Thời tôi sống
Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 13:21, 08/02/2016
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (bên trái)và nhà thơ Nguyễn Hoa, năm 1982
Tháng giêng là tháng ăn chơi,
Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà.
Tháng ba thì đậu đã già,
Ta đi, ta hái về nhà phơi khô.
Tháng tư đi tậu trâu bò,
Để ta sắp sửa làm mùa tháng năm.
Sớm ngày đem lúa ra ngâm,
Bao giờ mọc mầm ta sẽ vớt ra.
Gánh đi, ta ném ruộng ta,
Đến khi nên mạ, thì ta nhổ về.
Lấy tiền mượn kẻ cấy thuê,
Cấy xong rồi mới trở về nghỉ ngơi.
Cỏ lúa dọn đã sạch rồi
Nước ruộng vơi mười, còn độ một hai.
Ruộng thấp đóng một gàu dai,
Ruộng cao thì phải đóng hai gàu sòng.
Chờ cho lúa có đòng đòng,
Bây giờ ta sẽ trả công cho người.
Bao giờ cho đến tháng mười,
Ta đem liềm hái ra ngoài ruộng ta.
Gặt hái ta đem về nhà,
Phơi khô quạt sạch ấy là xong công.
Nhưng chữ thời tôi muốn nói ở đây mang ý nghĩa thời đoạn hay thời đại. Ở thế kỷ XX ta vẫn thường nhắc đến “thời kháng chiến chống Pháp” (1946-1954), “thời kháng chiến chống Mỹ” (1964-1975), “thời đổi mới” (sau năm 1986)... Tuổi trẻ của tôi, của thế hệ tôi gắn bó với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đấy là cuộc kháng chiến ác liệt nhất của thế kỷ XX. Ra khỏi cuộc chiến tranh này, mấy năm sau lại xảy ra chiến tranh biên giới, đất nước gần như kiệt quệ. Chúng tôi đã sống trong một tâm thức “phải sống”, phải nhìn nhận thực tế như nó vốn có. Vì vậy, năm 1981, tôi đã viết bài thơ “Tản mạn thời tôi sống”, cất lên một tiếng nói đau đớn về đời sống, nhưng cũng đầy niềm tin về quy luật phát triển và đổi mới của xã hội. “Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa” là câu thơ được nhắc lại nhiều lần như một niềm tin không thể lay chuyển mà chúng tôi gửi gắm cho đời, như một thông điệp về phía tương lai.
Với chúng tôi, quá khứ chiến tranh mà chúng tôi trải qua luôn ám ảnh chất bi hùng và oanh liệt của người lính, của nhân dân. Quá khứ đó không bao giờ mất:
Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa
Như thời đã đi qua, như thời rồi sẽ đến
Nhưng cái thời tôi sống
hẳn khác xưa
Trong bài hát thêm bom rơi, và súng
Anh yêu em anh phải đi ra trận
Vợ yêu chồng biết chờ đợi, nuôi con
Đất yêu người đất nhận làm lá chắn
Hai mươi năm không nguôi lửa chiến trường
Hai mươi năm không ngày nào vắng người chết đạn
Khăn tang bay người sống trắng mái đầu
Đâu cũng gặp những nghĩa trang liệt sĩ
Chiến tranh chấm dứt rồi mà nào dễ tin đâu!
Vâng, chiến tranh đã chấm dứt sau 21 năm nước nhà chia cắt đã trở về đoàn tụ, nhưng biên cương hải đảo Tổ quốc vẫn bị đe dọa từng ngày. Tôi đã đến Cao Bằng ngay sau ngày 17-2-1979 trong mịt mù khói súng. Màu áo lính đi ngược dòng người chạy giặc về xuôi. Rồi những ngày ra đảo cùng bộ đội, thiếu gạo, thiếu rau, thiếu cả nước ngọt. Thực tế như thế, làm sao thơ không đau đớn sẻ chia:
Anh nhớ em nhớ về phía cuối trời
Nơi đất mới khai hoang chân em dầm trong đất
Em nhớ anh nhớ về nơi bóng giặc
Cứ rập rình quanh cột mốc đêm đêm
Gió thầm thào như chẳng thể nguôi yên
Gạo thịt cửa hàng nhiều khi không đủ bán
Con phe sục khắp ga tàu bến cảng
Giá chợ đen ngoảnh mặt với đồng lương…
Và càng không thể ngồi chuốt những câu thơ cho bóng bẩy, nuột nà trước bao nhiêu câu hỏi được đặt ra giữa đời thường bộn bề, gai góc?
Thơ chưa hay thì thơ nói thật lòng
Ai giả dối rồi biết mình lầm lỗi
Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi
Câu trả lời thật không dễ dàng chi!…
Thời đó, nhiều kẻ cơ hội đã xuất hiện giữa gian khổ khó khăn của đất nước. Và sự phản bội cũng đã lên tới đỉnh điểm từ những âm mưu đen tối của cái gọi là “thần tượng” môi hở răng lạnh, dẫn đến chiến tranh biên giới phía bắc. Thơ không đứng ngoài cuộc. Thơ phải lên tiếng cảnh báo về một sự thật đau đớn đã xảy ra:
Khi đang đắm yêu nào tin được bao giờ
Rồi một ngày người yêu ta đổi dạ
Rồi một ngày thần tượng ta tan vỡ
Bạn bè thân thọc súng ở bên sườn
Sau cái bắt tay xòe một lưỡi dao găm
Kẻ tình nguyện giữ nhà muốn chiếm nhà ta ở
Tấm ảnh Mao treo lẫn màu cờ đỏ
Tay ta treo đâu nghĩ có một lần!…
Như con chiên sùng đạo chợt bàng hoàng
Nhận ra Chúa chỉ ghép bằng đất đá
Thời tôi sống thêm một lần súng nổ
Trái tim đau rỏ máu dọc biên thùy…
Vâng, tuổi trẻ của thế hệ tôi đã trải qua một thời như thế. Vì thế mà chúng tôi khát khao yên bình, khát khao thay đổi thời cuộc, khát khao đổi mới không ngừng cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Rồi thời gian qua đi rồi tuổi trẻ qua đi
Ai sau tôi ở vào thời sắp đến
Thời không còn khổ đau thời không còn nghèo túng
Đọc thơ tôi xin bạn chớ chau mày.
Bạn hãy quên đi vất vả những hàng ngày
Bao lo lắng đời thường từng làm tuổi xanh ta bạc tóc
Chỉ Hy vọng và Niềm tin giúp ta thêm sức lực
Câu thơ này xin bạn nhớ giùm cho:
Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa!…
5 năm sau khi bài thơ “Tản mạn thời tôi sống” ra đời, Việt Nam ta đã bước vào một thời vận khác từ công cuộc đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt cả về kinh tế lẫn chính trị. Đảng chủ trương “Kết hợp ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, đồng thời từng bước đổi mới chính trị”, là nhận thức đúng cả về lý luận và thực tiễn. Nhờ vậy mà “thời đổi mới” đã nhanh chóng đưa đất nước thoát khỏi vòng đói nghèo, tụt hậu và ngày càng khởi sắc hơn.
Nhớ lại “Tản mạn thời tôi sống” như thấy hiện lên một quá khứ đau thương nhưng rất đỗi huy hoàng mà mỗi người dân đã cống hiến và hy sinh cho đất nước. Đó là lúc con người ta biết chấp nhận chữ thời trong sự biến, biết “thời hành tắc hành, thời chỉ tắc chỉ”, biết tiến, biết dừng vì việc lớn, vì tương lai tốt đẹp của nước nhà.
NGUYỄN TRỌNG TẠO