016
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa coi Hải Dương là một trong những mảnh đất phát tích nghệ thuật chèo.
Tỉnh ta có gần 10.000 tác giả, đạo diễn, diễn viên và nhạc công không chuyên sinh hoạt ở 762 đội, câu lạc bộ chèo các làng, xã, thị trấn, khu phố |
Và coi Hải Dương là cái nôi chèo lớn nhất cả nước với những tên tuổi như Huyền Nữ Phạm Thị Trân, Sái Ất, Trùm Thịnh, Trùm Bông, cố Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thị Lan (cụ Cả Tam), cố Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thị Minh Lý... Trong đó, Huyền Nữ Phạm Thị Trân từng được vua Đinh phong chức Ưu Bà và giao cho việc dạy múa hát trong quân ngũ, được ghi danh đầu tiên trong lịch sử sân khấu chèo Việt Nam. Sái Ất do khéo léo diễn trò, có hàng trăm học trò theo học được tôn làm Tổ sư của nghề hát chèo.
Nối tiếp truyền thống ấy, giai đoạn nào Hải Dương cũng xuất hiện những tập thể, cá nhân bộc lộ tài năng, nhiệt huyết với nghề và có những đóng góp nhất định với nghệ thuật chèo trên quê hương, đất nước.
Ngoài những vở chèo dài của các tác giả có tên tuổi sáng tác và đạo diễn cùng nghệ sĩ của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp dàn dựng, biểu diễn, công chúng xa gần còn biết đến một lực lượng hùng hậu với gần 10.000 tác giả, đạo diễn, diễn viên và nhạc công không chuyên sinh hoạt ở 762 đội, câu lạc bộ (CLB) chèo tại các làng, xã, thị trấn, khu phố trong tỉnh.
Các nghệ sĩ chèo không chuyên ở trong dân gian sáng tác, biểu diễn trên tinh thần tự nguyện với tình yêu nghệ thuật chèo. Họ xác định sáng tác, biểu diễn sân khấu không phải là nghề kiếm sống, mà chỉ với một lẽ: “Người làng ta hát cho người làng ta nghe” và ngược lại “Người làng ta nghe người làng ta hát”. Vì tinh thần ấy, nhiều năm nay dù không được hỗ trợ về kinh phí nhưng cứ vào tháng ba ngày tám, dịp Tết đến xuân về, từ làng quê đến phố phường lại rộn ràng trống phách và tha thiết những giọng chèo ngọt ngào, sâu lắng của các nghệ sĩ chèo không chuyên. Nhiều tác giả hàng chục năm liên tục viết những ca cảnh, bài hát chèo đầy ý nghĩa cho làng dàn dựng vẫn mai danh ẩn tích trong các xóm làng, khu dân cư. Nhiều diễn viên mùa vụ cứ miệt mài tập đàn, hát và biểu diễn mà không màng thù lao, danh hiệu. Lớp người trước truyền nghề cho lớp người sau, nghệ thuật chèo vì thế ngày càng sâu rễ, bền gốc và lan tỏa tầng tán ở đất làng...
Hoạt động của các đội, CLB chèo không chuyên chủ yếu phục vụ các chương trình lễ hội của làng, mừng được mùa lúa mới, đón xuân, tiễn tân binh lên đường, giao lưu văn hóa, hưởng ứng các phong trào của địa phương, gần đây nhất là cuộc vận động xây dựng nông thôn mới. Sau các buổi biểu diễn, các đội chèo lại chọn ra những tiết mục xuất sắc tham dự hội thi, hội diễn với các làng văn hóa cấp huyện, tỉnh và với cả nước. Tổng kết các cuộc hội diễn cấp tỉnh hằng năm có tới 80% số tiết mục là chèo, 20% số tiết mục còn lại là ca nhạc, múa. Có những đội chèo có tới trên 50 năm liên tục hoạt động như An Bình, Nam Hưng (Nam Sách), Nhân Quyền, Kiến Quốc (Bình Giang), An Lạc (Chí Linh), Bông Sen (Kinh Môn). Riêng ở xã An Bình từ một đội chèo của toàn xã, nay đã phát triển lên 4 CLB văn nghệ ở 4 thôn, mỗi CLB có trên 30 diễn viên, nhạc công, người trẻ nhất 30 tuổi, cao nhất 82 tuổi. Trong các buổi biểu diễn, nếu phần ca nhạc mà dài, khán giả thường bỏ về sớm, nhưng nếu là hát chèo khán giả thường chăm chú theo dõi từ đầu đến cuối, chỉ khi nào ban tổ chức thông báo buổi biểu diễn kết thúc, họ mới chịu ra về. Các cuộc hội diễn chèo không chuyên toàn quốc hoặc liên hoan chèo các làng văn hóa, năm nào tỉnh ta cũng đoạt giải cao.
Mấy năm gần đây, với phong trào xây dựng nông thôn mới, sân khấu chèo đóng góp tích cực trong việc động viên khích lệ nhân dân thi đua đóng góp công sức, hiến kế, hiến đất góp phần làm giàu, làm đẹp làng, xã. Từ đó, các CLB chèo đã tạo được uy tín và nhận được sự quan tâm của chính quyền, các đoàn thể, tạo nguồn quỹ hoạt động. Điển hình là các đội chèo ở các xã An Bình (Nam Sách), Nhân Quyền (Bình Giang)... Riêng xã An Bình chỉ trong một đợt tuyên truyền, biểu diễn, nhân dân trong xã đã tự nguyện hỗ trợ 117 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa, trên 100 triệu đồng để nâng cấp đường điện, đường bê tông trong làng, xây dựng cổng làng, mua sắm, trang bị nhạc cụ, phương tiện đi lại, quần áo diễn viên. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp cũng sử dụng nghệ thuật chèo vào việc tuyên truyền, động viên cán bộ, người lao động hăng hái thi đua, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Thậm chí, có đơn vị còn phát huy lợi thế của sân khấu chèo để quảng bá sản phẩm, đem lại hiệu quả rõ rệt.
Thực tế trên khẳng định chèo đã sống trong lòng dân, luôn được nhân dân bảo vệ, nuôi dưỡng và phát triển. Tuy nhiên, đa số các đội chèo không chuyên ở cơ sở còn thiếu kịch bản chất lượng, thiếu đạo diễn, nhạc công chuyên về chèo nên các sáng tác và biểu diễn chưa nhuần nhuyễn. Một số CLB dàn dựng mang tính ngẫu hứng, thậm chí một số nơi dùng cả nhạc cụ điện tử làm nhạc chèo. Đội ngũ tác giả có uy tín chuyên sáng tác, cung cấp kịch bản cho cơ sở đã cao tuổi, sức yếu, không còn khả năng sáng tác. Hiện tác giả trẻ nhất cũng xấp xỉ 60 tuổi và trên 60 như Vũ Công Bằng, Xuân Ba... Lực lượng kế cận vắng bóng bởi nhiều lý do, trong đó đa phần vì nghề hát chèo không đáp ứng được nhu cầu của đời sống.
Để sân khấu chèo Hải Dương luôn xứng đáng với cái nôi chèo của cả nước, đóng góp tích cực vào sự phát triển và lưu giữ nghệ thuật chèo, các cấp, các ngành liên quan cần có chế độ khuyến khích, động viên kịp thời sự sáng tạo của quần chúng, nhất là những người làm công việc sáng tác kịch bản, những người làm nhạc và nhạc công của sân khấu chèo. Đồng thời, phát hiện, có kế hoạch đào tạo bài bản những người có lòng đam mê chèo đang hoạt động ở trong dân gian (nhất là lớp trẻ) làm nòng cốt cho cơ sở. Được như vậy chắc chắn sân khấu chèo sẽ còn phát triển hơn nữa và sẽ sống vững bền trong lòng nhân dân, mãi xứng đáng là mảnh đất phát tích về chèo ở xứ Đông.
VŨ TUYẾT MÂY