Tận tâm với y học cổ truyền
Việc tử tế - Ngày đăng : 10:04, 29/02/2016
Cụ nói về đông y, đặc biệt là về sự học và cái tâm của người thầy thuốc với sự trăn trở, ước muốn để những tinh hoa của y học cổ truyền sẽ được lưu giữ và phát triển mãi mãi.
94 tuổi, lương y Nguyễn Văn Thông vẫn say mê dịch sách y học truyền cho đời sau
Đó là lương y, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Thông ở thôn Cậy, xã Long Xuyên (Bình Giang), người đã truyền nghề cho nhiều thế hệ học trò và luôn đau đáu vì bệnh nhân.
Tấm gương học tập suốt đời
Trước khi gặp cụ, tôi có đôi phần lo lắng vì sợ rằng ở tuổi 94, thời gian sẽ làm phai nhạt nhiều ký ức, tôi sẽ không tìm kiếm được nhiều tư liệu "đắt" cho bài viết. Nhưng không, người lương y già vẫn ngồi dịch sách y học từ tiếng Trung sang tiếng Việt với những dòng chữ đều đặn, không một lỗi viết sai, giọng nói vẫn sang sảng và dứt khoát. Thấy khách đến, cụ xếp gọn sách lại và bắt đầu tiếp chuyện tôi ngay ở bàn làm việc. Đây cũng là nơi hằng ngày cụ bắt mạch kê đơn cho bệnh nhân từ khắp nơi đến khám, chữa bệnh.
"Tôi sinh ra trong gia đình có truyền thống nho giáo, cha tôi vốn làm nghề dạy học. Từ năm 6 tuổi tôi đã học chữ nho. Đến năm 15 tuổi, tôi đọc thông viết thạo, làm thơ, viết văn bằng chữ nho. Từ 15 - 25 tuổi, tôi học đông y của cụ Nguyễn Trường Nghị, quê ở Nam Định, là lương y giỏi nổi tiếng cả nước lúc bấy giờ do cha tôi mời về dạy", cụ Thông kể ngắn gọn về những năm tháng đầu tiên cụ đến với nghề y. Dường như cái chuẩn mực của người học chữ nho đã in vào cả lời nói và cử chỉ của cụ.
Từ bộ y học nhập môn được thầy truyền dạy với đầy đủ các kiến thức cơ bản của đông y, trò Thông đã không ngừng tìm tòi, say mê với các bộ sách y học của Trung Quốc. Sau 10 năm học thành nghề, cậu thanh niên Nguyễn Văn Thông mới lập gia đình và bắt đầu công việc bốc thuốc chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Bình (nay là Bệnh viện Đa khoa huyện Bình Giang) trong 3 năm. Sau đó, người thầy thuốc này lên làm việc tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh với trách nhiệm chính là dạy đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện về đông y và cùng họ khám, chữa bệnh cho nhân dân. Lúc này rất hiếm thuốc bắc, lương y Thông lại mày mò, tìm hiểu các loại thuốc nam để chữa bệnh cho nhân dân. Khi về hưu, cụ Thông tiếp tục làm việc tại Trung tâm Thừa kế ứng dụng (Hội Đông y tỉnh). Cả đời học và làm nghề, cụ Thông đã đúc rút được nhiều bài thuốc hay chữa các bệnh. Người dân vẫn thường gọi cụ là lương y đa khoa vì cụ chữa được nhiều bệnh, từ bệnh xương khớp, đại tràng đến các bệnh của phụ nữ, trẻ em. Tây y có 108 bệnh được thế giới công nhận là bệnh khó, thì nhiều bệnh lương y Nguyễn Văn Thông đã có cách chữa trị.
Điều sáng tạo nữa của người lương y này là việc kết hợp các bài thuốc. Người bị mắc nhiều bệnh, lương y vừa bắt mạch vừa hỏi bệnh và chỉ kê 1 đơn thuốc trong đó có sự phối hợp giữa các vị thuốc để cùng lúc điều trị các bệnh. Để thuận tiện cho người bệnh, cụ Thông còn nghĩ ra cách bào chế thuốc thành dạng viên thay vì phải sắc thuốc. Hiện nay, phòng chẩn trị của cụ có hơn 20 loại thuốc dạng viên chữa các bệnh như dạ dày, đại tràng, trĩ... Ngoài ra, với từng bệnh nhân khi bốc thuốc có nhu cầu sẽ được gia đình sắc thuốc và bào chế thành dạng viên. "Mỗi ấm thuốc phải sắc 3 ngày, lấy nước cốt thuốc cô đặc lại thành dạng cao để viên thì mới chuẩn, thuốc mới phát huy hết tác dụng. Nhiều nơi không làm vậy mà xay thuốc, như thế là không đạt yêu cầu", lương y Nguyễn Văn Thông chia sẻ thêm.
Nhân nói về chuyện cái tâm của người thầy thuốc, cụ bảo: "Bệnh nhân đau khổ thế nào thì người thầy thuốc phải biết đau thế ấy để chữa trị".
Đau đáu truyền lại tinh hoa y học
Sau gần 80 năm học và làm nghề, đúc rút được nhiều bài học hay, những kinh nghiệm quý, cụ Thông đều ghi vào sổ. "Người làm thuốc không được giấu bí quyết chữa bệnh để một mình mình hiểu mà phải viết lại để truyền cho đời sau", lương y Nguyễn Văn Thông chia sẻ. Không giấu nghề cộng với nhiều bí quyết riêng trong điều trị khiến cho nhiều học trò từ khắp nơi kéo về xin được học thầy. Đến nay, cụ cũng không nhớ rõ mình có bao nhiêu học trò nhưng nhiều nhất vẫn là những sinh viên sau tốt nghiệp đại học về đông y đã về ăn ở nhà thầy để theo học rồi mới bước vào nghề.
Đến giờ lương y Nguyễn Văn Thông vẫn "cầm tay chỉ việc" cho thế hệ kế cận
Ngay trong chính gia đình được Tổng hội Y học Việt Nam vinh danh "Gia tộc lương y" (năm 2014), cụ cũng có 3 người con trai và một cháu trai theo nghề đông y. Cụ đã định hướng cho 3 người con trai mỗi người học sâu về một lĩnh vực, người học xoa bóp bấm huyệt, người học châm cứu, người bốc thuốc để cùng tương trợ nhau. Hiện nay, 2 người con trai của cụ đều có phòng chẩn trị tại nhà, còn người con trai út đang phụ giúp cụ. Cháu trai cụ hiện đang du học ở Trung Quốc về khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Cụ vẫn luôn mong ngóng với hàng chục quyển sổ ghi chép những bài thuốc hay và những bài thuốc được dịch từ sách y học Trung Quốc sẽ được người cháu ấy tiếp nối và in thành sách làm tài liệu cho các thế hệ người làm thuốc sau này.
MINH HẠNH