Tuấn Hưng dồn điền, đổi thửa chậm
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:57, 02/03/2016
Xã Tuấn Hưng (Kim Thành) có 390 ha đất nông nghiệp, trong đó có 315 ha thuộc 6 thôn nằm trong kế hoạch dồn điền, đổi thửa (DĐĐT).
Đến nay mới có 2 trong số 6 thôn của xã Tuấn Hưng thực hiện dồn điền, đổi thửa
Ảnh: Huyền Trang
Thôn Phạm Xá 1 có hơn 64 ha đất nông nghiệp. Thực hiện kế hoạch DĐĐT và chỉnh trang đồng ruộng (CTĐR), thôn đã sớm xây dựng phương án và được UBND xã phê duyệt. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thôn gặp nhiều khó khăn, trong đó chủ yếu do thiếu kinh phí thực hiện. Theo phương án xây dựng, để thực hiện các công việc trên, thôn dự trù kinh phí khoảng 800 triệu đồng. Trong đó, thôn chỉ được huyện và tỉnh hỗ trợ chưa đến 130 triệu đồng, phần còn lại đều do nhân dân đóng góp. Vì thế, khi đưa kế hoạch DĐĐT và CTĐR ra bàn luận, nhân dân đều cho rằng số tiền trên là cao, vượt quá khả năng đóng góp. Ông Đỗ Văn Tuấn, Trưởng thôn Phạm Xá 1 cho biết: "Cuối cùng, các hộ dân trong thôn đều thống nhất nộp 5 kg thóc/sào/vụ, thu trong 4 vụ và mỗi hộ tự nguyện nộp 9 kg thóc/sào để lấy thêm kinh phí thực hiện. Do việc thống nhất lâu nên kết quả chưa được như mong muốn".
Cũng muốn đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành DĐĐT, góp phần tạo thuận lợi cho nhân dân trong canh tác nhưng đến nay thôn Bùng Dựa cũng chưa thực hiện được. Ông Phạm Văn Xoan, Phó Chủ tịch UBND xã Tuấn Hưng cho biết: "Do diện tích đất nông nghiệp của thôn Bùng Dựa nằm xen vào đất của thôn Phạm Xá 1 và Phạm Xá 2 nên các thôn này phải DĐĐT xong thì thôn mới tiến hành được. Hiện nay, xã cũng đã chỉ đạo 2 thôn Phạm Xá 1 và Phạm Xá 2 khi thực hiện DĐĐT phải quy hoạch gọn vào một khu để dành đất cho thôn Bùng Dựa thực hiện DĐĐT".
Ngoài những nguyên nhân chủ quan trên thì còn những nguyên nhân khách quan khác làm ảnh hưởng đến tiến độ DĐĐT của xã. Do đất đai cao thấp không đều nên nhiều gia đình trong xã phải duy trì 4 mảnh ruộng gồm 1 mảnh trong đồng, 1 mảnh ngoài bãi trũng và 2 mảnh để gieo mạ. Vì thế, để DĐĐT theo đúng kế hoạch của tỉnh là chỉ còn từ 1-2 thửa/hộ sẽ rất khó. Người dân lo lắng nếu bốc thăm vào ruộng trũng sẽ bị ngập khi mưa bão, còn nếu bốc thăm vào ruộng cao sẽ khó khăn về nước tưới và không có ruộng để làm mạ. Xã Tuấn Hưng thực hiện DĐĐT đúng vào lúc địa phương đang chuẩn bị bầu lại trưởng thôn. Vì thế, những người đang làm trưởng thôn cũ không muốn thực hiện vì DĐĐT là công việc phức tạp, mất nhiều thời gian và động chạm đến quyền lợi của nhiều người. Sau khi đã trúng cử, một số trưởng thôn là người mới nên phải tìm hiểu, thực hiện công việc từ đầu. Ngoài ra, kinh phí của các cấp hỗ trợ còn hạn hẹp so với nhu cầu thực tế của địa phương.
Đẩy nhanh tiến độ DĐĐT đang là nguyện vọng của nhiều người dân xã Tuấn Hưng. Ông Nguyễn Đình Cường ở thôn Phạm Xá 1 cho biết: "Tôi thấy ở những nơi đã DĐĐT xong rất thuận tiện để đưa máy móc vào sản xuất. Vì thế, tôi cũng mong địa phương sớm đẩy nhanh tiến độ thực hiện để chúng tôi bớt vất vả, giảm chi phí trong việc cày cấy".
Xã Tuấn Hưng phấn đấu đến tháng 6 năm nay sẽ hoàn thành việc DĐĐT. Xã yêu cầu các thôn ngay từ bây giờ phải tổ chức họp với nhân dân để khi thu hoạch lúa chiêm xuân xong là thực hiện ngay, bởi thời gian giữa vụ xuân và mùa rất ngắn. Các phương án phải được xây dựng cụ thể, rõ ràng. Với thôn còn có người chưa đồng tình thì cán bộ thôn phải đẩy mạnh việc tuyên truyền, giải thích chủ trương của Đảng, Nhà nước để họ thấy được lợi ích của việc DĐĐT. Chủ trương của xã là khuyến khích các hộ dân cùng một xứ đồng tự chuyển đổi cho nhau. Bên cạnh đó, xã sẽ quy hoạch khu đất công điền để cho các hộ thuê gieo mạ, bảo đảm diện tích đất không bị chia nhỏ mà người dân vẫn có đủ các chân ruộng. Trong thời gian tới, xã cũng sẽ tổ chức cho lãnh đạo các thôn còn lại đi tham quan, học hỏi một số mô hình DĐĐT thành công và đã mang lại hiệu quả sản xuất cho người dân. Với kế hoạch cụ thể, rõ ràng, hy vọng xã Tuấn Hưng sẽ sớm hoàn thành kế hoạch, không còn là xã chậm DĐĐT nhất của huyện Kim Thành.
HẢI HOÀNG