Phun thuốc bảo vệ thực vật đúng cách

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 13:18, 03/03/2016

Ðể bảo đảm vừa trừ được sâu bệnh mà không phải dùng các hóa chất độc hại, không tốn nhiều lần phun thuốc xin đưa ra một số khuyến cáo như sau:


- Đối với sâu hại: Mỗi loại sâu có các tập tính khác nhau, kỹ thuật phun cụ thể cho từng loại sâu cũng khác nhau. Các loại sâu có tập tính ăn, nằm ở phần trên của lá như bọ nhảy, bọ rùa, sâu đo, sâu khoang, bướm trắng... chỉ cần phun với liều lượng thấp và dùng bép bơm có hạt nhỏ thì khả năng tiếp xúc và tỷ lệ chết cao. Các loại sâu có tập tính nằm dưới lá nhưng nằm ở các tầng lá thấp và khả năng di chuyển kém như rầy, rệp... phải dùng bép to, khi phun cho vòi xuống tầng thấp. Nếu phát hiện sớm thì chỉ cần phun chỗ có sâu và xung quanh khoảng 1-2 m2. Phòng khả năng có trứng đã đẻ rồi nhưng chưa nở. Ðối với loại ẩn nấp kẽ lá, bẹ lá và các khe hẹp, ít di chuyển như nhện đỏ thì chỉ cần tập trung phun thật kỹ vào các ổ nhện bằng bép to để có thể thấm sâu vào trong kẽ lá tăng khả năng tiếp xúc.

- Ðối với những loại sâu dưới kẽ lá hoặc ẩn nấp bằng cách nhả tơ như sâu tơ hoặc giả chết như loại bọ cánh cứng thì phải dùng liều cao phun hạt lớn. Thuốc có thể chảy xuống các khe, kẽ để tiếp xúc với sâu. Với sâu giả chết như bọ xít có thể phun xuống đất.

Những loại sâu nằm dưới đất như sâu xám phải tưới thuốc ngấm đến chỗ sâu đang ẩn nấp. Với sâu đục thân, đục lá, đục quả, đục hoa thì phải phun bằng hạt to, liều lượng lớn ở thời kỳ bắt đầu phát hiện bướm để có thể giết trứng, sâu non mới nở trong kẽ lá, hoa, quả. Có thể dùng bơm hai bép để trừ ruồi, dòi và trứng trong lá.

Nếu dùng thuốc BT xử lý nồng độ 0,1% để phun thì không nên pha đặc hơn.

Mỗi loài sâu tuy thực hiện kỹ thuật khác nhau nhưng đều phải phun ướt đẫm vào vị trí cần phun.

- Phun thuốc trừ bệnh cây:

+ Đối với nhóm bệnh xâm nhập và gây bệnh trên thân, lá, hoa, quả mà các bộ phận đó nằm ở phía trên của cây thì có thể phun bép nhỏ vì nhóm bệnh này lan truyền và gây bệnh ở các vị trí thuốc dễ tiếp xúc.

+ Nhóm bệnh xâm nhập và gây bệnh trong các khe, kẽ, bẹ lá, lá có nhiều nếp nhăn, lá có nhiều lông và các loại cây có mô biểu bì, thụ bì dày che khuất các vết bệnh bên trong và dễ đọng nước là điều kiện cho bệnh phát triển thì cần phun bằng bép bơm có hạt to, liều lượng lớn để cho thuốc có thể thấm vào các khe kẽ lá.

KS. TRẦN THỊ LIÊN (Trạm Khuyến nông Nam Sách)