Người “nâng tầm” hạt gạo
Việc tử tế - Ngày đăng : 08:28, 19/02/2016
Anh Nguyễn Xuân Tuyên (trái) luôn nỗ lực để tạo thương hiệu cho hạt gạo Việt
Chỉ học hết THPT nhưng anh Nguyễn Xuân Tuyên ở thị tứ Quang Phục (Tứ Kỳ) vẫn trở thành một giám đốc doanh nghiệp giỏi trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh gạo nhờ không ngừng tìm tòi, sáng tạo và mạnh dạn đầu tư làm ăn. Anh cũng là một trong những người đã và đang tích cực xây dựng, phát triển thương hiệu cho hạt gạo.
Phát triển nghề gia đình
Năm nay 38 tuổi nhưng anh Tuyên đã có tới 19 năm trong nghề xay xát, kinh doanh gạo. Năm 1997, sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh Tuyên không học lên mà quyết định gắn bó với công việc xay xát, kinh doanh gạo của gia đình. Anh cho biết: “Năm 1990, xưởng xay xát, kinh doanh gạo của gia đình tôi thuộc diện lớn và có tiếng trong huyện. Bố mẹ tôi mua thóc từ bà con nông dân hoặc từ những người làm nghề hàng xáo, sau đó xay xát và bán lại cho các thương lái toàn miền Bắc thu lời. Kinh tế gia đình tôi trở nên khấm khá cũng từ nghề này. Lúc đó tôi nghĩ nếu có tiếp tục học đại học thì sau này ra trường cũng phải đi tìm việc để kiếm miếng cơm, manh áo. Mà chắc gì mình đã xin được công việc như mong muốn. Chi bằng cứ tiếp nối nghề của bố mẹ, tuy vất vả nhưng có lợi nhuận ổn định. Hơn nữa, nghề này cũng chẳng phải lo tụt hậu vì diện tích trồng lúa ở nước ta vẫn nhiều và gạo lại là nhu cầu không để thiếu trong bữa cơm hằng ngày của người Việt chúng ta”.
Những năm sau đó, anh Tuyên trực tiếp tham gia vào tất cả các hoạt động tại xưởng xay xát, kinh doanh gạo của gia đình, được bố mẹ truyền lại kinh nghiệm trong quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất. Năm 2005, do tuổi cao, lại nhận thấy con trai đã có đủ khả năng để kinh doanh nên bố mẹ quyết định bàn giao xưởng xay xát cho anh Tuyên phụ trách. Song đây cũng là lúc mà hoạt động kinh doanh của gia đình anh bắt đầu bước vào thời kỳ khó khăn khi phải cạnh tranh với những xưởng xay xát mới thành lập có quy mô lớn hơn, máy móc hiện đại hơn. Anh Tuyên nhận ra rằng xưởng xay xát của gia đình đã tụt hậu, hệ thống máy móc cũ kỹ, hạt gạo làm ra không đáp ứng được nhu cầu thị trường cả về sản lượng và chất lượng. Muốn giữ nghề và phát triển quy mô kinh doanh không còn cách nào khác là phải nâng cấp cơ sở vật chất, thay đổi tư duy làm ăn. Sau nhiều chuyến đi học tập kinh nghiệm quản lý, điều hành tổ chức sản xuất, kinh doanh tại các công ty lương thực ở Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp và TP Hồ Chí Minh, năm 2011, anh Tuyên quyết định thành lập Công ty TNHH một thành viên Lương thực Tuyên Du (gọi tắt là Công ty Tuyên Du). Anh thuê khu đất rộng gần 6.000 m2 nằm cạnh tỉnh lộ 391, đầu tư trên 10 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, mua sắm hệ thống máy xay xát gạo tân tiến, tuyển thêm lao động vào làm việc, mở rộng đối tác làm ăn... Nếu như trước năm 2011, bình quân mỗi năm xưởng sản xuất của gia đình anh Tuyên chỉ bán ra thị trường từ 2.500 - 2.700 tấn gạo, thì từ ngày công ty được thành lập đến nay, sản lượng luôn dao động ở mức 8.000 - 9.000 tấn/năm. Việc đầu tư hệ thống dây chuyền máy móc hiện đại đã làm giảm tỷ lệ tấm từ 25% xuống còn từ 3-4%, đặc biệt gạo không bị ẩm mốc. Kể từ đây hạt gạo do Công ty Tuyên Du sản xuất đã dần chinh phục được thị trường, khách hàng ngày một đông hơn. Không chỉ tiêu thụ gạo trong nước, Công ty Tuyên Du còn xuất khẩu gạo ra nước ngoài.
Chắp cánh cho “Gạo quê Việt”
Nhờ đầu tư đúng hướng nên công việc sản xuất, kinh doanh của Công ty Tuyên Du ngày càng phát triển, doanh thu mỗi năm đạt hàng chục tỷ đồng. Nhưng dường như vị giám đốc của công ty này chưa bao giờ hài lòng với những gì mình có. "Phải xây dựng cho công ty mình một thương hiệu riêng thì mới bảo đảm sự phát triển ổn định, dài lâu. Cứ bằng lòng với những gì mình đang có, không chịu sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh thì sớm muộn sẽ lại rơi vào cảnh lạc hậu. Đây là kinh nghiệm quý báu nhất mà tôi đã học được từ các nhà kinh doanh gạo hàng đầu ở phía Nam", anh Tuyên chia sẻ.
Nhưng xây dựng thương hiệu cho công ty bằng cách nào? Đó là điều khiến anh Tuyên trăn trở trong thời gian dài. Chỉ đến năm 2013, trong một lần vào thăm chuỗi các cửa hàng bán lẻ gạo Thái Lan của một công ty tại TP Hồ Chí Minh thì ý tưởng của anh mới được "chắp cánh". Anh Tuyên cho biết: "Tôi luôn tự hỏi tại sao Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới mà nhiều người dân ở khu vực thành thị lại cứ sính gạo Thái hơn? Trong khi nhiều loại gạo trong nước cũng có chất lượng thơm ngon không kém. Tôi cho rằng chẳng qua là ta chưa làm tốt khâu xây dựng hình ảnh cho hạt gạo Việt. Cơm nấu từ gạo Thái có thơm ngon thật, nhưng nhiều loại gạo của ta cũng không hề kém cạnh. Chẳng qua hạt gạo Thái được xay xát và xử lý trên dây chuyền hiện đại nên trắng, bóng, đẹp, ít gẫy và tỷ lệ tạp chất thấp hơn gạo ta mà thôi. Vì vậy để người dân ưa dùng gạo trong nước thì chỉ cần chú ý làm tốt những công đoạn mà người Thái đã làm".
Về nhà sau chuyến tham quan ấy, không một chút chần chừ, anh Tuyên bắt tay ngay vào thực hiện ý tưởng xây dựng chuỗi cửa hàng bán lẻ gạo mang thương hiệu "Gạo quê Việt". Anh xác định muốn làm ra những hạt gạo thơm ngon, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của khách hàng thì nguyên liệu đầu vào cũng phải được bảo đảm. Đầu năm 2014, Công ty Tuyên Du đã hợp đồng với các hộ nông dân ở huyện Hải Hậu (Nam Định), các tỉnh Thái Bình, Điện Biên, Long An, hay các huyện trong tỉnh như Kinh Môn, Cẩm Giàng để xây dựng những vùng nguyên liệu sạch. Lúa ở những vùng này được chăm sóc đúng quy trình, hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Cùng với đó, công ty chủ động đầu tư nâng cấp hệ thống máy móc theo công nghệ của Mỹ, từ khâu làm sạch, xay xát, đánh bóng, lọc sạn, lọc tấm, bắn màu để tạo ra những hạt gạo sạch, thơm ngon, tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng... Tháng 8-2014, Công ty Tuyên Du chính thức mở 5 cửa hàng kinh doanh "Gạo quê Việt" tại TP Hải Dương và 1 điểm ở huyện Tứ Kỳ với hàng chục loại gạo từ bình dân như Khang dân, Q5, BC15, Xi đến đặc sản, chất lượng như Bắc thơm Hải Hậu, nếp cái hoa vàng Kinh Môn, tám Điện Biên, tám Long An, gạo Lài Long An... Để thương hiệu "Gạo quê Việt" nhanh chóng được người dân biết đến, công ty tăng cường quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin, phát triển đội ngũ bán hàng, tiếp thị, thăm dò, tư vấn và giới thiệu gạo cho người dân dùng thử. Ngay trong tháng đầu tiên, chuỗi cửa hàng bán lẻ của Công ty Tuyên Du đã tiêu thụ được trên 30 tấn gạo. Từ thành công này, năm 2015, công ty tiếp tục phát triển thêm 3 cửa hàng tại các huyện Kinh Môn, Kim Thành, Cẩm Giàng và 2 cửa hàng tại TP Hà Nội. Bình quân mỗi tháng, chuỗi cửa hàng bán lẻ của Công ty Tuyên Du cung cấp ra thị trường từ 110-120 tấn gạo. Sản phẩm "Gạo quê Việt" ngày càng được đông đảo người dân ưa chuộng, được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản tỉnh cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Anh Tuyên cho hay: Trong năm 2016, công ty sẽ phát triển thêm khoảng 60 cửa hàng bán lẻ "Gạo quê Việt" tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hải Phòng. Nếu kinh doanh hiệu quả, những năm tới công ty sẽ phát triển hệ thống ra toàn miền Bắc.
Trong sản xuất, kinh doanh, Công ty Tuyên Du luôn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước, chủ động phòng chống cháy nổ và quan tâm tới quyền lợi người lao động. Hiện tại, công ty đang tạo việc làm cho 60 lao động với mức thu nhập bình quân từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Công ty cũng tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Năm 2015, công ty đã tặng 150 suất quà Tết (mỗi suất từ 100.000 - 200.000 đồng) cho các hộ nghèo, 50 suất quà cho học sinh vượt khó học giỏi ở TP Hải Dương, 1.000 quyển vở và đồ dùng học tập cho học sinh các tỉnh vùng cao. Công ty còn thường xuyên hỗ trợ gạo cho một số tổ chức thiện nguyện để nấu cháo cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện...
TIẾN MẠNH