"Tỷ phú ớt"
Công nghiệp - Ngày đăng : 06:44, 27/02/2016
Từ người đi làm thuê, anh Nguyễn Văn Dương (38 tuổi ở thôn Hống, xã Lê Lợi, Gia Lộc) đã gây dựng được cơ sở chế biến và xuất khẩu ớt, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng/năm...
Cơ sở thu mua và xuất khẩu ớt của gia đình anh Dương tạo việc làm thường xuyên cho hơn 80 lao động
địa phương với mức thu nhập từ 4-4,5 triệu đồng/người/tháng
Số lãi đáng mơ ước
Tại xưởng thu mua và xuất khẩu ớt của gia đình anh Nguyễn Văn Dương, gần chục công nhân thoăn thoắt bốc hàng trăm thùng hàng đã được đóng đầy ớt tươi lên xe. Hơi ớt cay nồng không ảnh hưởng tới không khí làm việc khẩn trương của họ, tất cả đều mong muốn chuyến hàng xuất khẩu đầu tiên của năm mới được suôn sẻ.
Gia đình anh Dương tổ chức thu mua ớt từ khắp nơi, sau đó thông qua một số doanh nghiệp trong nước xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan và Đài Loan. Bình quân mỗi tháng, xưởng của anh Dương xuất khẩu khoảng 1.000 tấn ớt. Với giá 14.500 đồng/kg, doanh thu mỗi tháng đạt 14,5 tỷ đồng. Sau khi trừ mọi chi phí, anh Dương lãi trên 1,4 tỷ đồng. "Thời điểm chính vụ ớt, có ngày gia đình tôi xuất khẩu từ 50-60 tấn ớt, mang lại nguồn thu nhập cao, điều mà chính tôi cũng không dám mơ tới cách đây hơn chục năm về trước", anh Dương phấn khởi nói.
Trước khi khởi nghiệp, anh Dương từng đi làm thuê cho Công ty Phát triển nông nghiệp Việt Hưng và HTX Rau quả Cẩm Sơn. Những ngày làm việc ở đây đã trang bị cho anh nhiều kiến thức, từ cách bảo quản và sơ chế ớt đến việc làm quen với những bạn hàng nước ngoài. Qua đó giúp anh quyết định đầu tư lớn vào lĩnh vực xuất khẩu ớt. Để có thành công như hôm nay, anh Dương cũng phải tốn rất nhiều "học phí". "Quả ớt cho tôi nhiều thứ nhưng cũng lấy đi của tôi không ít", anh Dương nói về những lô hàng đầu tiên xuất khẩu do không bảo đảm chất lượng nên mất trắng. Chỉ trong vài ngày khi mới khởi nghiệp, số tiền hơn 700 triệu đồng vay mượn đã không cánh mà bay. Tuy nhiên với quyết tâm "thua đâu gỡ đấy", anh Dương đã tự mình tháo gỡ khó khăn trong khâu bảo đảm chất lượng cho quả ớt, tạo dựng thương hiệu và uy tín với bạn hàng. Tần suất những chuyến hàng xuất khẩu ngày càng nhiều hơn khi đối tác chấp nhận sản phẩm của anh.
Để tạo quy trình khép kín cho xuất khẩu ớt, anh Dương mở xưởng sản xuất bao bì đóng gói ớt tại Quán Trắm, xã Hoàng Diệu. Không chỉ xuất khẩu ớt, anh Dương còn mở xưởng muối ớt ở xã Lê Lợi (cùng huyện Gia Lộc). Anh đang cùng một số người bạn góp vốn xây dựng một khu xưởng sơ chế nông sản trên diện tích 8.000 m2 ở tỉnh Thái Bình, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới.
Công việc xuất khẩu ớt không chỉ giúp anh trở thành "tỷ phú" mà còn tạo việc làm thường xuyên với mức thu nhập từ 4-4,5 triệu đồng/người/tháng cho hơn 80 lao động địa phương.
Tiềm năng lớn
"Tôi đã hợp tác với các đối tác nước ngoài từ hơn chục năm nay. Các thị trường Malaysia, Thái Lan và Hàn Quốc rất bền vững và còn nhiều tiềm năng. Mỗi ngày tôi xuất khẩu từ 30-35 tấn ớt sang các thị trường này nhưng nhu cầu vẫn còn rất lớn", anh Dương nói.
Hiện nay, nguồn nguyên liệu tại tỉnh rất ít nên anh Dương phải ký hợp đồng thu mua ớt với nông dân ở tận Thanh Hóa, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nam và Bắc Giang. Để bảo đảm chất lượng cho đầu ra của sản phẩm, anh Dương đầu tư gần 2 triệu đồng/sào cho bà con nông dân, gồm tiền cây giống, thuốc trừ sâu, phân bón. Anh cũng mời các kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và bảo quản ớt sau thu hoạch. Hiện nay, giống ớt hai mũi tên đỏ và ớt lai số 20 đang được thị trường Hàn Quốc và Malaysia ưa chuộng. Quả ớt đủ tiêu chuẩn xuất khẩu phải có phần cùi dày, chín đỏ đều từ 75% trở lên, cuống xanh không vàng úa, không héo, không sâu thối. Ớt xuất sang thị trường Hàn Quốc không dài quá 5 cm nhưng để xuất sang các nước Malaysia, Thái Lan thì quả ớt phải dài trên 10 cm.
Anh Dương cho biết sẵn sàng thu mua ớt của bà con nông dân Hải Dương với số lượng không hạn chế nhưng phải bảo đảm các yếu tố về chất lượng. Việc này không chỉ giúp nông dân trong tỉnh tiêu thụ được sản phẩm làm ra mà còn giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, anh Dương cũng băn khoăn khi bà con nông dân trong tỉnh làm ăn chưa thật sự chuyên nghiệp, một số người chỉ tính lợi trước mắt. "Hải Dương là một trong những địa phương sản xuất nông sản lớn. Cách đây hơn 10 năm, tôi đã từng ký hợp đồng bao tiêu ớt tươi cho bà con với giá cố định nhưng đến vụ thu hoạch, bà con chỉ bán cho tôi khi giá thị trường thấp hơn giá cam kết. Còn khi giá thị trường cao hơn, họ lại bán chui, khiến tôi không bảo đảm được nguồn hàng cho các hợp đồng đã ký với đối tác. Từ đó tôi không dám mạo hiểm đầu tư tại tỉnh", anh Dương nói.
LÊ HƯƠNG