Bài cuối: Vướng trong xử lý

Tin tức - Ngày đăng : 08:00, 04/02/2016

Tai nạn giao thông nhập viện liên quan đến nồng độ cồn diễn ra thường xuyên và có chiều hướng gia tăng vào các dịp lễ, Tết.
>>Bài 1: Uống vô tội vạ



Cảnh sát giao thông huyện Cẩm Giàng kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn

Trong khi đó, việc tuyên truyền, xử lý người vi phạm của lực lượng cảnh sát giao thông còn gặp khó khăn.

Nhiều khó khăn


Một ngày giữa tháng 1, chúng tôi theo chân Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an huyện Cẩm Giàng kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển xe cơ giới trên tỉnh lộ 394. Không giống những ca tuần tra, kiểm soát vào thời điểm khác trong ngày, lần này mới hơn 9 giờ sáng nhưng đã có trường hợp bị phát hiện sử dụng rượu bia. Anh Nguyễn Hữu Vương (ở xã Cẩm Vũ, Cẩm Giàng) điều khiển xe máy 34B2-847.93 nồng độ cồn trong người là 0,417 mg/lít khí thở. Mặc dù thừa nhận vi phạm nhưng cũng như nhiều người khác, anh Vương vẫn biện bạch: "Do phải dự một đám cưới ở huyện Bình Giang nên tôi có uống một chút. Dù biết vi phạm nhưng tôi vẫn phải đi xe máy về nhà".

Vòng vo không nhận lỗi là một chuyện, thượng úy Phạm Tiến Linh, Đội phó Đội CSGT Công an huyện Cẩm Giàng còn cho biết một vấn đề khác. Dịp này, đội của anh tập trung 100% quân số nhằm tăng cường  kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn. Đội vừa được cấp thêm 2 máy đo nồng độ cồn, nhưng việc xử lý vi phạm rất khó khăn vì người điều khiển phương tiện khi đã có hơi men rất dễ bị kích động, chống đối, thậm chí lăng mạ CSGT.

Đại tá Nguyễn Đức Hiển, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: "Mặc dù đã tăng cường xử lý nhưng tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu bia vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, số máy đo nồng độ cồn được trang bị cho CSGT còn thiếu nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn".

Một vướng mắc khác ảnh hưởng lớn đến hiệu quả xử lý vi phạm nồng độ cồn chính là một bộ phận không nhỏ người dân có thói quen sử dụng rượu bia tràn lan nhưng vẫn điều khiển xe, nhất là dịp lễ, Tết hoặc khi có đám xá. Khi số lượng người vi phạm nồng cồn nhiều sẽ dẫn đến khó kiểm soát, kiểm tra có lúc không xuể.

Nhiều người có nhận thức đơn giản rằng điều khiển phương tiện ở các tuyến đường vắng người, đường nông thôn sau khi đã uống rượu bia không đáng lo ngại về an toàn. Trong khi đó, qua thống kê thì số vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến sử dụng rượu bia hầu hết xảy ra ở các tuyến đường huyện, đường xã và đường giao thông nông thôn.

Từ những khó khăn, bất cập trên, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn chưa đạt hiệu quả cao. "Trong đợt cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn từ ngày 15-12-2014 đến 31-1-2015, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC67, Công an tỉnh) chỉ xử lý 147 trường hợp. Sau đợt cao điểm đó đến nay, chưa có con số thống kê cụ thể nhưng toàn lực lượng PC67 và CSGT các huyện, thị xã, thành phố chỉ xử lý thêm khoảng 150 trường hợp, chủ yếu là lái xe ô tô", một cán bộ CSGT ước tính.

Thường xuyên, kiên quyết

Đại tá Nguyễn Đức Hiển cho biết thêm: "Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Công an và UBND tỉnh, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch, tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội mùa xuân 2016. Đợt cao điểm này diễn ra từ ngày 15-1 đến 26-2 nhằm nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông, từng bước hình thành thói quen, ý thức tự giác chấp hành các quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Chúng tôi yêu cầu cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải áp dụng phương châm mềm dẻo, nhưng cương quyết, đề cao cảnh giác, bảo đảm an toàn".

Hầu hết vi phạm nồng độ cồn rơi vào nhóm đối tượng điều khiển mô tô, xe gắn máy. Lái xe ô tô chuyên nghiệp, lái xe của các đơn vị tư nhân, lái xe cá nhân hầu như không bị phát hiện vi phạm nồng độ cồn vì họ nhận thức khá tốt về nguy cơ tai nạn cũng như mức phạt. Nhiều trường hợp vi phạm là lái xe biển xanh, cán bộ các cơ quan nhà nước, người có quen biết với cơ quan chức năng... "Chúng tôi đã chỉ đạo CSGT kiên quyết xử lý, không vị nể, không bỏ qua lỗi vi phạm", đại tá Nguyễn Đức Hiển nói.

Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch đợt cao điểm và xử lý vi phạm nồng độ cồn ở những thời điểm khác trong năm, Công an tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng CSGT quyết liệt xử lý các trường hợp vi phạm; nâng cao hiệu quả công tác cưỡng chế, góp phần phòng ngừa, hạn chế TNGT do sử dụng rượu bia. Cùng với xử lý, tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, tác hại của sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện; các vụ TNGT nghiêm trọng do sử dụng rượu bia. Trong quá trình tuyên truyền an toàn giao thông tại các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, trường học... lực lượng CSGT lồng ghép số liệu, dẫn chứng cụ thể về vi phạm, mức xử lý, hậu quả của việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.

Sau đợt cao điểm, các lực lượng CSGT trong tỉnh cần duy trì kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn thường xuyên, liên tục hơn. Duy trì việc thông báo danh tính người vi phạm về nơi công tác, nơi cư trú; phổ biến các quy định pháp luật về nồng độ cồn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Để xử lý nghiêm minh, quyết liệt thì lực lượng CSGT cần tăng cường khảo sát, đánh giá thực trạng, tình hình sử dụng rượu bia trên các tuyến, các địa bàn. Cần phân tích cụ thể từng loại đối tượng, thời gian, tuyến, địa bàn thường xảy ra tai nạn mà nguyên nhân có liên quan đến việc sử dụng rượu bia để xác định nguy cơ TNGT và xây dựng kế hoạch tập trung tuần tra, kiểm soát. Ngoài ra, CSGT cần bố trí lực lượng mặc thường phục nắm tình hình, ghi nhận ở các khu vực nhà hàng, quán ăn, điểm dừng nghỉ... khi phát hiện người điều khiển phương tiện có dấu hiệu vi phạm phải thông báo cho bộ phận xử lý gần đó tiến hành kiểm tra. Trường hợp người vi phạm chống đối hoặc cản trở cần kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.


NHÓM PV KINH TẾ